Nóng việc xử lý dự án vi phạm

H.Vũ 10/07/2019 07:30

Ngày 9/7, HĐND TP Hà Nội bước vào phiên chất vấn các thành viên UBND TP 3 nhóm vấn đề: Tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn TP; thực hiện Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường cũng như công tác đảm bảo phòng cháy chữa cháy.

Nóng việc xử lý dự án vi phạm

Mật độ xây dựng dày đặc khiến khu vực trung tâm Hà Nội ngày càng chật chội. Trong ảnh là một góc phía tây nam Hà Nội (nơi giáp ranh các quận Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân) với rất nhiều cao ốc, chung cư (Ảnh minh họa).

Nhiều chủ đầu tư chây ì

ĐB Vũ Ngọc Anh (tổ đại biểu quận Nam Từ Liêm) cho rằng, UBND TP đã ban hành kế hoạch số 173 chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các sở ngành, quận huyện liên quan khẩn trương rà soát, dừng triển khai và chấm dứt hoạt động 47 dự án vi phạm. “Đến nay đã dừng được 40/47 dự án, còn 7 dự án chưa thực hiện thu hồi đất và thu hồi dự án, trong đó có 1 dự án được điều chỉnh kế hoạch để tiếp tục triển khai, còn 6 dự án chưa thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của Thường trực HĐND TP và Chủ tịch UBND TP. Vậy đến bao giờ thì xong việc dừng thực hiện đối với các dự án còn lại này?”-ông Anh nêu vấn đề.

Theo ĐB Trần Vân Hoa (tổ đại biểu quận Tây Hồ), qua giám sát cho thấy có 38/78 dự án vi phạm có quyết định thu hồi đất với diện tích 990,4 ha, do đó cần làm rõ bao giờ mới thu hồi đối với các dự án này? Còn ĐB Lê Vĩnh Sơn (tổ đại biểu huyện Đông Anh) cho rằng vẫn còn 36 dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính bổ sung. Do đó Sở Tài nguyên và Môi trường cần làm rõ trách nhiệm, và các biện pháp để xử lý tồn tại này?

Trả lời, ông Nguyễn Mạnh Quyền - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Sở được giao nhiệm vụ rà soát lại 47 dự án mà Chủ tịch UBND TP có chỉ đạo giải trình. Trong đó có 8 dự án nhà ở thuộc địa bàn huyện Mê Linh giao Sở Tài nguyên và môi trường chủ trì, còn 39 dự án thì giao cho sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, xử lý. Tính đến nay đã có 33 dự án đã được sở cùng các ngành địa phương rà soát, báo cáo UBND TP có hướng xử lý.

Về nguyên nhân theo ông Quyền, một số dự án chưa đủ tính pháp lý, một số sở ngành, địa phương chưa chủ động, nhiều chủ đầu tư chây ì, chưa nghiêm túc thực hiện, không báo cáo. Việc xử lý chậm tiến độ phải thực hiện đúng trình tự, xác định đúng nguyên nhân khách quan, chủ quan trong khi việc xác định nguyên nhân gặp nhiều khó khăn.

Liên quan đến 18 dự án vi phạm mà TP đã có quyết định thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai 2013, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trọng Đông cho biết: Các chủ đầu tư vi phạm việc bồi thường hỗ trợ theo quy định khi Nhà nước thu hồi đất. Ông Đông cũng nói thêm, khi rà soát thấy các trường hợp này chậm thực hiện giải phóng mặt bằng, không kê khai kiểm đếm đo vẽ để hội đồng giải phóng mặt bằng quận, huyện tiến hành giải phóng mặt bằng. Liên quan đến việc xác định nghĩa vụ tài chính với 26 dự án, ông Đông cho biết sở đã tổ chức thuê tư vấn, xác định nghĩa vụ tài chính với 23 dự án, chủ đầu tư đã nộp tiền theo quy định. Còn 3 dự án sở đã thuê tư vấn và trong tuần tới sẽ triển khai.

Ngay sau đó, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc ngắt lời cho rằng theo giám sát của HĐND TP thì có 38/78 dự án có quyết định thu hồi nhưng chưa thực hiện theo quyết định, do đó các sở ngành phải rà soát chính xác lại các dự án này đúng địa chỉ bởi nếu không nắm được chính xác thì không thể giải quyết vướng mắc được.

