Kinh tế năm 2017: Nhiều kỷ lục được xác lập

Nguyên Khánh 29/12/2017 23:26

Phát biểu bế mạc phiên họp Chính phủ với các địa phương sáng 29/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, nhờ nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, kinh tế Việt Nam năm 2017 đã lập nhiều kỷ lục. Đây là năm chứng kiến mức đầu tư lớn chưa từng có của các doanh nghiệp vào khu vực nông nghiệp, tổng vốn đầu tư FDI, kim ngạch xuất khẩu, thành lập doanh nghiệp..., đều lập được những kỷ lục rất đáng mừng.

Kinh tế năm 2017: Nhiều kỷ lục được xác lập

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.

Quyết liệt trong điều hành

Tiếp tục phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương, các thành viên Chính phủ đã mổ xẻ nguyên nhân đạt được mục tiêu tăng trưởng cũng như đưa ra các giải pháp để hoàn thành các nhiệm vụ của năm 2018.

Phân tích những nguyên nhân đạt được thành tích cao trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, “chưa bao giờ khu vực nông nghiệp nhận được sự chỉ đạo sâu sát từ các lãnh đạo cấp cao đến như vậy. Trong tất cả các chuyến công du đi bất cứ nơi đâu lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đề cập đến vấn đề tiêu thụ nông sản, đều xúc tiến đầu tư cho nông nghiệp. Điều này đã tạo ra làn sóng lan tỏa, là dư địa để chúng ta có thể hội nhập. Theo đó, năm 2017 đã có 1.961 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, hàng loạt các ngành như, dệt may, da giầy, chế biến gỗ đều nhận được quan tâm Chính phủ. Việc giải quyết các tranh chấp thương mại, các vụ kiện, các biện pháp, công cụ pháp lý để bảo vệ doanh nghiệp đã được làm tốt hơn. Điều này đã tạo ra niềm tin, tạo sự hứng khởi cho cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, để phát triển.

Về nhiệm vụ năm 2018 Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị, cần tổ chức khâu cải cách thể chế, cải cách hành chính, hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở cả Trung ương và địa phương chứ không dừng ở bộ ngành; xây dựng môi trường công bằng cho kinh doanh. Tiếp tục tái cơ cấu các ngành quan trọng, lấy tiêu chí năng lực cạnh tranh, hiệu quả đầu tư là tiêu chí cơ bản.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng đề xuất, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cần thực hiện quyết liệt việc cơ cấu lại ngân sách nhà nước, nợ công, đảm bảo an toàn, an ninh tài chính quốc gia theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội.

Về cân đối thu chi, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, ngành Tài chính sẽ tiếp tục cơ cấu lại chi theo hướng tăng tỷ trọng chi cho đầu tư, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng cường vận dụng các nguyên tắc thị trường trong quản lý chi tiêu như là khoán chi phí, khoán xe công, từng bước tính đúng, tính đủ chi phí vào giá dịch vụ sự nghiệp công, trên cơ sở đó cơ cấu lại ngân sách nhà nước trong từng ngành, từng lĩnh vực.

Về tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế và lựa chọn mô hình tăng trưởng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện các đề án tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực, sản phẩm của mình trên cơ sở đánh giá nhu cầu của thị trường (nội địa, khu vực và thế giới) và tiềm năng lợi thế của mỗi vùng, ngành, lĩnh vực và địa phương gắn với ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường nhằm tạo ra những sản phẩm có khối lượng lớn, có chất lượng tốt.

Kinh tế năm 2017: Nhiều kỷ lục được xác lập - 1

Thu nhập bình quân đầu người thấp là nỗi buồn của lãnh đạo

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, năm qua Việt Nam đã hoàn thành toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Đây không chỉ là kết quả mà còn là kinh nghiệm tốt cho 2018. Theo Thủ tướng, việc xác lập những kỷ lục mới về kinh tế trong năm qua đã tạo niềm tin cho thị trường, xã hội và vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế.

Cụ thể như, năm 2017 chứng kiến mức đầu tư “lớn chưa từng có” của các doanh nghiệp vào khu vực nông nghiệp. “Nông thôn mà không có doanh nghiệp đầu tư vào, không có hợp tác xã, kinh tế hộ gia đình thì không thể phát triển”, Thủ tướng nói. Thủ tướng cũng đề cập đến các kỷ lục khác như, tổng vốn đầu tư FDI, kim ngạch xuất khẩu, thành lập doanh nghiệp..., đều “rất đáng mừng”. “Chính chúng ta cũng không thể nghĩ nền kinh tế có kim ngạch xuất nhập khẩu trên 425 tỷ USD và Việt Nam xuất siêu; riêng xuất khẩu nông sản đạt 36-37 tỷ USD. Ngoài ra, khách du lịch tăng, tái cơ cấu nợ công cũng đạt kỷ lục”, người đứng đầu Chính phủ nêu.

Theo Thủ tướng, để có sự thành công trong năm qua là nhờ cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và người dân. “Ở địa phương, có những cán bộ cứ thứ 7, chủ nhật là xuống cơ sở để lắng nghe những trăn trở của người dân và doanh nghiệp để tìm ra giải pháp, chứ không phải sáng cắp ô đi tối cắp ô về là có được thành công”, Thủ tướng nói.

Lưu ý về phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “đừng ngủ quên trên vòng nguyệt quế”, Thủ tướng nêu rõ yêu cầu tiếp tục cải cách, đổi mới trong bộ máy, nhất là bộ phận tham mưu. “Lãnh đạo chuyển liên tục, nhưng tổng cục vẫn không thay đổi, tham mưu vẫn kiểu cũ thì rất khó. Thang điểm hội nhập quốc tế phụ thuộc nhiều yếu tố, mà những người trực tiếp làm rất quan trọng. Cấp vụ trưởng, tổng cục trưởng, giám đốc các sở, chủ tịch huyện không chịu đổi mới, hội nhập, không thay đổi tư duy thì rất khó khăn cho đất nước”, Thủ tướng nói.

Trước việc quy mô nền kinh tế hiện ở mức hơn 5 triệu tỷ đồng, GDP bình quân đầu người đạt 53,3 triệu đồng, tương đương 2.385 USD, tăng 170 USD so với năm 2016, lãnh đạo Chính phủ cho rằng vẫn là mức thấp, cần nỗ lực cho mục tiêu cao hơn. Theo Thủ tướng “đất nước thu nhập bình quân đầu người đạt 2.385 USD thì có gì là phấn khởi, là nỗi buồn của những người lãnh đạo khi thu nhập người dân thấp như vậy”.

Cụ thể hoá nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng cho rằng cần tập trung thúc đẩy việc tăng năng suất lao động, cải thiện rõ rệt hơn các chỉ số đánh giá chất lượng sống của người dân, ví dụ chỉ số về môi trường, xã hội bình yên hơn, an ninh an toàn hơn, mọi người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế có cuộc sống tốt hơn cả về vật chất và tinh thần. Đó chính là ý nghĩa của việc phát triển bền vững.

Về cải cách thể chế để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Thủ tướng cho rằng, cải cách phải tạo ra chuyển động ở từng ngành, từng địa phương với tinh thần cơ quan quản lý nhà nước dám “từ bỏ quyền lực” để cắt giảm thủ tục hành chính, tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi.

Nguyên Khánh