Giáo viên thân phận 'hợp đồng'

Anh Tú 11/07/2019 07:00

Vậy là vấn đề mà vài trăm giáo viên hợp đồng tại Hà Nội băn khoăn suốt nhiều tháng qua đã có những tín hiệu tốt ban đầu.

Hôm 9/7, tại phiên chất vấn của HĐND TP Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, sau khi Bộ Nội vụ có văn bản trả lời, thành phố quyết định sẽ xét tuyển đối với toàn bộ giáo viên có hợp đồng lâu năm với một số điều kiện cụ thể: Giáo viên có hợp đồng và có đóng bảo hiểm ít nhất 5 năm trở lại đây; đảm bảo sức khỏe; có năng lực, trình độ phù hợp với vị trí việc làm, tức là giáo viên phải dạy môn mà trường có nhu cầu tuyển dụng.

Đây là vấn đề được nhiều cơ quan báo chí nêu ra trong suốt thời gian qua. Cụ thể là, 2.700 giáo viên hợp đồng lâu năm chủ yếu rơi vào giáo viên dạy mẫu giáo, mầm non, cấp 1. Nhiều người trong số này là những giáo viên đã có những hợp đồng giảng dạy 10 năm, 20 năm, thậm chí gần 30 năm. Những người này có trình độ nghiệp vụ giảng dạy rất tốt. Nhưng những giáo viên này đều “sợ” thi tuyển viên chức do yếu về ngoại ngữ và tin học.

Sự việc được báo chí xới lên và nhiều cấp, nhiều ngành đã “lên tiếng”. Công đoàn Giáo dục Việt Nam đề nghị Chủ tịch UBND TP, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội quan tâm, có giải pháp...

Tuy nhiên, có vẻ TP Hà Nội “thích thú” với việc tổ chức thi tuyển viên chức nên trong một thời gian dài, những thắc mắc của các giáo viên hợp đồng, của dư luận bị bỏ ngoài tai. Một lãnh đạo Phòng Nội vụ huyện Sóc Sơn trả lời báo chí rằng: Đúng là đã có tuổi, nhưng không có con đường nào khác là phải học tập, phấn đấu. Đi thi thì không thể nói là mình có tuổi rồi, bà này nhận định và cho rằng, huyện đã làm hết trách nhiệm.

Tuy các cơ quan chức năng của Hà Nội đã “làm hết trách nhiệm” nhưng vẫn không tính được “đường ra” cho 2.700 giáo viên hợp đồng thì Bộ Nội vụ lại “biết cách”. Bộ này “bật mí”, theo quy định tại Nghị định 161/2018/NĐ-CP, ngoài phương thức tuyển dụng qua thi tuyển hoặc xét tuyển thì tuyển dụng viên chức còn được thực hiện thông qua tuyển dụng đặc biệt (được áp dụng đối với trường hợp có ít nhất 5 năm công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đào tạo đại học trở lên phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng và có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, không kể thời gian tập sự, thử việc theo đúng quy định của pháp luật).

Tuy đây là giải pháp khả dĩ nhất nhưng vẫn còn có một số thầy cô dù cống hiến nhiều năm trong ngành nhưng chỉ có bằng trung cấp sư phạm và cao đẳng sư phạm. Những người này sẽ phải thi tuyển viên chức và đương nhiên… trượt như họ thừa nhận. Và việc “tuyển dụng đặc biệt” mới chỉ sắp được thực hiện tại Hà Nội còn tại nhiều tỉnh khác thì việc giáo viên bỗng dưng mất việc vẫn xảy ra...

Một nỗi khổ khác của giáo viên hợp đồng là lương thấp. Không giống nhiều cơ quan thực hiện việc ký hợp đồng lao động với mức lương theo ngạch bậc, nhiều giáo viên được ký hợp đồng với mức lương cố định tức là không tăng khi Nhà nước thay đổi thang bảng lương. Theo một giáo viên ở Đông Anh (Hà Nội) khi mới ký hợp đồng, cô được hưởng hệ số lương là 1,78. Sau 17 năm công tác, mức lương của cô giáo THCS này vẫn không quá 1,86. Hơn nữa 2 tháng nghỉ hè cô không được hưởng lương. Một số giáo viên ngoài lương thấp còn không được đóng bảo hiểm xã hội. Tất nhiên không đóng bảo hiểm xã hội thì không được hưởng chế độ gì, kể cả những lần thai sản. Và những giáo viên “không bảo hiểm xã hội” này sẽ có thể đối mặt với việc không lọt vào danh sách được tuyển dụng đặc biệt do chưa đóng bảo hiểm xã hội đủ 5 năm.

Trở lại việc tuyển dụng giáo viên hợp đồng. Bỏ qua những khuất tất kiểu “chạy việc” thì rõ ràng việc tuyển dụng giáo viên hợp đồng nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học tại địa phương. Ngay tại Hà Nội, do thiếu giáo viên, nhiều lớp học đặc biệt là những lớp đầu cấp mà học sinh sinh đúng vào năm “vàng” thì tình trạng một lớp có 60 học sinh hay 68-70 em là không hề lạ lẫm. Như vậy cái gọi là “biên chế” giáo viên dường như chưa được “tính đúng, tính đủ” theo kịp nhu cầu khiến cho nhiều địa phương phải “lách luật” thực hiện giải pháp tình thế tuyển giáo viên hợp đồng. Và hệ lụy của việc này thì có khắp nơi, làm đau đầu không biết bao nhà quản lý, tốn giấy mực của báo chí. Đó là cái gốc của vấn đề.

Tinh giản biên chế là chủ trương đúng của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, cần có sự uyển chuyển trong quá trình thực hiện. Không chỉ giảm cơ học mà có nơi, có đơn vị cần tăng biên chế. Ngành giáo dục chẳng hạn. Nhiệm vụ của chính quyền là lo việc học, ít nhất là bậc phổ thông cho công dân. Vì vậy không thể lấy lý do biên chế để nhồi nhét gần 70 cháu vào một lớp.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề then chốt quyết định chất lượng giáo dục chính là đội ngũ những người thầy giáo. Nhưng không thể có chất lượng giáo dục tốt khi các thầy giáo vừa phải giảng dạy vừa phải lo cơm áo gạo tiền, thậm chí lo chỗ đứng của mình.

Anh Tú