'Kỳ án' bắt nguồn từ sự cẩu thả trong tố tụng

Lê Anh Đức 06/06/2020 14:15

Dư luận xã hội những ngày qua có nhiều ý kiến trái chiều về việc Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao ra phán quyết giám đốc thẩm, bác kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND Tối cao trong vụ án tử tù Hồ Duy Hải. Nhiều người cho rằng, việc Hội đồng thẩm phán lập luận những vi phạm tố tụng chỉ là sai sót nhỏ không ảnh hưởng tới bản chất vụ án là tạo ra một tiền lệ hết sức nguy hiểm trong hoạt động tố tụng.

'Kỳ án' bắt nguồn từ sự cẩu thả trong tố tụng

Hồ Duy Hải tại phiên tòa sơ thẩm năm 2008.

Cẩu thả khi điều tra án mạng

Đầu năm 2008, một vụ án mạng nghiêm trọng xảy ra tại Bưu điện Cầu Voi (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An). Nạn nhân là hai nhân viên bưu cục, cũng là hai chị em: Nguyễn Thị Ánh Hồng và Nguyễn Thị Thu Vân. Khám nghiệm hiện trường cho thấy, hung thủ không chỉ giết người mà còn cướp tài sản. Sau khi rà soát, khoanh vùng, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An đã thực hiện việc câu lưu một nghi can là Nguyễn Văn Nghị (ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) để điều tra xác minh. Nguyễn Văn Nghị là một trong số các bạn trai của nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng, có dấu hiệu nghiện ma túy. Trước đó, lực lượng công an đã phải mai phục rất vất vả mới bắt được nghi can này.

Tuy nhiên, sau đó cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An lại khởi tố, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Hồ Duy Hải, vì xác định thanh niên này chính là hung thủ giết người và cướp tài sản tại Bưu điện Cầu Voi tối 13/1/2008. Việc CQĐT qua quá trình điều tra, xác minh rồi xác định nghi can mới, thay đổi nghi can là chuyện hết sức bình thường. Song, trong vụ án này, cách làm của cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An lại cho dư luận thấy nhiều sự bất thường. Bất thường bởi, dù buộc tội Hồ Duy Hải giết người, cướp tài sản, nhưng CQĐT lại không có bất kỳ một chứng cứ vật chất nào để chứng minh điều đó. Bất thường còn ở chỗ, nhiều lời khai quan trọng của nhân chứng, thậm chí lời khai của chính nghi can Hồ Duy Hải đã bị bỏ ra ngoài không đưa vào hồ sơ vụ án.

Đáng chú ý, khi khám nghiệm hiện trường, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An đã không thu giữ được hung khí gây án (chiếc ghế, chiếc thớt, con dao). CQĐT cũng không thực hiện việc lấy mẫu máu tại hiện trường giám định ngay để làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Sau 4 tháng Công an tỉnh Long An mới tiến hành giám định mẫu máu thì lúc này đã không còn tác dụng. Nhiều dấu vân tay thu được ở hiện trường vụ án mạng thì cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An không xác định được là của những ai. Điều quan trọng là trong số những dấu vân tay đó không có dấu vân tay của nghi can Hồ Duy Hải. Song, CQĐT lại dựa vào lời khai của bị can (lời khai mâu thuẫn, lúc nhận tội lúc không nhận tội, khi thì hiếp dâm khi thì không) để khép tội giết người, cướp tài sản đối với Hồ Duy Hải.

'Kỳ án' bắt nguồn từ sự cẩu thả trong tố tụng - 1

Hiện trường vụ án năm 2008.

Tạo tiền lệ nguy hiểm

Không ít người từng làm công tác điều tra phá án cho rằng, không thể chấp nhận việc các điều tra viên trực tiếp phá án đã nhờ người ra chợ mua thớt, dao thay thế các hung khí gây án (đã tự ý hủy trái với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự) để buộc tội Hồ Duy Hải. Với một hồ sơ cực kỳ non về chứng cứ, nhiều tình tiết không rõ ràng, lời khai mâu thuẫn... ấy vậy mà cả hai tòa cấp sơ thẩm (TAND tỉnh Long An) và cấp phúc thẩm (Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP HCM) vẫn có thể phán tội và kết án tử hình đối với Hồ Duy Hải. Ngay sau khi Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP HCM tuyên y án sơ thẩm, tử hình Hồ Duy Hải, mẹ của bị án này đã bôn ba khắp các cơ quan từ Trung ương tới địa phương để kêu oan cho con.

