Ký ức những ngày tháng Hai

Nguyên Hương 17/02/2020 06:50

Đã 41 năm trôi qua kể từ ngày 17/2/1979, ký ức của những người đi giữ gìn bờ cõi nơi biên cương phía Bắc của Tổ quốc vẫn còn vẹn nguyên. Sự mất mát, hy sinh bởi chiến tranh khốc liệt ấy cho chúng ta hiểu giá trị của hòa bình và phải giữ cho được hòa bình.

Ký ức những ngày tháng Hai

Cựu binh Hoàng Như Lý tặng đồng đội cuốn hồi ký về những ngày tháng Hai ở ngay chính Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ ở Pò Hèn.

Trận chiến nơi Đồi Dài

Ông Đào Văn Soi, sinh năm 1963 tại Phúc Lâm, Phú Xuyên, Hà Nội. Lúc biên giới phía Bắc, đặc biệt khu vực Thanh Thủy (Hà Giang) sắp “có vấn đề”, Đào Văn Soi vào lính và được phiên chế vào D7, E14, F313, một trong những sư đoàn chủ lực của Quân khu 2. Từ một nông dân tận đồng bằng, sau gần 2 ngày trời ngồi xe quân sự trùm bạt, anh đã đến nơi ngút ngàn núi. Đơn vị của anh tập kết tại Km số 9, trên con đường độc đạo dẫn lên chiến địa Thanh Thủy.

Huấn luyện, làm quen địa hình địa vật, chưa đầy 9 tháng sau, những người lính trẻ đã bắt đầu tham chiến. Rạng sáng một ngày đầu Xuân, bên kia biên giới pháo ầm ầm nã đạn vào các điểm cao của Hà Giang. Đơn vị của anh nhận lệnh hành quân vòng lên Lao Chải. Sau do đối phương đánh “thọc hậu” mạnh nên phải rút quân từ cao điểm 1030, theo trục đường 2000 đi Làng Pinh để về khu ngã ba Thanh Thủy.

Tại đây, cùng với các cao điểm khác như 1509, 1545, bình độ 300 – 400 thì Đồi Đài cũng là một vị trí quan trọng. Để nắm giữ cao điểm quan trọng này, đối phương liên tục pháo kích và tổ chức quân đánh chiếm. Để giữ Đồi Đài, ta cũng bố trí ở đây 5 tiểu đội. Thời cao điểm này, những tiểu đội được phiên chế vào đây phần lớn đều thuộc loại tinh nhuệ. Ông Soi nhớ lại, ngày lên đây, Đồi Đài còn là cánh rừng già, cây to đến vài người ôm, thế mà chỉ 2 tháng sau, cả khu rừng này đã bị pháo địch đốn ngã, cháy trơ trụi.

2 tháng tiếp theo, bằng việc pháo kích “dầm dề” thì Đồi Đài đã trở thành một quả đồi thông thốc, đỏ au màu đất. Pháo kích câu sang, đào quật đất đá, thoáng băng tầm quan sát, đến con chuột cống chạy cũng dễ dàng bị phát hiện.

Ông Soi bảo, sau gần 1 năm khai hỏa, các điểm cao điểm như 1509, 1545, 1030 đều đã bị đối phương chế ngự nhưng riêng Đồi Đài, một cao điểm quan trọng vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát. Để giành được sự chế ngự với một cao điểm quan trọng này phía Trung Quốc tập trung toàn bộ hỏa lực bao gồm pháo và cối nã tới tấp nhằm “nhổ” Đồi Đài. Chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ, bằng việc tập trung bắn và “rót” đạn, các hầm của các tiểu đội khác hầu như đã không chịu được sức nổ, rung, lắc nên lần lượt bị xóa sổ cùng với đó là sự hy sinh can trường của những người lính trẻ.

Hồi ức Pò Hèn

Cuộc chiến bảo vệ biên giới đã lùi xa nhưng trong ký ức của những cựu binh Đồn biên phòng Pò Hèn (đồn Công an nhân dân vũ trang 209) về thời khắc chiến đấu 41 năm trước vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ. Trong cuộc chiến ấy, 45 người lính quân hàm xanh đã ra đi mãi mãi để gìn giữ từng tấc đất quê hương.

Cựu binh Hoàng Như Lý (đồn Pò Hèn) chia sẻ, 41 năm đã đi qua kể từ cái ngày đẫm máu ấy, ông vẫn chưa lúc nào nguôi quên. Mỗi khi nghĩ đến đồng đội mình tim ông như thắt lại. Ai rơi vào hoàn cảnh, điều kiện chiến trường đau thương, hy sinh, mất mát mới thấy tình đồng đội cao cả đến chừng nào. “Trong trận chiến ấy, chúng tôi, 60 cán bộ chiến sỹ của đồn cùng các chiến sỹ tự viện của Lâm trường thương nghiệp đã can trường chiến đấu giáp lá cà với hơn 3000 tên địch. Chúng tôi quần thảo hơn 6 tiếng đồng hồ, quyết tử để bảo vệ Tổ quốc thân yêu. Chỉ là, sức người có hạn, thế trận đối đầu không cân bằng về lực lượng nên nhiều người đã phải hy sinh…”

Hàng năm, cứ đến ngày này, những cựu binh như ông Hoàng Như Lý lại trở về nơi diễn ra trận đánh năm nào thắp nén hương tưởng niệm về những người đồng đội của mình đã nằm lại nơi biên cương Tổ quốc. Ông Lý cho biết, năm nay dịch viêm đường hô hấp cấp đang diễn ra phức tạp nên chỉ có những người ở gần, người ở xa không thể về đốt nén nhang cho đồng đội mình nhưng trong sâu thẳm họ không bao giờ quên được ký ức của những ngày tháng Hai lịch sử.

Nguyên Hương