Thị trường hóa chất: Phụ thuộc nhiều từ nguồn nhập khẩu

Quốc Định 25/12/2019 07:45

Thống kê cho thấy, có tới 70-80% lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật (TBVTV) đang sử dụng ở nước ta đều nhập khẩu từ Trung Quốc. Nguyên nhân là nguồn nguyên liệu trong nước để sản xuất hóa chất khan hiếm. Trong khi đó, khả năng tìm thị trường hóa chất để thay thế của các doanh nghiệp (DN) trong nước đang còn hạn chế.

Thị trường hóa chất: Phụ thuộc nhiều từ nguồn nhập khẩu

Chưa có giải pháp kéo giảm phụ thuộc vào hóa chất nhập từ Trung Quốc.

Tại một triển lãm quốc tế về công nghiệp hoá chất vừa diễn ra ở TP HCM, tràn ngập các nhà cung cấp hoá chất của Trung Quốc, gồm các nhóm sản phẩm về hoá chất nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật, hoá chất công nghiệp, hoá chất ngành dệt nhuộm, xử lý nước thải công nghiệp, công nghệ thực phẩm, nguyên liệu sản xuất sơn và vật liệu phủ, mực in…

Bà Mã Xuân Diễm - Phó Hội trưởng Phân hội hoá chất thuộc Uỷ ban Xúc tiến mậu dịch quốc tế Trung Quốc, chia sẻ: Tình hình xuất khẩu hoá chất và thuốc bảo vệ thực vật từ Trung Quốc vào Việt Nam từ đầu năm đến nay tăng trưởng ở mức cao. Ngoài ra, trước ảnh hưởng của thương chiến Mỹ - Trung, nhiều DN hoá chất của Trung Quốc đang chuyển hướng vào Việt Nam nhiều hơn, gồm cả chuyển hướng về thương mại lẫn đầu tư khi đây là thị trường rất tiềm năng và ổn định.

Còn theo ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam, nguồn TBVTV ở Việt Nam hiện nay được nhập khẩu từ hơn 40 quốc gia, nhưng nhập nhiều nhất là từ Trung Quốc. “Trước đây, lượng nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm trên 80% tổng sản lượng TBVTV nhập khẩu vào Việt Nam. Còn hiện nay, tuy sản lượng này có giảm một chút nhưng vẫn còn chiếm tới 70 - 80%”, ông Sơn nói.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Sinh - Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công thương), nhu cầu tiêu thụ trong nước khoảng 11 triệu tấn phân bón các loại, trong đó phân bón vô cơ chiếm khoảng 90%. Với khoảng 800 DN sản xuất phân bón, đây chính là thị trường tiêu thụ lớn đối với các hoá chất sản xuất phân bón vô cơ được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ngoài ra, nhu cầu hóa chất công nghiệp của Việt Nam tăng trưởng trung bình 9-10%/năm, trong khi nguồn cung trong nước mới chỉ đáp ứng 50% nhu cầu và phần còn lại phải nhập khẩu. Hóa chất sử dụng cho ngành công nghiệp không đáp ứng được nhu cầu nội địa và chỉ đủ dùng cho sản xuất thuốc trừ sâu và các loại sản phẩm cơ bản khác. Ngoài ra, trong nước không sản xuất hóa chất tinh khiết và đặc biệt. Mỗi năm có khoảng từ 70% nhu cầu urê được nhập khẩu trong khi amoni phosphate nhập khẩu 100%.

Không riêng gì các DN nội địa trong lĩnh vực sản xuất TBVTV hay sản xuất phân bón, tình trạng chung của các DN hoá chất trong nước hiện nay là vừa yếu vừa phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập từ Trung Quốc. Ngoài ra, với nguồn cung hoá chất vừa lớn vừa rẻ như Trung Quốc nên các DN trong nước gặp vấn đề cạnh tranh về giá.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, giá trị nhập khẩu của nhóm hàng hoá chất và sản phẩm từ hoá chất trong 10 tháng đầu năm nay đạt 8,71 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu hoá chất và sản phẩm từ hoá chất về Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc là 2,63 tỷ USD (tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2018).

Nhìn vào báo cáo chuyên sâu gần đây của đơn vị nghiên cứu ngành và tư vấn Việt Nam (Viracresearch) về hoá chất để thấy rằng, một trong những điểm yếu lớn nhất của ngành hóa chất Việt Nam là khả năng cung ứng nguyên liệu đầu vào còn yếu, do vậy, đều phải nhập khẩu. Viracresearch nhận định trong nhiều năm liền, hóa chất luôn nằm trong top 10 sản phẩm nhập khẩu nhiều nhất và thị trường nhập khẩu chính là Trung Quốc.

Hệ thống máy móc kỹ thuật của ngành hóa chất phần lớn chỉ ở mức độ trung bình khá so với một số nước trong khu vực nên năng suất của ngành chưa cao và giá trị gia tăng còn thấp. Trong khi đó, ngoài nguồn hoá chất nhập khẩu từ Trung Quốc các DN trong ngành này đa phần có quy mô vừa và nhỏ và đang chịu sự cạnh tranh gay gắt với các tập đoàn đa quốc gia vốn có tiềm lực tài chính, trình độ công nghệ tốt hơn.

Quốc Định