Chuyện một người tử tù

Thái Duy 30/07/2017 08:05

Hầm tử hình Khám lớn ở Sài Gòn từ giữa năm 1947 thường xuyên giam giữ trên dưới 50 tử tù, mỗi người phải đeo một thẻ bài trước ngực để phân biệt với mọi loại tù khác.

Khám Chí Hòa ở Sài Gòn là một nhà tù được người Pháp xây dựng từ thời thuộc địa làm nơi giam giữ những tù phạm chính trị chống lại chế độ thực dân Pháp. Tại đây người tử tù yêu nước Nguyễn Đình Chính cùng nhiều chiến sỹ cách mạng bị giam giữ trước khi ra pháp trường. Nguồn: Wikipedia.

Hầm thường có tử tù bổ sung. Kháng chiến chống Pháp bắt đầu rất sớm tại Sài Gòn (ngày 23/9/1945), mới được hai ba năm nên nguồn lực còn rất nghèo lại xa Trung ương, rất thiếu súng đạn. Vũ khí của ta chủ yếu là gậy tầm vông, dao, kiếm, mác, chông tre…, muốn giết địch phải bám sát chúng trong khi chúng vừa đông lại quá thừa súng đạn, giết được chúng quân ta cũng khó thoát thân. Thuốc nổ ta rất thiếu, biệt động thủy đánh đắm tàu địch phải luồn xuống hầm tàu tìm chỗ dễ phá nhất để đục thủng đánh đắm tàu.

Chính vì đánh địch ta còn ở thế rất yếu, còn dùng sức người và mưu mẹo nên khám tử hình mới có tử tù 15 tuổi tên là Chiến. Nhà nghèo, để kiếm sống em phải làm bồi tàu lúc còn rất nhỏ, nhờ vậy em thuộc các ngóc ngách của hầm tàu.

Sau Cách mạng tháng 8, em tham gia đội thiếu sinh Khánh Hội (bến nhà Rồng) và gia nhập Biệt động thủy. Các anh rất cần em để luồn lách trong hầm tàu tìm chỗ dễ phá nhất bằng búa, choòng kìm và sức mạnh của hai cánh tay. Địch bắt được em khi em đã là biệt động thủy gần 2 năm. Địch biết em đã dự gần 50 trận, có hai trận dìm đắm hai tàu của chúng. Địch đã kết án em tử hình và ngày 12/7/1948, lần đầu tiên hầm tử hình của Khám lớn có tử tù là thiếu nhi, mới hơn 16 tuổi.

Anh em tử tù thấy em vào hầm tử hình người nào chân cũng xỏ vô khoen sắt lạnh, em không sợ, không buồn và còn nói để các anh yên tâm: “Mặc dầu tương lai em còn dài nhưng em cũng rất sung sướng và lấy làm vinh dự được chết cho Tổ quốc Việt Nam”.

Cũng năm 1948, sau 8 năm lần thứ 2 hầm tử hình Khám lớn có tử tù là nữ. Người phụ nữ đầu tiên ở hầm tử hình là chị Nguyễn Thị Minh Khai đã tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ cuối năm 1940. Tử tù nữ thứ 2 tại Khám lớn là chị Bùi Thị Huệ, chỉ huy tổ biệt động nữ (còn gọi là Đội Công tác) mang tên Minh Khai (Nguyễn Thị Minh Khai).

Tổ chuyên dùng lựu đạn, diệt bọn sĩ quan và binh lính Pháp tụ tập đông xem phim trong các rạp chiếu bóng. Riêng trận liệng ba trái lựu đạn tối 10/8/1948 tại rạp Majestic làm chết và bị thương gần 40 tên Pháp, là một trận thắng lớn nhưng tổ đều bị bắt. Tổ trưởng bị kết án tử hình, riêng 2 nữ chiến sĩ là học sinh chưa đầy 18 tuổi, địch đưa sang một trại giáo hóa ở một nước châu Phi. Báo chí Sài Gòn tường thuật phiên tòa đều tập trung vào một chi tiết hấp dẫn: Khi phiên tòa kết thúc, một bị cáo trông thấy bố mẹ đã nói lớn: “Ba má đừng buồn, chừng nước nhà độc lập thì ra chớ gì”.

Hầm tử hình có tử tù đeo những 2 thẻ bài nhưng vẫn sống, tên anh là Nguyễn Đình Chính- anh em quen gọi là Chính Heo. Anh là lính thợ của thủy binh Pháp, sau về làm thợ máy ở xưởng sửa chữa tàu biển Ba Son, xưởng cũng thuộc quyền binh chủng Thủy binh.

