Châu Âu quay lưng với liên minh hàng hải trên Vịnh Ba Tư

Linh Chi 15/08/2019 08:00

Chính sách gây sức ép cực đại mà Washington áp dụng đối với Tehran đang đẩy Tổng thống Mỹ Donald Trump vào thế tiến thoái lưỡng nan và gây cản trở một sáng kiến thành lập liên minh bảo an tuyến hàng hải trên Vịnh Ba Tư.

Châu Âu quay lưng với liên minh hàng hải trên Vịnh Ba Tư

Tàu chở dầu Steno Impero của Anh bị Iran bắt giữ khi băng qua eo biển Hormuz (Nguồn: Reuters).

Liên minh hàng hải

Dù Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thường xuyên nói về hiệu quả của chính sách sức ép cực đại, nhưng theo giới quan sát chính sách này đã thất bại trên nhiều mặt. Lượng dầu thô mà Iran xuất khẩu ra thế giới dù đã giảm tới 95% trong 15 tháng qua, khiến cho chính quyền Tehran mất đi nguồn thu quan trọng, nhưng đòn giáng kinh tế này đến nay vẫn chưa thể khiến Iran thay đổi chính sách ngoại giao của họ theo hướng mà Washington mong muốn.

Trên thực tế, Iran ngày càng hành động liều lĩnh hơn so với thời điểm cách đây 1 năm. Đối với những người theo dõi sát sao diễn biến về Iran thì điều đó chẳng có gì bất ngờ.

Giới phân tích con cho rằng, chính sách sức ép cực đại đang cản trở các sáng kiến tốt đẹp của chính quyền Trump trên Vịnh Ba Tư. Dù có cái tên khá đáng ngại, nhưng Chiến dịch Canh gác (Operation Sentinel) mà Bộ Quốc phòng Mỹ đề xuất thực chất là toàn diện và cần thiết. Vịnh Ba Tư vốn là một khu vực rất nhộn nhịp và dày đặc; 6 tàu chở dầu đã bị tổn thất và ít nhất 2 tàu chở dầu khác bị hải quân Iran bắt giữ trong vòng 3 tháng qua trên vùng biển này.

Trong tháng 7, hải quân Iran đã bắt giữ tàu chở dầu mang cờ Anh Steno Impero dường như là nhằm đáp trả việc Anh bắt giữ tàu chở dầu của họ ở Gibraltar trước đó. Mỹ và Iran đều bắn hạ máy bay không người lái của nhau, suýt làm bùng phát một cuộc xung đột vũ trang giữa hai nước.

Trong bối cảnh căng thẳng đó, việc tăng cường bảo an cho tuyến hàng hải quan trọng ở Vịnh Ba Tư là điều cần thiết - Chiến dịch Canh gác được Mỹ đề xuất. Nó cần thiết bởi việc gián đoạn tuyến đường vận chuyển dầu quan trọng ở eo biển Hormuz sẽ ảnh hưởng tới toàn cầu, đặc biệt là với các nước dựa dẫm vào nguồn cung từ Trung Đông.

Các nước tiêu thụ năng lượng lớn ở khu vực châu Á và châu Âu đặc biệt dễ bị ảnh hưởng nếu như nguồn cung dầu bị gián đoạn. Ví dụ, 63% lượng dầu thô của Ấn Độ đến từ Trung Đông, gần 50% lượng dầu nhập khẩu vào Trung Quốc cũng đến từ Trung Đông.

Hàn Quốc còn phụ thuộc nhiều hơn vào dầu thô từ Vùng Vịnh, tới 70%. Còn đối với Nhật Bản, con số này là 80%. Trong tổng số lượng hàng mà EU nhập khẩu từ các nước thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC), 65% là nhiên liệu và các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Ngược lại, lượng dầu thô mà Mỹ nhập từ Vịnh Ba Tư đã giảm dần trong thập kỷ qua. Theo thống kê của Cục Thông tin Năng lượng Mỹ, Washington nhập 2,664 triệu thùng dầu mỗi ngày trong năm 2001. Đến năm 2018, con số này xuống còn 1,472 triệu thùng/ngày, giảm gần 48%. Sự bùng nổ của ngành năng lượng trong nước giúp cho Washington phần nào bớt phụ thuộc hơn vào các nguồn nhập khẩu.

Châu Âu dè dặt

Bởi vậy, chính là những nước vẫn đang phải dựa vào nguồn cung dầu thô từ Trung Đông là những nước có động lực bảo an tuyến hàng hải ở Vịnh Ba Tư nhất. Washington hiểu rõ điều này, bởi vậy họ ra sức vận động các nước trên tham gia vào sáng kiến thành lập liên minh hàng hải của họ.

Tuy nhiên, hướng tiếp cận quá cứng rắn của chính quyền Trump đối với Iran đang cản trở sáng kiến này. Anh, Pháp, Đức và EU đều phẫn nộ trước việc ông Trump rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran mà phải mất rất nhiều năm mới có được. Họ tỏ ra bối rối khi chính quyền Trump sau đó còn tìm cách hủy hoại Thỏa thuận bằng cách trừng phạt bất cứ công ty hay cá nhân nước ngoài nào dám làm ăn với Iran.

Như một hệ quả, Pháp tỏ ra không hứng thú về sáng kiến lập liên minh hàng hải của Mỹ. Đức - nước coi Chiến dịch Canh gác của Mỹ như sự mở rộng chiến lược gây sức ép cực đại đối với Iran - cũng thẳng thừng bác bỏ lời mời của Mỹ.

Ông Trump bị mắc kẹt trong thế tiến thoái lưỡng nan: Một vị Tổng thống tận dụng mọi cơ hội để thúc ép các nước khác chia sẻ gánh nặng về an ninh bị đẩy vào thế khó xử do một chính sách mà gần như mọi người - trừ những người có quan điểm diều hâu với Iran - cực lực lên án là nguy hiểm và phản tác dụng.

Châu Âu hiện nay có hướng tiếp cận khác hẳn đối với Iran: Mỗi khi xảy ra vụ việc nghiêm trọng, họ tìm cách giảm thang căng thẳng trước khi tình hình trở nên vượt tầm kiểm soát. Trong khi đó, Mỹ tẩy chay cách phản ứng mềm mỏng này.

Linh Chi