Thời gian vật lý thời gian tâm lý

Trần Hữu Thăng 08/11/2019 19:23

Ông Albert Einstein là nhà bác học vật lý vĩ đại của mọi thời đại, người đã phát minh ra thuyết “Tương đối”. Nhiều ngành khoa học về vũ trụ, về thiên văn đã nhờ ông mà có được những bước tiến bộ thần kỳ.

Thời gian vật lý thời gian tâm lý

Bài viết nhỏ này chỉ xin đề cập đến một thí dụ tài tình trong đời thường qua câu chuyện của Einstein với các nhà báo.

Hỏi: Thưa ngài Einstein, cùng thời với ngài có bạn ngài là vua hề Charlot (tức là ông Charlie Charplin, nghệ sĩ hài vĩ đại của thế kỷ trước) chẳng bao giờ nói câu gì mà hàng triệu người cười lăn, cười bò, cười thở không ra hơi vì quá thú vị, quá ý nghĩa. Còn ngài, khi giảng bài đã viết lên hai cái bảng đầy các công thức mà rất ít người hiểu. Nhân dịp gặp gỡ các nhà báo ở đây xin đề nghị ngài giải thích một cách dễ hiểu nhất về khái niệm “Tương đối“.

Đáp: Khi bạn trò chuyện với một người đẹp, được nàng âu yếm giao lưu thì thời gian trôi qua rất nhanh, 2 giờ đồng hồ bên nàng mà cứ tưởng như mới có 2 phút trôi qua. Khi bạn ngồi cạnh lò bánh mỳ (trước đây lò bánh mỳ toàn đun bằng than và củi), không khí nóng hầm hập, vã hết mồ hôi, khiến 2 phút trôi đi mà cứ tưởng bị “tra tấn“ 2 giờ đồng hồ dài đằng đẵng. Đó là khái niệm “Tương đối“ !
Phát triển buổi nói chuyện đầy trí tuệ này của Einstein, người ta tạm chia thời gian thành 2 loại: Thời gian vật lý và Thời gian tâm lý. Tóm tắt bằng bảng sau:

Tạm kết luận: Thời gian tâm lý thú vị hơn Thời gian vật lý.

Thời gian vật lý (còn gọi là Thời gian nói chung):

Theo Từ điển tiếng Việt, trang 879 thì: “Thời gian là: 1/ Hình thức cơ bản của vật chất (cùng với không gian), trong đó vật chất vận động và phát triển không ngừng. Thí dụ: Thời gian và không gian đều là vô tận. 2/ Khoảng thời gian nhất định xét về mặt dài ngắn, nhanh chậm của nó. Thí dụ: Đi lại mất nhiều thời gian. Thời gian qua rất nhanh. Trong thời gian đó. 3/ Khoảng thời gian trong đó diễn ra sự việc từ đầu đến cuối. Thí dụ: Trong suốt thời gian hội nghị. Gặp lại sau một thời gian xa cách”.

Thời gian nói chung hay thời gian vật lý (vì do vật lý hiện đại quy định là: giây, phút, giờ, ngày, tuần , tháng, năm, thập niên, thế kỷ, thiên niên kỷ...) là đề tài mà khoa học, văn học, triết học, thơ ca... nói mãi không bao giờ cạn. Chỉ nên khu trú việc đánh giá thời gian qua một số danh ngôn tiêu biểu.

Có lẽ ít có một Tục ngữ cổ nào hay bằng Tục ngữ của người Ba Lan cổ quan niệm về bốn mùa trong một năm, về thời gian phân bố theo mùa trong một năm: “Mùa xuân là một nàng trinh nữ, Mùa hạ là một người mẹ, Mùa thu là một bà góa và Mùa đông là một bà dì ghẻ” (Spring is a virgin / Summer a mother / Autumn a widow and Winter a stepmother). Lẽ dĩ nhiên, đây là cách nhìn của người châu Âu cổ, nhưng nó cũng nói lên cái hồn nhiên, trinh nguyên, tươi tắn của tuổi thanh xuân của con người, cái nóng bỏng mà tha thiết của tuổi trưởng thành, cái hiu quạnh, lạnh lẽo, buồn bã của buổi thu đông, tức là lúc tuổi già mãn chiều xế bóng, gần đất xa trời.

Đến nay, trong thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, do tuổi thọ của con người ngày càng tăng (có nước tuổi thọ trung bình lên đến 80, 85 tuổi, theo công bố vào năm 2019) cho nên người ta phải viết lại cho phù hợp với tình hình mới. Trong các sách giáo khoa chính thống được xuất bản gần đây ở châu Âu, ở Mỹ và ngay ở khu vực Đông Nam Á, các tác giả viết về “Y học tuổi già”, “Những bí mật của tuổi già” đều gọi Tuổi già là Tuổi vàng, Tuổi bạc, Hoàng hôn rực nắng (cho dù tia nắng đã nhạt hơn và nhanh chóng biến mất!). Thế kỷ trước có tác giả còn động viên: “Nắng được thì cứ nắng”, kể ra cũng thật thấu tình đạt lý đối với tuổi già, tuổi thọ, đối với người cao tuổi trong thời đại chúng ta.

Đoạn trên nói một chút văn chương về thời gian, chứ thực ra bao giờ cũng cần xem trọng và yêu quý thời gian dù ở thời điểm nào.

