Thơ Huy Trụ: Góp nhặt mà yêu

Trần Đàm 31/03/2019 09:00

Con đường thơ của Huy Trụ bắt nguồn từ khi vào lính. Vào chiến trường đánh giặc, làm nghĩa vụ người trai đối với Tổ quốc và lửa khói cũng in đậm vào ký ức anh. Gần 40 năm Huy Trụ đã lần lượt cho ra đời 10 tập thơ, trong đó có: “Đò ơi” (1972), “Chùm quả đầu mùa” (1982), “Nếu em không đến” (1990), “Lời của gió” (1993), “Miền riêng tôi” (1998), “Gom nhặt mà yêu” (2003), “Thơ lục bát Huy Trụ” (2007), “Thơ Huy Trụ chọn lọc” (2010)…

Anh như người thợ mỏ đi tìm những vỉa quặng quý giá làm vốn đầu đời, rồi vật vã tinh luyện cho ra những thỏi vàng thỏi ngọc, để những đứa con tinh thần ấy óng mượt, tinh khôi và khẳng định chỗ đứng vững chãi trên thi đàn Việt Nam.

Thơ Huy Trụ: Góp nhặt mà yêu

Nhà thơ Huy Trụ nổi tiếng một thời về bài thơ “Sông Mã” - con sông “mẹ” của xứ Thanh “Để một tiếng huầy dô xô con đò dọc/ Người trên bờ áo cũng đẫm mồ hôi/ Chả bao giờ sông bình lặng em ơi/ Cả những lúc lòng sông phơi trắng cát/ Không sóng chờm bờ thì sóng ngầm xoáy đất/ Đừng thấy trăng lên lơ đễnh gác con sào”…

Và con sông hay lòng người hai triền sông cũng dữ dội, cũng sóng ngầm xoáy đất để rồi như định mệnh phải chấp nhận cùng nhau: “Đã sống đất này, dám chấp nhận cùng nhau/ Một câu nói nửa rừng, nửa biển/ Đi hết lòng nhau để cùng đến bến/ Khúc sông sâu, bồi lở thường tình… Riêng một điều em nhận ở đất Thanh/ Cái giàu có ẩn trong từng con sóng/ Nên dòng sông trước khi ra biển rộng/ Hắt lên tay người, bão lũ với phù sa”…

Nhà thơ Huy Trụ định nghĩa: “Thơ là rượu của thế gian/ Phải đâu nước lọc rót tràn mời nhau/ Cho đời nhớ được một câu/ Bạc đầu người viết chắc đâu đã thành”. Đó là cảm quan riêng rất giản dị và minh triết đã giúp Huy Trụ có một lối đi riêng, mạch thơ riêng không lẫn vào ai.

Huy Trụ cảm nhận về mẹ, mẹ mình và mẹ người. Anh thương mẹ nghèo lại mất vào tháng ba. Tháng ba ngày tám xưa kia là tháng ngày đói kém, không có gì để cúng giỗ mẹ. Cho nên: “Giữa ngày tiền hết gạo đong/ Con lên núi, cháu ra đồng bắt cua/ Góp lo cái giỗ gọi là/ Bát cơm canh với quả cà mặn trơ.- Và anh ước mơ: - Chúng con thầm ước như nhau/ Giá mà mẹ mất đừng vào tháng ba”. Đọc những dòng thơ này, ai cũng rưng rưng vì cái bi ai của đời người khi đó. Cái riêng của Huy Trụ đã đánh thức cái chung của công chúng, làm cho công chúng thấy Huy Trụ và họ là một. Tình yêu của Huy Trụ dành cho mẹ trong rất nhiều bài thơ như: Mẹ ơi, Với mẹ, Mẹ như giọt nắng, Dáng mẹ chiều nay, Mẹ ru con mẹ, Mẹ là cây lúa, Trường ca sông Mã, v.v… Nhưng ám ảnh tôi là những câu thơ:

“Chưa từng chiếu rộng giường đôi,
Niềm vui mẹ cứ giăng phơi khắp nhà.”
Hay: “Con thèm một tiếng gọi “Cha”,
Thì con đừng trách mẹ là… con ơi”

