Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam

Cẩm Thúy 27/04/2020 10:29

30/4/2020 - tròn 45 năm đất nước Việt Nam nối liền một dải. Để có được hòa bình, độc lập dân tộc và thống nhất đất nước là hành trình mà nhiều thế hệ người Việt Nam đã phải đổ biết bao máu xương.

Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam

Là đất nước đã trải qua nhiều đau khổ của những cuộc chiến tranh nên không ai yêu hòa bình bằng nhân dân Việt Nam, không ai hiểu sâu sắc những tổn hại cho đất nước, cho nhân dân Việt Nam do những cuộc chiến tranh xâm lược gây ra bằng nhân dân Việt Nam. Nhân dân Việt Nam luôn mong muốn hòa bình và đồng thời cũng ý thức rất cao chủ quyền Tổ quốc là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Trong những ngày chống lại đại dịch Covid-19, giữa khó khăn, người ta lại thấy hiển hiện tinh thần đoàn kết đồng lòng của người Việt Nam. Tinh thần ấy hun đúc qua những ngàn năm lịch sử, lý giải sức mạnh Việt Nam trong chiến tranh vệ quốc và dựng xây đất nước. Có thể nói rằng Việt Nam đã chống dịch bằng sự tiếp nối của tinh thần ngày 30/4 kiên cường, quả cảm, đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân, đặt lợi ích chung của cộng đồng lên trên hết thảy. Tinh thần “thần tốc, táo bạo” của Chiến thắng 30/4 đã được Thủ tướng nhắc lại trong một cuộc họp chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 là sự tiếp nối kinh nghiệm và những bài học đáng quý từ lịch sử.

Trong lúc cả thế giới cùng chung khó khăn, rất cần đoàn kết quốc tế để chống lại đại dịch, Trung Quốc đã một mình hành động ngang ngược và sai trái khi tuyên bố về việc thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Ngay lập tức người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ hành vi vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và khẳng định: Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Hành động này của Trung Quốc một lần nữa thách thức cảm xúc của người Việt Nam. 45 năm trước, phải đổ rất nhiều máu xương, Việt Nam mới có ngày thống nhất.

Điều gì đã khiến những thế hệ người Việt Nam sẵn sàng không ngại hy sinh gian khổ để chiến đấu giành độc lập hòa bình, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất đất nước, trong đó có những cuộc chiến đấu để bảo vệ Hoàng Sa – Trường Sa!?

Câu trả lời là niềm tin sắt đá của người Việt Nam vào tính chính nghĩa của mình. Người Việt Nam đã buộc phải chiến đấu để bảo vệ chủ quyền, bảo vệ tự do độc lập và thống nhất đất nước. Với riêng 2 quần đảo ở ngoài khơi xa bão tố, những thế hệ người Việt Nam có niềm tin chính nghĩa: Trường Sa – Hoàng Sa là đất đai hương hỏa ông cha người Việt Nam để lại, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để chứng minh Trường Sa – Hoàng Sa là của Việt Nam. Và mọi thế hệ người Việt sẵn sàng hy sinh để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc mình.

Từ trong lịch sử, dân tộc Việt Nam luôn coi trọng chính nghĩa. Những cuộc chiến tranh mà người Việt Nam đã trải qua đều là những cuộc chiến tranh chúng ta không hề mong muốn. Chúng ta mong muốn hòa bình nhưng chúng ta đều đã buộc phải chiến đấu để bảo vệ chủ quyền, bảo vệ tự do độc lập. Sau những thử thách gay go, cái cuối cùng còn lại, trường tồn cùng lịch sử, cùng dân tộc là tính chính nghĩa và tinh thần hòa hiếu. Sức mạnh của chúng ta là sức mạnh của chính nghĩa và chúng ta chiến thắng nhờ niềm tin vào chính nghĩa.
Không phải ngẫu nhiên khi các nhà nghiên cứu Việt Nam nói về Biển Đông đều đồng lòng tin lẽ phải thuộc về chúng ta. Rằng chúng ta sẽ bảo vệ được chủ quyền biển đảo bằng sức mạnh Việt Nam. Việt Nam có cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử trên cơ sở pháp luật quốc tế - đó là sức mạnh chính nghĩa của Việt Nam.