Chính Heo là đội trưởng Đội Công tác 1 biệt động Sài Gòn, đơn vị anh cả của 10 Đội biệt động ra đời do Khu trưởng Nguyễn Bình, tư lệnh Sài Gòn - Chợ Lớn là tổng chỉ huy. Đội Công tác 1 là nỗi khiếp sợ của bọn cầm quyền, Đội đã ám sát một số tên thực dân và việt gian, những tên trùm phản động đòi tách Nam Bộ khỏi nước Việt Nam, đòi Nam Bộ có chính phủ riêng đều bị Đội Công tác 1 trừng trị đích đáng, có tên bị bắn chết tại chỗ khi hắn vừa xuống xe ô tô, đang bước vào nhà.

Kho bom đạn ở đường Focteur Angier bị Đội Công tác 1 gài bom nổ tung nhiều giờ. Bót Catinat là nơi chuyên tra tấn, lấy khẩu cung tù chính trị (chủ yếu là Việt Minh) và bọn mật thám vẫn tin địa điểm rất kín đáo, an toàn. Có nội ứng dẫn đường, Chính Heo đã cùng mấy đồng đội bất thần đột nhập dùng dao đâm chết cả 6 tên mật thám gian ác khét tiếng, không gây một tiếng nổ nào. Sau trận đánh được nói rất nhiều này tại Sài Gòn, Chính Heo bị bắt, bị kết án tử hình và đưa về hầm tử hình Khám Lớn.

Chính Heo quê ở xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, anh được gia đình cho ăn học đến bậc thành chung ít nhiều biết tiếng Pháp.

Tòa án binh thường trực ở Sài Gòn xử Chính Heo vào ngày 19-5-1948, Chính Heo rất mừngvì đó là ngày sinh của Bác Hồ. Anh quyết viết một bài phát biểu ca ngợi Bác Hồ và lên án cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp. Trình độ tiếng Pháp có hạn, anh đã nói ý định này với luật sư tại tòa anh quen biết, là người trong tổ chức vẫn liên hệ với anh để nắm vững nội bộ hầm tử hình và đưa bản anh đã viết cho ông.

Luật sư đã cùng mấy trí thức bị giam tại tòa viết hẳn một bản điều trần 6 trang đánh máy. Chân bị còng, Chính Heo nằm nghiêng cặm cụi viết vì bản điều trần phải là chữ của anh. Anh đọc đi đọc lại, thuộc từng đoạn, chuẩn bị thật chu đáo để trước bọn quan tòa Pháp anh sẽ đọc dõng dạc, không vấp váp.

Phiên tòa lại công khai, dân Sài Gòn biết anh chỉ huy nhiều trận đánh Pháp trong nội thành, họ kéo nhau đến tòa rất đông. Chính Heo đã đọc trọn vẹn bản điều trần. Xin được trích đoạn cuối cùng của bản điều trần, cũng chính là đoạn Chính Heo đọc say sưa nhất: “… Trong gông cùm của các ngài, tôi sẽ sống như nhà thi hào lừng danh Corneille đã nói: “Chết cho Tổ Quốc mình là một số phận quang vinh. Và một cái chết oai hùng như vậy bao giờ cũng là niềm khát vọng đối với ngàn vạn người”.

Cuối cùng, trước khi nghe các ngài đọc bản án, tôi còn có thể nói thêm gì nữa ngoài việc nhấn mạnh với các ngài rằng nước Pháp chẳng kiếm chác được gì hết nếu cứ tiếp tục theo đuổi một chính sách thò lò hai mặt, ngó nghiêng với tâm địa xấu xa không muốn công nhận quyền lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng tôi mà chính hôm nay là ngày sinh nhật Người.

Trong cả nước, khắp mọi nơi đang tưng bừng phấn khởi tổ chức mừng thọ Người. Giờ phút này, ngay tại đây, tôi không thể nén nổi xúc động bày tỏ tấm lòng ngưỡng mộ thành kính sâu xa đối với Người.

Trong khung cảnh thiêng liêng, ngoài trời trong xanh và rực rỡ đang tung bay ngạo nghễ lá cờ đỏ chói điểm ngôi sao vàng, tôi hô lớn: “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trẻ tuổi muôn năm!
Cuộc kháng chiến Việt Nam bất diệt!
Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta muôn năm!”

