Đơn thân độc mã chống hàng giả

Thanh Giang 22/11/2017 08:10

Ngày 21/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội thảo tăng cường công tác chống hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp (DN) được tổ chức. Tại đây, nhiều DN đưa ra ý kiến: Thay vì trông chờ cơ quan chức năng dẹp loạn hàng giả, họ sẽ chủ động tuyên chiến và kêu gọi sự chung sức của người tiêu dùng.

Kiểm tra sản phẩm hàng hóa trên thị trường. Ảnh: S. Xanh.

Doanh nghiệp chủ động

Ông Trương Văn Ba - phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia khẳng định, hàng giả đang phát triển nhanh với xu hướng ngày càng tinh vi. Trước đây hàng giả chỉ xuất hiện ở những sản phẩm đơn giản, nhưng nay hàng giả công nghệ cao vô tư chào hàng trên thị trường. Theo Ban chỉ đạo 389 quốc gia, 10 tháng năm 2017 phát hiện 181.431 vụ hàng giả. Riêng tại TP HCM cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 3.863 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, tập trung nhất ở các khu vực như chợ Bến Thành, Saigon Square, các trung tâm thương mại, chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa…

Ông Trần Giang Khuê - phó trưởng đại diện, phụ trách văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP HCM thừa nhận, có thể mua đôi giày Adidas giá 200.000 đồng tại chợ Bến Thành hoặc chiếc điện thoại Vertu giá 760.000 đồng, thay vì giá hàng chính hiệu ở mức hơn 800 triệu đồng.

“Lực lượng phòng, chống hàng giả khá nhiều, thế những công tác chống hàng giả vẫn loay hoay chưa thể giải quyết dứt điểm”, ông Trần Giang Khuê nói. Lý giải cho nhận định trên, vị này liệt kê cụ thể, bao gồm lực lượng quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành, hải quan, công an kinh tế, UBND các cấp.

Trong khi cơ quan chức năng chưa thể giải quyết triệt để nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, DN sốt ruột như ngồi trên đống lửa, vì vậy buộc lên kế hoạch tuyên chiến với hàng giả để bảo vệ uy tín và thương hiệu sản phẩm. Tuy nhiên, qua một thời gian dài truy tìm, ngăn chặn hàng giả, DN nhận thấy họ đã và đang đơn thân, độc mã trên mặt trận này. DN có kết hợp với lực lượng chức năng chống hàng giả song kết quả không như mong đợi do có nhiều vướng mắc trong quy định pháp luật chưa phù hợp với thực tế. Đây chính là những kẽ hở để các đối tượng làm hàng giả lách luật.

Ông Nguyễn Ngọc Tý - giám đốc điều hành Công ty thời trang nón Sơn phân trần, hàng giả thương hiệu nón Sơn mỗi năm một tăng. DN tốn rất nhiều công sức, tiền bạc để truy tìm hàng giả ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, An Giang… Sau nhiều lần truy bắt nón bảo hiểm giả thương hiệu nón Sơn ở các tỉnh mới biết được “lò” sản xuất nón Sơn giả chính là TP HCM. Ông Nguyễn Ngọc Tý cho hay, thay vì lăn lộn đến các tỉnh xa bắt nón Sơn giả, DN chủ động cùng lực lượng chức năng xử lý những địa điểm sản xuất nón giả tại TP HCM.

Xử lý nửa vời

Đau đầu về cách xử lý hàng giả của cơ quan chức năng, bà Nguyễn Thị Xuân Lan - tổng thư ký Hiệp hội chống hàng giả và Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các DN nước ngoại tại Việt Nam nhận định, lực lượng chức năng chống hàng giả còn nửa vời. Bà Lan dẫn chứng, khi phát hiện hàng giả DN thực hiện trinh sát lấy đầy đủ thông tin nhưng cơ quan chức năng lại phản hồi không có. Hoạt động xử lý cũng tương tự.

Vị này bức xúc dẫn chứng, có trường hợp lực lượng quản lý đến kho hàng chứa hàng giả phát hiện 8 chai thành phẩm của Unilever. Đại diện kho hàng cho rằng, họ chỉ sang chiết và pha nước vào sản phẩm chứ không làm giả. Lực lượng chức năng cũng trả lời DN, họ chỉ sang chiết, pha nước sản phẩm thôi chứ không có vấn đề gì. Ngoài ra còn trách lại tại sao đơn vị lại sản xuất ra những sản phẩm dễ mở nắp. Điều này tạo điều kiện cho hàng giả, hàng kém chất lượng có điều kiện phát triển.

Bà Phạm Thị Anh Đào - giám đốc Công ty TNHH sản xuất mỹ phẩm Anh Đào cho rằng, thực tế hiện vẫn còn cán bộ nhũng nhiễu gây khó khăn cho DN. Bà Đào thông tin, 15 sản phẩm Anh Đào đã đăng ký công bố chất lượng sản phẩm và thực hiện ghi nhãn hàng hóa đúng quy định pháp luật. Vậy mà lực lượng chức năng kiểm tra lại bắt bẻ, trên nhãn phải ghi: “Để xa tầm tay trẻ em”, đồng thời thu giữ sản phẩm, trong khi quy định này chỉ bắt buộc đối với dược phẩm. Khi DN yêu cầu chỉ rõ điều, khoản quy định chứng minh vi phạm thì cán bộ kiểm tra thoái thác.

“Không trông chờ cơ quan chức năng vào cuộc, chúng tôi chủ động chống hàng giả và kêu gọi sự chung sức của người tiêu dùng cùng tẩy chay, chống hàng giả bằng giải 100 triệu đồng thưởng cho người phát hiện ra điểm bán sản phẩm giả của công ty. Thưởng 400 triệu đồng cho ai chỉ điểm sản xuất hàng giả. Nỗ lực nhiều lắm song cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái vẫn còn khó khăn” - bà Đào nhấn mạnh.

Thanh Giang