Bài thơ “Mẹ ru con mẹ” của Huy Trụ thương cảm thân phận người mẹ đơn thân, muốn người đời nhìn nhận họ với con mắt nhân văn. Ngôn ngữ thơ Huy Trụ biểu đạt cao đẹp hơn hiện thực, gợi và tình hơn hiện thực nên bài thơ sống và ám ảnh. Anh khai thác một khía cạnh khác của người mẹ cũng làm ta nhức nhối, cảm thương, đó là những người mẹ không may mắn, đã bán cốt lột xương nuôi con ăn học thành tài, nhưng đứa con khi có chức sắc, có nhiều tiền của lại để người mẹ của mình sống heo hút, gieo neo. Cái cực khổ trăm bề của người mẹ nuôi con không đau đớn bằng nỗi đau tinh thần khi nhìn thấy đứa con bất hiếu:

“Với thực tại mẹ trầm luân bể khổ
Sao có kẻ đã từng làm mẹ,
Lại phũ phàng xua đuổi mẹ đi…

Các nhà thơ không ai lại không có một vài bài thơ viết về mẹ. Huy Trụ không ca ngợi người mẹ chung chung mà anh vắt ruột gan đi tìm những người mẹ cụ thể, những mảnh đời người mẹ bất hạnh để chia sẻ, để đánh thức đạo đức sống của người đời. Đó cũng là cảm quan riêng làm nên thơ Huy Trụ. Đọc Huy Trụ viết về mẹ, tôi nhặt ra rất nhiều câu thơ ám ảnh vì lạ, vì riêng mà lại rất chung:

“Mẹ như giọt nắng cuối trời,
Để con ngửa mặt suốt đời trông theo”
Và thật ám ảnh:
“Góc vườn vàng lá trầu rơi,
Nghe lăn lóc tiếng bình vôi gọi người.
Người ơi cơ cực một đời,
Như cây lúa nước ngập ngoi giữa đồng.
Kết mưa kết nắng làm bông,
Tìm đi khắp nẻo nuôi chồng nuôi con”

Một sự ví von, so sánh kỳ diệu ít thấy. Ngôn ngữ biểu đạt rất gần gũi với nhà quê nên người quê đọc là ngấm, là hiểu, là say.

Nói đến thơ Huy Trụ, tôi nghĩ ngay đến đề tài “Mùa xuân” và “Em” của ông. Số lượng về đề tài này nhiều và ruột gan hơn cả. Đương nhiên nhà thơ nào cũng có, nhưng Huy Trụ thì táo bạo hẳn: Anh nấp vườn em rung trái cấm/ Đào mai tròn mắt đợi giao thừa/ Nâng chén đất trời nghiêng ngả múa/ Mắt đằm trong mắt mặc thoi đưa”. Hay “Không có em, biển đẹp để làm gì?/ Biển sẽ chết vì cô đơn lặng lẽ/ Nhưng có em biển đẹp rồi cũng thế/ Trước nõn nà con sóng vỗ ngu ngơ”…

Người ta nói đọc thơ Huy Trụ mới biết anh là người si tình, luôn dõi theo những bóng hình đẹp: “Ào xuống nước thả vai trần em tắm/ Thịt da nào sánh với thịt da em”. Khi thì viết: “Tóc em thả xuống con đường/ Để anh toàn nhặt nỗi buồn vu vơ/ Em về như bóng mây trôi/ Quờ tay chiếc lá đã rơi về chiều”, “Chỉ có em một lần rực rỡ/ Để một đời hương sắc thấm vào anh” Rồi lại “Tơ trời ai mắc ở đâu/ Để tôi một bước vương vào một dây/ Tránh sợi đắng gặp sợi cay/ Bao nhiêu sợi đứt lại đầy sợi dăng”. Hoặc mơ ước “Em đẹp quá để ta thành ngơ ngẩn/ Cúc mùa thu vàng tím cả sang đông”. Huy Trụ tìm bắt ảo ảnh đến mê muội: “Em suốt đời bắt giọt nắng trên tay/ Ngỡ bắt được mà không bắt được/ Giọt nắng phía sau em lại tìm phía trước/ Em quay đầu giọt nắng đã tàn phai”.