Từ trong lịch sử, nhà Lý, nhà Trần cũng vì tính chính nghĩa của những cuộc chiến tranh giữ nước mà nói như nhà văn hóa Phan Ngọc là biết “cúi xuống để chiến thắng”, thắng giặc nhưng vẫn giữ tình hòa hiếu, thắng giặc mà không biến đó thành nguyên nhân để tiếp tục hận thù, mà làm mọi cách để kẻ thù phải từ bỏ dã tâm với đất nước mình. Nếu Nguyễn Trãi đem tư tưởng nhân nghĩa ra để vận động, thuyết phục cả chính kẻ thù thì đến Nguyễn Huệ - Quang Trung đã nhấn mạnh tính chính nghĩa của chiến tranh chống xâm lược là lập lại lẽ công bằng của trời đất, là khẳng định quyền tồn tại của một dân tộc, một quốc gia. Đánh để kẻ thù phải hiểu ra đất nước này là một quốc gia có văn hóa, một quốc gia anh hùng. Nhà Lý, nhà Trần, nhà Lê cho đến nhà Tây Sơn đều nhận thức một cách sâu sắc rằng: chỉ có giữ hòa hiếu, vừa cương, vừa nhu, dùng nhu khống chế sự hung hãn, cương mãnh của kẻ thù để giữ yên bờ cõi. Dân tộc Việt Nam là dân tộc biết “trồng tre làm gậy” để đánh đuổi kẻ thù nhưng lại hiểu thấu đáo lẽ đời “oán thù nên cởi chứ không nên buộc” và “Thánh nhân bất đắc dĩ dụng binh” là tư tưởng chiến lược trong kế sách giữ nước của ông cha.

Cho nên, hành động sai trái của phía Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông những ngày qua làm dư luận nhân dân Việt Nam phẫn nộ. Nói như ông Võ Sa Đồng - Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa thì hành động của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và trái với các thỏa thuận giữa hai nước và khu vực, làm phức tạp tình hình ở khu vực Biển Đông và tổn hại đến các nỗ lực hợp tác giữa các nước.

45 năm nhìn lại Chiến thắng 30/4 – một chiến thắng có ý nghĩa khép lại một cuộc chiến tranh, với mọi người dân Việt Nam, là lúc thấu hiểu hơn hết giá trị của hòa bình và để suy ngẫm về việc gìn giữ hòa bình.

Là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, chưa bao giờ người dân Việt Nam chủ động khởi đầu một cuộc chiến. Năm 1946, mọi nỗ lực trên mặt trận ngoại giao thất bại, Hồ Chủ tịch buộc phải ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa”. Chiến thắng của nhân dân Việt Nam là chiến thắng của một dân tộc mong muốn hòa bình nên buộc phải chiến đấu để giành lấy hòa bình.

Văn hóa Việt Nam là nền văn hóa hình thành từ nền tảng nhân ái, bao dung. Nhân dân Việt Nam giàu lòng nhân ái, yêu chuộng hòa bình. Là một đất nước bên bờ Biển Đông, Việt Nam trải qua hàng nghìn năm lịch sử với rất nhiều những cuộc chiến bảo vệ chủ quyền chính đáng. Máu đào của bao anh hùng liệt sĩ đã đổ xuống để bảo vệ mảnh đất này. Vì thế khát vọng hòa bình là khát vọng của toàn thể dân tộc Việt Nam. Mọi người dân Việt Nam hiền lành, bình dị luôn khát khao gìn giữ hòa bình và luôn luôn tôn vinh giá trị của hòa bình.

Giữa những ngày kỷ niệm một Chiến thắng cách đây 45 năm, nhìn lại lịch sử hàng nghìn năm qua, nhân dân Việt Nam cũng hoàn toàn kiêu hãnh tự hào rằng dù mong muốn hòa bình, khát vọng hòa bình nhưng nếu sự toàn vẹn lãnh thổ bị xâm phạm, người Việt Nam buộc phải chiến đấu và chiến tranh nhân dân của Việt Nam có đầy đủ sức mạnh bách chiến bách thắng. Đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam là phương thức thực hiện của người Việt Nam để đòi quyền được sống trong hòa bình như một giá trị bản chất nhất của xã hội loài người mà mỗi quốc gia có quyền được tôn trọng và giữ lấy. Bất kể một hành động nào xâm hại chủ quyền của Việt Nam cũng làm tổn thương trái tim những người Việt Nam yêu nước và luôn khát khao gìn giữ hòa bình.

Tôi nghĩ chủ quyền của một quốc gia là vấn đề cốt lõi, là một trong những nội dung cơ bản của tình cảm dân tộc. Một công dân mà không ý thức về chủ quyền của dân tộc mình, của đất nước mình thì không thể nói công dân ấy là một công dân tự giác, một công dân có ý thức được. Tôi luôn xem vấn đề chủ quyền quốc gia không chỉ là quyền lợi của người Việt mà còn là lương tri của người Việt, là niềm tự hào của người Việt, và là danh dự của người Việt. Tôi xem việc giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ, toàn vẹn chủ quyền quốc gia như là danh dự của cá nhân tôi. (Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt)

Cẩm Thúy