Bao giờ có lễ hội 'sạch'?

Hoàng Minh (ghi) 05/08/2017 08:00

Việt Nam có hệ thống di tích lịch sử văn hóa gắn với tổ chức lễ hội là nguồn lực để phát triển kinh tế du lịch. Nhưng trên thực tế, theo TS. Trần Thị Tuyết Mai - Viện Văn hóa (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội), môi trường văn hóa du lịch tại di tích và lễ hội đang bị xâm hại nghiêm trọng bởi nhiều yếu tố.

Những con số biết nói

Theo số liệu thống kê của Bộ VHTTDL, hiện cả nước có 3.369 di tích xếp hạng quốc gia, 9.857 di tích cấp tỉnh, 85 di tích quốc gia đặc biệt; 59.287 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê; 7.966 lễ hội, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian (chiếm 88,36%), 332 lễ hội lịch sử (chiếm 4,16%), 544 lễ hội tôn giáo (chiếm 6,28%), 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài (chiếm 0,12%), còn lại là lễ hội văn hóa, thể thao và du lịch và lễ hội khác (chiếm 0,5%). Địa phương có nhiều lễ hội nhất là thành phố Hà Nội (1.095 lễ hội), ít lễ hội nhất là Lai Châu (17 lễ hội). Như vậy lễ hội diễn ra ở hầu hết các làng xã Việt Nam, đặc biệt là loại hình lễ hội dân gian…

Mặc dù có nhiều điểm mạnh, nhưng tại các điểm di tích và lễ hội vẫn còn tồn tại một số bất cập, cản trở sự phát triển và tăng trưởng của ngành Du lịch Việt Nam. Trong đó, môi trường không gian văn hóa truyền thống của một số khu di sản bị biến dạng một phần, do các công trình xây dựng bao quanh khu di sản không phù hợp với quy hoạch truyền thống của khu di tích về vị trí, màu sắc, kiểu dáng kiến trúc... Khi các công trình xây dựng hoàn thành, được đưa vào sử dụng lại gây ảnh hưởng không tốt tới môi trường của di sản do tiếng ồn, khói bụi, nước thải…

Môi trường cảnh quan thiên nhiên của một số di sản bị lấn át do những công trình xây dựng bao quanh có quy mô quá lớn cả về chiều cao và diện tích xây dựng, làm cho di sản trở nên nhỏ bé và chật chội. Không gian của di sản bị lấn chiếm để làm nhà ở, cơ sở dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, công sở và sử dụng vào những mục đích gây bất lợi cho di sản.

Không gian của di sản bị biến dạng, ô nhiễm do việc phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ, phát triển sản xuất một cách ồ ạt không tuân thủ các quy định của Nhà nước. Môi trường của di sản bị ô nhiễm do sự phát triển du lịch, sự tập trung quá đông người trong mùa lễ hội, mà chưa có những biện pháp quản lý bảo vệ cần thiết, chưa xây dựng được một kế hoạch hoạt động du lịch bền vững tại các khu di sản, di tích và lễ hội.

Thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa giao tiếp ứng xử của người phục vụ và người tham gia lễ hội còn yếu, ý thức trách nhiệm vệ sinh môi trường của du khách rất hạn chế: còn xả rác tùy tiện, đốt đồ mã bất chấp quy định của Ban tổ chức lễ hội. Bên cạnh đó, các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng khá sôi động và phức tạp; nạn mê tín dị đoan, lợi dụng tín ngưỡng, tâm linh ngoại cảm để trục lợi, các hủ tục cũ trỗi dậy, tệ nạn có chiều hướng gia tăng...

Những hạn chế trên đây xuất phát từ nhiều nguyên nhân như coi nặng giá trị về lợi ích kinh tế dẫn đến nhận thức sai lệch về mục đích tổ chức lễ hội, coi di tích và lễ hội là nguồn lợi riêng của địa phương nên tập trung khai thác giá trị kinh tế, thương mại hóa các loại hình hoạt động dịch vụ, chưa chú trọng tới việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống; nhận thức của các cấp lãnh đạo, các cơ quan quản lý văn hóa và của xã hội về tính chất, đặc điểm, vai trò, vị trí của di tích và lễ hội chưa toàn diện, chưa đầy đủ và thấu đáo…

Cần sự tham gia của cả cộng đồng

Thực tế cho thấy để tháo gỡ được những tồn đọng mang tính cố hữu trước mắt cần đẩy mạnh công tác truyền thông, định hướng, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, cộng đồng về trách nhiệm bảo vệ và cải thiện môi trường du lịch. Chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục, phát động sự tham gia của cộng đồng dân cư trong việc đấu tranh, phòng ngừa các hành vi tiêu cực ảnh hưởng đến môi trường du lịch.

Các địa phương trọng điểm du lịch tăng cường việc tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, vận động nhân dân tự giác và tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, xây dựng môi trường du lịch nhân văn bền vững tại các khu, điểm du lịch nói chung, đặc biệt là trong không gian di tích và lễ hội, thực hiện phép ứng xử văn hóa trong mọi hoạt động du lịch. Tuyên truyền vận động nhân dân tham gia phong trào chung tay cải thiện môi trường tại các điểm du lịch di tích và lễ hội.

Cần quy hoạch sắp xếp và xây dựng các cơ sở dịch vụ, trong đó bao gồm: dịch vụ nhà nghỉ, dịch vụ y tế, dịch vụ ăn uống, dịch vụ văn hóa vui chơi giải trí và các dịch vụ khác. Chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, có biện pháp quản lý chặt chẽ các loại dịch vụ, phí dịch vụ phục vụ du khách. Nâng cao ý thức văn hóa phục vụ trong kinh doanh, tránh tư tưởng nặng về lợi ích kinh tế, thương mại, làm mất đi giá trị văn hóa và nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam thân thiện và hiếu khách.

Chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn quản lý hoạt động du lịch các cấp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự nhằm bảo vệ an toàn cho khách du lịch; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại các khu, điểm du lịch di tích và lễ hội; tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kiên quyết các đối tượng đeo bám, gây phiền hà, gây mất an toàn cho khách du lịch.

Phát động và duy trì phong trào ứng xử văn minh, thân thiện với khách du lịch, tổ chức các lớp tập huấn “nụ cười thân thiện”, “Mỗi người dân là một hướng dẫn viên, niềm nở thân thiện với khách du lịch”, mỗi người dân đều biết phép ứng xử văn hóa, văn minh, tận tình hỗ trợ khách du lịch.

Tổ chức bồi dưỡng kiến thức giao tiếp văn hóa, ứng xử văn minh với khách du lịch cho cán bộ, hướng dẫn viên du lịch và người dân sở tại tại cộng đồng. Ban quản lý các khu, điểm du lịch có đông khách du lịch phải bố trí nhân viên hướng dẫn có trách nhiệm trực 24/24 giờ, bố trí đủ nhân lực bảo đảm vệ sinh môi trường, an ninh an toàn; có thái độ phục vụ thân thiện; tổ chức thông tin hướng dẫn, hỗ trợ khách du lịch bảo đảm thuận tiện, tăng cường thực hiện nếp sống văn minh, lịch sự, tôn trọng pháp luật…

Hoàng Minh (ghi)