Khó truy thu thuế vì doanh nghiệp thuộc dạng “khó đòi”

Liên quan đến các dự án chưa được triển khai, ĐB Hoàng Thị Tú Anh (tổ đại biểu huyện Đan Phượng) cho rằng, theo báo cáo của UBND TP hiện còn 65/89 dự án vi phạm nhưng chưa được khắc phục. Theo bà Anh, các dự án này đã được HĐND TP kiến nghị từ năm 2012, vậy quan điểm xử lý các dự án này như thế nào? Trả lời, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trọng Đông cho biết, hiện 59 dự án đang khắc phục, triển khai xây dựng hoặc điều chỉnh quy hoạch, giải phóng mặt bằng còn 6 dự án không khắc phục thì 5 dự án sở đã tham mưu TP cho thu hồi đất và 1 dự án cho gia hạn thực hiện.

Nóng việc xử lý dự án vi phạm - 1

Thời gian qua UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu dừng triển khai và chấm dứt hoạt động 47 dự án vi phạm.

Liên quan đến phần nợ thuế mà ĐB Phạm Thị Thanh Mai (tổ đại biểu huyện Sơn Tây) đề cập khi trong tổng số hơn 50 dự án còn nợ 4.200 tỷ đồng, vậy những nhóm dự án này đến bao giờ xử lý dứt điểm? Ông Mai Sơn - Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội cho biết trong 59 dự án nợ tiền thuê đất đến nay chỉ còn 4 dự án nợ tiền thuê đất. Theo ông Sơn, thực tế là rất khó thu bởi có những doanh nghiệp có tuổi nợ lên đến 10 năm, trung bình từ 5 năm trở lên. TP đã chỉ đạo tháo gỡ nhưng những doanh nghiệp này vẫn chưa thực hiện do doanh thu thấp nên việc trả nợ hết sức khó khăn và TP cũng không thể thực hiện những biện pháp khác vì còn liên quan đến người lao động.

Nhận trách nhiệm số nợ còn lại có phần trách nhiệm của Cục Thuế, ông Sơn cho biết, trong thời gian tới sẽ quyết liệt hơn nữa trong phối hợp với sở ngành và tham mưu cho TP những giải pháp mạnh hơn để đưa số nợ thuế dưới 5% trong năm nay.

Thay mặt UBND TP, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết sẽ tiếp thu các vấn đề mà các ĐB chất vấn để giao cho các sở ngành trả lời, xử lý. Ông Hùng cũng khẳng định thời gian tới TP sẽ tập trung mục tiêu cao nhất là đưa các diện tích đất mà Nhà nước đã phê duyệt vào sử dụng, đảm bảo cao nhất quyền lợi của nhân dân, doanh nghiệp và lợi ích của Nhà nước. Đồng thời TP sẽ cương quyết thu lại những dự án mà doanh nghiệp chây ì không thực hiện, vi phạm những quy định của Luật Đất đai nhưng không khắc phục.

Đề nghị hủy hàng nghìn xe máy hết niên hạn

Cùng ngày, HĐND TP Hà Nội đã chất vấn các thành viên UBND TP về thực hiện Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP. Trả lời ĐB Nguyễn Quốc Khánh (tổ đại biểu quận Hoàng Mai) về việc UBND TP đã giao công an và các quận, huyện rà soát, thống kê xe máy đã qua sử dụng, trong tháng 3 vừa qua phải rà soát xong xe máy không đảm bảo chất lượng nhưng nhiệm vụ này đến nay chưa hoàn thành, vậy giải pháp nào để xử lý vấn đề trên? Trung tướng Đoàn Duy Khương - Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, Công an TP đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các lực lượng chức năng, cảnh sát giao thông từ TP xuống các huyện, quận, thị xã triển khai rà soát. Hiện có hơn 9.000 ô tô hết niên hạn, lực lượng chức năng đã gửi thông báo cho chủ sở hữu của 7.200 xe. Còn xe máy niên hạn 30 năm thì có hơn 43.000 xe, niên hạn trên 40 năm là hơn 10.500 xe, trên 50 năm có 479 xe.

H.Vũ