Băn khoăn Dự thảo Nghị định quy định về lao động giúp việc

Lê Bảo 04/06/2020 08:00

Để đảm bảo quyền lợi cho lao động giúp việc, hiện nay Bộ LĐTB&XH đã dự thảo và xin ý kiến cho Dự thảo Nghị định quy định về lao động là người giúp việc gia đình theo Khoản 2, Điều 161 của Bộ luật Lao động năm 2019. Tuy nhiên quá trình dự thảo đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều về những điều khoản liên quan đến đặc thù công việc, thời gian nghỉ…

Lao động giúp việc được nghỉ 4 ngày/tháng?

Bộ LĐTB&XH cho biết, thực hiện Bộ luật Lao động năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 27/2014/NĐ-CP ngày 7/4/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình, trong đó đã đưa các nội dung của Bộ luật Lao động áp dụng đối với người lao động nói chung vào Nghị định, đồng thời quy định chi tiết, gắn với các yếu tố đặc thù của lao động giúp việc gia đình.

Tuy nhiên, hiện nay nội dung Bộ luật Lao động năm 2019 đã có nhiều quy định về người lao động và người sử dụng lao động, trong đó có người lao động và người sử dụng lao động giúp việc gia đình khác với quy định của Bộ luật Lao động năm 2012. Một số quy định đặc thù đối với lao động giúp việc gia đình tại Nghị định số 27/2014/NĐ-CP cũng chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn như: Chưa có mẫu hợp đồng lao động để hai bên áp dụng được thuận lợi, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi chưa quy định linh hoạt với tính chất đặc thù của lao động giúp việc gia đình, chưa quy định rõ ràng trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc quản lý lao động giúp việc gia đình...

Vì vậy, Bộ LĐTB&XH đã Dự thảo Nghị định quy định về lao động là người giúp việc gia đình theo Khoản 2, Điều 161 của Bộ luật Lao động năm 2019 để phù hợp với đặc thù của lao động giúp việc gia đình, gắn với yêu cầu thực tiễn.

Theo Dự thảo, người lao động và người sử dụng lao động giao kết và thực hiện hợp đồng lao động theo quy định tại Chương III của Bộ luật Lao động. Trong đó, hình thức hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản theo quy định tại Khoản 1, Điều 162 của Bộ luật Lao động. Dự thảo cũng quy định về xác định mức lương thỏa thuận trong HĐLĐ, khấu trừ tiền lương, trách nhiệm trả cho người lao động một khoản tiền bằng mức đóng BHXH, BHYT của người sử dụng lao động.

Đáng chú ý, Dự thảo quy định trách nhiệm bảo đảm thời giờ nghỉ ngơi tối thiểu cho người lao động, ít nhất nghỉ 6 giờ liên tục trong 24 giờ liên tục và bình quân nghỉ ít nhất 4 ngày/tháng. Theo Điều 111, Bộ luật Lao động, mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 1 tháng ít nhất 4 ngày. Người sử dụng lao động có quyền quyết định sắp xếp ngày nghỉ hằng tuần vào ngày Chủ nhật hoặc ngày xác định khác trong tuần nhưng phải ghi vào nội quy lao động.

Dự thảo đang được Bộ LĐTBXH lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân đến hết ngày 27/7/2020.

Nhiều ý kiến trái chiều

Theo các chuyên gia, việc ban hành Nghị định về lao động giúp việc hướng dẫn những quy định tại Điều 161 Bộ luật Lao động là cần thiết, song để làm sao các quy định đi vào đời sống cần có những khảo sát, đánh giá cụ thể để có thể xây dựng được những quy định sát với thực tế. Băn khoăn về việc ký hợp đồng nhiều lần, ông Lê Xuân Quang, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phân tích: Khoản 3, Điều 3 Dự thảo quy định lao động giúp việc gia đình có thể ký hợp đồng lao động nhiều lần là trái với quy định của Bộ luật Lao động. Thêm nữa, việc quy định trước khi chấm dứt hợp đồng lao động 2 bên phải báo trước 15 ngày là khó bảo vệ cho lao động yếu thế. Hơn nữa, việc quy định chủ sử dụng lao động phải thông báo cho người lao động đặc điểm các thành viên trong gia đình trước khi ký hợp đồng là khó thực thi.

Với quy định người giúp việc được nghỉ 4 ngày/tháng, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân cho rằng, không nên quy định cứng nhắc vì giúp việc là công việc đặc thù. Bởi thực tế hiện nay nhiều lao động giúp việc hàng tháng vẫn có một đến hai ngày nghỉ để về quê.

Trước thông tin sẽ có quy định lao động giúp việc được nghỉ 4 ngày, bà Đặng Thị Trâm, quê Nghệ An người có thâm niên 10 năm làm giúp việc ở Hà Nội thẳng thắn cho rằng, là người lao động ai cũng muốn có được ngày nhiều ngày nghỉ, trước đây dù không có quy định, nhưng cứ làm đủ 2 tháng chủ nhà cho bà về quê 4 ngày. Tiền lương 4 ngày nghỉ vẫn giữ nguyên, ngoài ra còn được thanh toán tiền tàu xe và quà cho các cháu ở quê. “Giờ nếu Nhà nước cho nghỉ 1 tháng 4 ngày, tôi cũng chỉ xin nghỉ như mọi khi. Một tháng nghỉ 4 ngày cũng hơi nhiều, được nghỉ không về quê ở lại chủ nhà nuôi ăn ở, trả lương mình không làm gì cũng ngại. Mà về quê thì tiền tàu xe chi phí đi lại cũng tốn kém, không thể bắt chủ nhà tháng nào cũng chi trả cho tiền tàu xe được” – bà Trâm chia sẻ.

Lê Bảo