Đúng như triết gia Pháp Louis Bourdaloue (1632–1704) đã khẳng định: “Không có gì quý bằng thời gian, vì chính thời gian là cái giá trị của sự vĩnh viễn” (Il n'est rien de plus précieux que le temps, puisque c'est le prix de l'éternité). Tuy ý kiến này của Bourdaloue đã viết ra cách đây 300 năm nhưng cho đến hiện nay vẫn đúng và mãi về sau vẫn đúng. Vì sao? Vì nó là chân lý vĩnh cửu.

Cùng với nhận xét này, trong dân gian còn có nhiều tục ngữ, ca dao, đồng dao cũng đã dạy con người phải biết quý trọng thời gian như: “Thời gian mất đi không bao giờ tìm lại được nữa”, hoặc “Với thời gian, mọi vết thương lòng sẽ kéo lại da non”. Đại thi hào Pháp Pierre Corneille (1606–1684) đã hết lời ca tụng thời gian khi ông viết: “Thời gian là một ông thầy vĩ đại, nó dàn xếp cho mọi việc đều được êm thấm cả” (Le temps est un grand maître, il règle bien des choses).

Ngay trong ngành Y tế với sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe con người, thì thời gian cũng là một bác sĩ giỏi nhất, kiên nhẫn nhất, chịu thương chịu khó nhất trong việc chăm sóc người bệnh. Đó là thời gian ủng hộ con người. Về phía con người, phải tự chuẩn bị cho mình có một thời gian biểu, thời khóa biểu, lịch làm việc... thật tốt (ăn, uống, nghỉ, ngủ, làm việc... hợp lý). Việc con người biết phân bố thời gian làm việc, nghỉ ngơi và rèn luyện thể dục thể thao từ lúc trẻ và đều đặn thường xuyên sẽ giúp có sức khỏe tốt, sống thọ và luôn yêu đời, yêu mình, yêu người.

Thời gian tâm lý: Con người ta nếu biết cách sử dụng thời gian vật lý tốt thì ắt sẽ có thời gian tâm lý hoàn hảo.

Thơ cổ Đông phương có bài rất hay nói về việc cùng trải qua mấy tiếng đồng hồ ban đêm mà có kẻ thấy ngắn (sao đêm nay trôi đi nhanh quá, tiếc quá), có kẻ lại thấy dài (sao đêm nay trôi đi chậm thế, biết bao giờ cho đến sáng hở trời) qua câu sau: “Lúc vui trách đêm ngắn quá, khi buồn trách đêm dài quá” (Hoan ngu hiềm dạ đoản, tịch mịch hận canh trường). Thì ra tất cả đều do cái cách nhìn, cái tâm trạng, cái trình độ nhận thức, cái hoàn cảnh vui buồn của con người mà sinh ra cái thời gian tâm lý, chứ thực ra nó cũng chỉ có từng ấy giờ, từng ấy ngày mà thôi.

Trong một cuốn sách mới được xuất bản gần đây, một tác giả khuyên con người nên tạo ra những “Thời gian tâm lý” thú vị cho mình, vui vẻ cho mình, nâng đỡ tinh thần mình để vươn cao, vươn xa hơn ngày hôm nay. Bằng cách nào, bằng phương pháp tập luyện nào để đạt được cái thời gian tâm lý kỳ diệu ấy?

Tất cả bài tập chỉ có 3 từ: “Tâm bình an”. Đó là Thiền, là tập thở, là suy tư an lạc một mình, yên tĩnh tuyệt đối. Cơ sở khoa học là: khi ta hít vào thật sâu, từ từ, thong thả là ta phải tập trung toàn bộ trí não, suy tư theo cái nhịp hít vào đó, không còn gì vướng bận trong óc ta nữa. Tất cả rác rưởi đời thường đều được quét sạch khỏi óc ta. Hít khí trời vào phổi tối đa. Sau khi hít vào tối đa, giữ hơi một lúc, càng lâu càng tốt, sau đó thở ra từ từ đều đều, tống khí độc từ phổi ra ngoài. Nếu ta tập thở sâu thành công, nhiều khí oxy (dưỡng khí) sẽ được cung cấp cho phổi, qua vòng tuần hoàn tới các phủ tạng với dòng máu đỏ. Nếu ta thở ra thành công, nhiều khí CO2 (thán khí) sẽ được thải loại ra ngoài.

Sau khi tập thở thành công, Thiền định hàng ngày (từ 5 phút tiến đến 15 phút, nửa tiếng), kết hợp với tập thể dục đều đặn (tập các động tác thể dục thông thường, đi bộ, chạy bộ...) chắc chắn tâm trí ta sẽ minh mẫn, nhận định đúng và rõ các việc đang xẩy ra mà tìm biện pháp xử lý một cách khôn ngoan nhất.

Xin chúc cho tất cả chúng ta đều sử dụng tốt thời gian vật lý và gặp được nhiều vận may trong thời gian tâm lý đúng như thi sĩ Pháp Edmond Rostand (1868–1918) đã động viên: “Chính ngay giữa đêm mà ta tưởng tượng ra ánh sáng mới thật đẹp làm sao” (C'est la nuit qu'il est beau de croire â la lumière).

Trần Hữu Thăng