Những người dự phiên tòa không ngờ lại được sống vô cùng tự hào, phấn chấn với “một người của ta” đã đeo thẻ bài tử hình vẫn “tả xung hữu đột” giữa tầng tầng lớp giặc canh gác. Trên ngực anh mang thêm một thẻ bài tử hình nữa, lủng lẳng hai thẻ bài.

Chính Heo phơi phới niềm vui thắng trận giữa đông đảo đồng bào dự phiên tòa đưa tiễn anh ra tận xe bít bùng của cảnh sát. Cái chết tưởng đã đè nặng trên cổ nhưng vừa bước vào Khám Lớn anh đã tươi cười, hớn hở, giơ cao hai tay bị còng vẫy anh chị em tù ùa ra các chấn song sắt đón anh.

Xuống đến hầm tử hình cũng vui không kém, không thiếu tiếng cười dù đã ở đây đều là những người đã biết sẽ là liệt sĩ. Có chiến sĩ vào hầm tử hình hôm trước anh em chưa kịp rõ tên, hôm sau đã ra pháp trường. Có tử tù đã nắm chắc phần chết ngày mai mà chẳng chút bận tâm, chơi cờ vẫn cao tay. 6 tử tù Hùng, Đàn, Tốt, Cư, Trinh, Trụ đều còn rất trẻ, chưa ai hơn tuổi Chính Heo, bị bắn một buổi sáng, đã bước khỏi hầm tử hình với tiếng hát trên môi, đúng tư thế của những người ra trận.

Chính Heo vẫn tâm sự với bạn tù mãi mãi anh nhớ ơn các anh em đã đền nợ nước. Nếu đến lượt anh cũng ngẩng được cao đầu trước họng súng kẻ thù thì chính những lời căn dặn, những nụ cười, những lời ca, cả dáng đi ung dung, thanh thản của các liệt sĩ đó đã tiếp thêm sức mạnh cho anh.

Họ vẫn viết bích báo, hầm tử hình số 12 có tờ “Con ong”, hầm tử hình số 18 có tờ bích báo “Chiến thắng”. Sau Tết Âm lịch năm 1947, Chủ tịch Liên đoàn tù nhân chính trị tại Khám Lớn là kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã tập trung các số bích báo xuân của các khám gửi ra ngoài triển lãm để mọi người biết kháng chiến vẫn làm chủ Khám Lớn, kể cả khám tử hình. Đồng chí Huỳnh Tấn Phát phụ trách công tác Mặt trận Việt Minh tại Sài Gòn bị địch bắt giữa năm 1946.

Chính Heo chịu án tử hình lần thứ 2 địch vẫn chưa thi hành án, chúng đày anh ra Côn Đảo hơn nửa năm rồi mới đưa anh về Khám Lớn, anh ra pháp trường ngày 9/2/1949. Anh mới chịu một nỗi đau lớn, tuần lễ trước, cô Phẩm người yêu của anh đã chết vì bị bệnh sốt phát ban.

Địch dành cho anh 5 phút viết thư cho gia đình. Anh đã viết hai thư rất ngắn cho mẹ nuôi là má Giáo ở Phú Nhuận và thư cho mẹ ruột ở Thái Bình rồi trao hai thư cho tên quan hai Pháp chỉ huy toán lính áp giải anh ra pháp trường, nhờ hắn gửi về địa chỉ má nuôi ở Phú Nhuận.

Sáng hôm sau 10/2/1949, một chiếc xe zip dừng trước cửa nhà má Giáo. Bà lấy làm lạ bọn Pháp làn này không nghênh ngang, nạt nộ mà tỏ ra từ tốn, hỏi bà có phải là mẹ Chính không? Viên quan hai đưa tận tay bà hai lá thư của Chính: hắn tỏ lòng kính phục người mẹ Việt Nam đã có một người con vô cùng gan góc, lạc quan, yêu đời dù đã đứng trước họng súng.

“Trong khung cảnh thiêng liêng, ngoài trời trong xanh và rực rỡ đang tung bay ngạo nghễ lá cờ đỏ chói điểm ngôi sao vàng, tôi hô lớn:
“Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trẻ tuổi muôn năm!
Cuộc kháng chiến Việt Nam bất diệt!
Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta muôn năm!”
(Trích lời của Nguyễn Đình Chính trước Tòa án binh thường trực ở Sài Gòn ngày 19/5/1948).

Thái Duy