Cải thiện môi trường đầu tư

Nguyên Khánh 02/11/2017 08:05

Báo cáo môi trường kinh doanh được Ngân hàng Thế giới công bố trong ngày cuối tháng 10 đã ghi nhận nhiều điểm sáng tích cực của Việt Nam. Theo đó, môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt số điểm 67,93 trên thang 100, xếp thứ 68 trên tổng số 190 nền kinh tế, tăng 14 bậc so với năm ngoái.

Trong 15 năm, Việt Nam và Indonesia là hai nước thực hiện nhiều cải cách nhất với 39 cải cách.

Môi trưởng đầu tư được cải thiện thu hút nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào Việt Nam.

Thành quả này không chỉ được khẳng định bằng những kết quả khá ấn tượng về động lực và tốc độ tăng trưởng kinh tế; về số lượng dự án FDI và số doanh nghiệp đăng ký mới, quay lại hoạt động, cùng với số vốn thực hiện và bổ sung… mà còn được ghi nhận qua việc Việt Nam liên tục có sự cải thiện xếp hạng các chỉ số về BCI- chỉ số niềm tin kinh doanh (Eurocham); chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam (của ANZ Việt Nam); chỉ số tín nhiệm quốc gia và xếp hạng cạnh tranh quốc gia; chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam và hệ số tín nhiệm của nhiều ngân hàng thương mại của Việt Nam.

Đặc biệt, Báo cáo thường niên của Ngân hàng Thế giới công bố cho thấy Việt Nam đã có sự cải thiện khá liên tục. Theo đó, năm 2012, Việt Nam đứng thứ 99/183 nước.

Đến năm 2014, tăng lên thứ 93/189 nước; năm 2015 tăng lên thứ 90/190 và trong Báo cáo 2017 mà WB vừa công bố, Việt Nam xếp hạng 68/190 nền kinh tế được đánh giá.

Việt Nam cũng có thứ hạng cao trên bản đồ công nghệ thông tin thế giới: Xếp vị trí số 1 toàn cầu trong ngành dịch vụ phần mềm thuê ngoài; đứng đầu về chỉ số kinh tế ứng dụng di động trong ASEAN. Về chỉ số “Chính phủ điện tử”, năm 2016 Việt Nam được Liên hợp quốc xếp thứ 89/193 quốc gia, tăng 10 bậc so với năm 2015

Không chỉ Ngân hàng Thế giới đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam có tiến bộ vượt bậc. Trước đó, trong bảng xếp hạng cạnh tranh của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam xếp thứ 56/140 nước giai đoạn 2015-2016, tăng 12 bậc, so với vị trí 68 trong giai đoạn 2014-2015.

Và hiện Việt Nam nhảy lên hạng 55 (trên tổng số 137 nền kinh tế), tăng 5 bậc so với năm ngoái và 20 bậc so với cách đây 5 năm.

Theo nhận xét của WEF, Việt Nam được đánh giá có những cải thiện đáng chú ý trong mức độ sẵn sàng về công nghệ, tính hiệu quả của thị trường lao động. WEF đánh giá xu hướng chung là Việt Nam vẫn đang ngày càng cải thiện năng lực cạnh tranh, nhất là về kinh tế vĩ mô, giáo dục cơ bản, y tế, cơ sở hạ tầng, thể chế, trình độ công nghệ, giáo dục và đào tạo bậc cao...

Vì sao chúng ta lại thu được những kết quả ấn tượng như vậy? Điều này có được chính là từ những nỗ lực của Chính phủ trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết, hai năm trước, mỗi tháng 1 lần, doanh nghiệp phải trực tiếp đến chi cục thuế để thực hiện kê khai thuế.

Hết năm, đến kỳ quyết toán thuế, các cán bộ kế toán xếp hàng dài, với chồng hồ sơ dày cộp, chen chúc làm thủ tục. Bởi nếu chậm 1 ngày, doanh nghiệp sẽ bị phạt vì “tội” chậm nộp thuế.

Bây giờ, ngày cuối cũng như đầu tháng và kể cả là ngày 31/3 - ngày cuối cùng quyết toán thuế, phòng một cửa của Cục Thuế các tỉnh đều trống vắng, chỉ có lác đác vài người đến hỏi thủ tục.

Số người đi làm thủ tục thuế ít hơn nhiều so với số cán bộ thuế làm việc tại đây là bởi nhiều thủ tục được rút ngắn khi áp dụng chính phủ điện tử, chỉ cần một cú kích chuột cán bộ sẽ không có cửa “hành” doanh nghiệp.

Đối với cắt giảm thủ tục hành chính cũng vậy, các thủ tục hành chính, chất lượng dịch vụ công cũng được quan tâm cải thiện theo hướng rút ngắn thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp và thông quan; gia tăng tính chất tự do hóa kinh doanh và sự bình đẳng kinh doanh thị trường, nhất là được khẳng định ở việc cắt giảm từ 49 lĩnh vực, còn 6 lĩnh vực hạn chế kinh doanh và thống nhất 1 Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt thành phần kinh tế.

Có thể nói, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam theo cam kết hội nhập được thúc đẩy bởi sự thay đổi tư duy từ hội nhập kinh tế sang hội nhập quốc tế toàn diện, chủ động đổi mới mô hình tăng trường từ phát triển theo bề rộng sang phát triển theo bề sâu, dựa trên năng suất, công nghệ và bảo vệ môi trường đã và đang được thực hiện.

Tuy nhiên, nói như TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương thì “Môi trường kinh doanh của Việt Nam so với trước thì có cải thiện nhưng so với yêu cầu cải cách đất nước, đưa nền kinh tế về quỹ đạo tăng trưởng bền vững thì vẫn còn khoảng cách”. Khoảng cách này các doanh nghiệp thấm thía nhất.

Tình trạng trên nóng dưới lạnh, nghị quyết rất đúng, rất trúng nhưng thực thi quá kém bởi đủ lý do thì ai cũng nhận thấy cả, nhưng xử lý vấn đề này không đơn giản bởi nó mắc mớ quá nhiều nhóm lợi ích ở trong đó.

Nhìn thấu vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần gặp gỡ doanh nghiệp, đối thoại để tháo bỏ rào cản, tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu địa phương hàng tháng, hàng quý phải đối thoại với doanh nghiệp nhằm mở ra nhiều kênh thu thập thông tin kịp thời gỡ khó, tạo môi trường thông thoáng thực sự chứ không để tình trạng trên nóng dưới lạnh, trên bảo dưới không nghe, nhưng không phải cấp chính quyền nào cũng chuyển động.

Cải cách sẽ rất dễ và cũng có thể sẽ là rất khó. Sẽ rất dễ nếu được người đứng đầu các bộ ngành, địa phương đồng lòng thực hiện, tạo động lực từ bên trong và sức ép từ bên ngoài.

Nếu chỉ dừng lại ở cam kết mạnh mẽ thì chưa đủ, mà phải hành động theo đến cùng, truy đến cùng trách nhiệm để tạo áp lực với cấp trung gian trong thay đổi cách thức quản lý, để đồng hành, chia sẻ và nỗ lực cải cách.

Có lẽ vì vậy mà ông Nguyễn Đình Cung đề nghị tiếp tục tạo sức ép để các trưởng ngành thay đổi, bỏ qua lợi ích riêng có của ngành mình đồng lòng vì sự phát triển của quốc gia.

Mỗi người đều phải nhận thấy trách nhiệm của mình để không quay lưng với công cuộc cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mà Chính phủ đã đang và sẽ tiếp tục làm.

Nguyên Khánh