Năm 2011, cả Viện trưởng Viện KSND tối cao (lúc đó) và Chánh án TAND tối cao (lúc đó) đều ra quyết định không kháng nghị vụ án này. Năm 2012, Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải. Tới năm 2014, Văn phòng Chủ tịch nước có văn bản truyền đạt ý kiến của Chủ tịch nước yêu cầu tạm dừng thi hành án tử hình Hồ Duy Hải và xem xét lại vụ án. Giữa năm 2019, Văn phòng Chủ tịch nước có văn bản truyền đạt ý kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị Viện trưởng Viện KSND tối cao xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, đảm bảo đúng pháp luật đối với vụ án này. Ngày 22/11/2019, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí ra Quyết định số 15, kháng nghị giám đốc thẩm vụ án tử tù Hồ Duy Hải, đề nghị hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại đảm bảo tính khách quan, chính xác của vụ án.

Sau 3 ngày xử giám đốc thẩm (6-8/5/2020), Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã ra phán quyết bác kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao. Lý do mà Hội đồng thẩm phán biểu quyết (bằng cách giơ tay) bác kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND Tối cao là kháng nghị trái pháp luật, không đúng thẩm quyền, đồng thời cho rằng những vi phạm tố tụng nghiêm trọng của các cơ quan tố tụng sơ thẩm, phúc thẩm chỉ là những “sai sót nhỏ” không làm thay đổi bản chất vụ án, do vậy không cần thiết hủy án điều tra lại. Đây là cách lập luận theo kiểu hình thức (Bộ luật Tố tụng hình sự) không ảnh hưởng tới nội dung (Bộ luật Hình sự). Song, nhiều luật sư cho rằng mặc dù chỉ là luật hình thức, nhưng nếu không tuân thủ một cách nghiêm ngặt quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự thì sẽ làm sai lệch hồ sơ vụ án, dẫn đến nhận định sai lầm và kết án oan, bỏ lọt tội phạm (tức là ảnh hưởng rất lớn tới luật nội dung).

Theo đó, việc Hội đồng thẩm phán tuyên bố những vi phạm tố tụng nghiêm trọng không làm thay đổi bản chất vụ án là tạo ra một tiền lệ vô cùng nguy hiểm trong hoạt động tố tụng ở những vụ án khác. Các cơ quan tố tụng từ điều tra đến truy tố, xét xử sẽ theo gương “án lệ” này để không cần phải tuân thủ các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, thích gì làm nấy, không cần chứng cứ rõ ràng cũng có thể kết tội bị can, bị cáo. Và tất nhiên nếu điều này xảy ra thì tỷ lệ án oan sẽ tăng lên, không ít tội phạm sẽ được nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Đó là lý do mà rất nhiều chuyên gia luật, luật sư, thậm chí là một số đại biểu Quốc hội đều nêu ý kiến không chấp nhận, phản đối gay gắt phán quyết giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, đề nghị Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao trong vụ án này.

Các cơ quan của Quốc hội vào cuộc

Không chỉ nhận được đơn của mẹ bị án tử tù Hồ Duy Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn nhận được văn bản của một số đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện KSND tối cao đề nghị cơ quan này thực hiện thẩm quyền (quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, sửa đổi năm 2017) xem xét lại vụ án này. Tại cuộc họp báo về Kỳ họp Quốc hội lần thứ 9 mới đây, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao cho các cơ quan chuyên môn xem xét, tham mưu đề xuất hướng xử lý đối với vụ án kéo dài tới mười mấy năm này. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyền xem xét lại quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao.

Không dừng lại ở việc kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào cuộc xem xét lại vụ án, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí cũng đã có văn bản báo cáo Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về vụ án Hồ Duy Hải. Trong buổi tiếp xúc cử tri TP HCM mới đây, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí cũng đã khẳng định bảo lưu quan điểm đề nghị Hội đồng thẩm phán hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm, điều tra lại từ đầu để đảm bảo không gây oan sai, không bỏ lọt tội phạm. Ông Trí khẳng định kháng nghị của Viện KSND tối cao là đúng thẩm quyền và đúng pháp luật, không như phán quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã tuyên hôm 8/5.

Trong báo cáo gửi Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Viện trưởng Viện KSND tối cao lập luận: Đây là vụ án giết người, cướp tài sản đặc biệt nghiêm trọng, bị cáo Hồ Duy Hải bị áp dụng mức hình phạt cao nhất là tử hình, nhưng chứng cứ buộc tội chủ yếu là lời khai của bị cáo và không có chứng cứ vật chất trực tiếp. Trong khi đó, lời khai của bị cáo không nhất quán và mâu thuẫn với nhau (lúc nhận tội, lúc không nhận tội) và mâu thuẫn với các tài liệu chứng cứ khác, nhiều tình tiết chưa được làm rõ và nhiều vi phạm tố tụng nghiêm trọng trong quá trình điều tra. Do vậy cần thiết phải hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại nhằm xác định Hồ Duy Hải có thực sự là hung thủ giết người, cướp tài sản hay không. “Viện trưởng Viện KSND tối cao chỉ kháng nghị hủy án điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật, chứ không khẳng định Hồ Duy Hải bị oan...” , ông Lê Minh Trí nhấn mạnh.

Lê Anh Đức