Tình yêu chân thành là sự đau đớn, vật vã vô cùng, nó là sự mềm yếu, cao thượng của con người. Không có vẻ đẹp nào bằng vẻ đẹp của tâm hồn người đang yêu. Huy Trụ luôn đặt mình là đối tượng để thể hiện, là nhân vật trung tâm, nhân vật trữ tình để biểu đạt: “Một lần em, một lần anh/ Cái vu vơ nhất cũng thành câu thơ/ Nửa đời đi ngẩn vào ngơ/ Anh như hoa dại vật vờ tay em/ Nhớ nhau chẳng thể đi tìm/ Chỉ mơ mộng đến hão huyền về nhau/ Cây không sắc, nắng không màu/ Thôi thì thách tự lá trầu ngày xưa”.

Và rồi Huy Trụ có đội xe cứu hỏa hiện đại đến mấy cũng không dập tắt được ngọn lửa tình yêu đã bùng cháy trong anh: “Anh về đổ nắng ra phơi/ Đổ mưa ra đếm, đổ trời ra đong/ Đổ bao vương vấn trong lòng/ Vẫn không lấp được khoảng không một người/ Giá là một áng mây trôi/ Thì tan trong gió mà bơi một mình/ Giá là một giọt nước xanh/ Thì tan trong nắng để thành hạt mưa/ Còn anh trời bắt khổ chưa/ Tan không thành được lá bùa cho em”.

Huy Trụ đã có tập thơ lục bát riêng và đã có tiếng vang lớn. Nếu anh chọn lọc và cho ra tập thơ tình riêng, thì chắc chắn sẽ bán chạy và đắt như tôm tươi, vì thơ ấy đã đi vào lòng người...

Huy Trụ đánh giặc, viết báo, làm thơ với trái tim người lính. Cây bút luôn trung thực với cuộc sống, thủy chung vợ chồng, tình yêu bạn bè đồng đội, ngay thẳng trong xử thế đường đời. Người thơ ấy, người lính ấy luôn nở nụ cười trên môi và mỗi dòng thơ anh đều thể hiện bản lĩnh sống của mình. Anh luôn luôn khẳng định thơ ca không phải là cơm áo, nhưng cơm áo không đùa với túi thơ. Tâm hồn người ta sẽ trống rỗng nếu thiếu thi ca, chất lượng sống của con người sẽ nhạt nhẽo nếu cuộc sống thiếu những vần thơ. Thơ ca như một dòng sông chở nặng phù sa bồi đắp cho cuộc sống tốt tươi. Đó cũng là mạch nguồn chảy dài suốt chặng đường thi ca mà Huy Trụ tôn thờ:

Giữa dòng trong đục ngổn ngang/ Bao nhiêu phẩm giá bày sàng bán mua/ Trong tôi còn một ngôi chùa/ Linh thiêng từ thuở đến giờ vẫn thiêng/ Ngôi chùa những bút cùng nghiên/ Mỗi câu chữ vắt kiệt lên cuộc đời/ Cái danh đâu để mà chơi/ Càng không thể để tiếng cười điêu toa/ Chả chi cũng gọi là nhà/ Cái hương phải thật cái hoa phải nồng/ Muôn đời con cháu ước mong/ Nén hương thắp tự trong lòng thắp ra”

Nhà thơ Huy Trụ viết nhiều, viết hay, tìm tòi cách biểu đạt phong phú, tinh luyện trong thể thơ lục bát. Nhưng chính trong thể thơ lục bát ấy dễ dẫn tác giả đến sự mòn cũ, phảng phất lặp lại mình, nhất là đề tài “yêu”. Người đời mong đợi cây bút Huy Trụ sắc hơn, mới hơn, tung tẩy hơn để cho “cái hương phải thật, cái hoa phải nồng”.

Trần Đàm