Cung đường không bình an

Thùy Trang 29/08/2020 07:07

Quốc lộ 26 là một trong những tuyến đường huyết mạch kết nối giữa các tỉnh Tây Nguyên với vùng, duyên hải Nam Trung bộ. Trên tuyến có nhiều đèo, dốc cao với những khúc cua tay áo, nên thường xảy ra tai nạn giao thông. Song, “nóng” trên cung đường này lại không phải là những vụ tai nạn giao thông...

Đèo Phượng Hoàng trên tuyến quốc lộ 26.

Tuyến quốc lộ 26 dài khoảng 150 km kết nối thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) với TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), cũng là con đường huyết mạch nối các tỉnh Tây Nguyên với vùng Duyên hải miền Trung. Tuy nhiên, do phải gánh chịu lượng phương tiện lớn, tuyến đường ngày càng xuống cấp, không đáp ứng đủ nhu cầu vận tải.

Việc đầu tư mở rộng, nâng cấp tuyến đường và hoàn thành dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm nâng cao năng lực thông hành, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng cao, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tăng thu ngân sách cho 2 tỉnh Đắk Lắk, Khánh Hòa nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.

Tuyến đường kết nối rừng với biển

Tuyến đường này đi qua một vùng đất rộng lớn, có nhiều tiềm năng lợi thế về rừng, khoáng sản, cây công nghiệp dài ngày; qua những vùng đất có lịch sử hình thành lâu đời, đời sống văn hóa đặc sắc, có nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh… thuận lợi trong phát triển nhiều loại hình dịch vụ du lịch. Trong các cuộc làm việc mới đây giữa lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk và các đoàn làm việc của Trung ương, địa phương này nhìn nhận quốc lộ 26 hiện nay là tuyến đường huyết mạch vô cùng quan trọng để kết nối rừng với biển.

Ngày 13/2/2015, Bộ GTVT đã có quyết định phê duyệt Dự án đầu tư làm mới đoạn qua thị xã Ninh Hòa và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 26 được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, nguồn vốn do chủ đầu tư huy động và vốn vay.

Theo đó, Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng 501 (CICO 501, trụ sở tại Đà Nẵng) được giao đầu tư dự án này, với tổng mức đầu hơn 806 tỉ đồng. Việc nâng cấp, mở rộng quốc lộ 26 và xây dựng một tuyến đường mới tránh qua trung tâm thị xã Ninh Hòa có ý nghĩa hết sức quan trọng. Dự án đưa vào khai thác sẽ xóa điểm nghẽn về giao thông, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân đi lại và giảm thiểu tai nạn giao thông trên tuyến; tăng khả năng vận hành, khai thác hiệu quả tối đa của tuyến quốc lộ. Đặc biệt, dự án hoàn thành sẽ thúc đẩy kết nối phát triển vùng kinh tế Tây Nguyên với Khánh Hòa và các tỉnh Nam Trung Bộ.

Đáng chú ý, tuyến quốc lộ này có nhiều đèo dốc, nhiều khúc cua gấp, nên thường xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông. Đặc biệt là đèo Ma Đrăk, đèo Phượng Hoàng làm nản lòng của nhiều tay lái. Hàng năm đã xảy ra hàng chục vụ tai nạn giao thông làm chết và bị thương nhiều người. Nhưng nguyên nhân chủ yếu không chỉ là đường hẹp, không có dải phân cách, mà trực tiếp được cho là lỗi phần lớn của tài xế: Chạy quá tốc độ, thiếu quan sát, lấn đường, tầm nhìn hạn chế nhưng các tài xế vẫn phóng nhanh, nên chỉ cần một sơ suất nhỏ hoặc có tình huống bất ngờ thì chắc chắn thảm cảnh sẽ xảy ra.

Trao đổi với chúng về tình hình tai nạn giao thông trên tuyến này, Trung tá Hồ Lưu Luyến, Phó Trạm trưởng Trạm Kiểm soát giao thông Ninh Hòa (khánh Hòa) cho biết, để giảm xuống mức thấp nhất về số vụ, số người chết và bị thương trên tuyến Quốc lộ 26, đơn vị đã tăng cường công tác tuần tra một cách liên tục.

Trạm thu phí Ninh Xuân.

“Sức nóng” đến từ đâu?

Tuy nhiên, “sức nóng” trên cung đường này không chỉ do có nhiều vụ tai nạn giao thông mà chính là từ khi Trạm thu phí Ninh Xuân chính thức được phép thu phí theo quyết định số 11668 của Bộ GTVT, ký ngày 5/12/2019, cho Công ty CP Đầu tư - xây dựng CICO 501.

Ngay từ ngày đầu thu phí người dân và những người tham gia giao thông trên tuyến quốc lộ này đã cực kỳ phản đối vì cho rằng vị trí đặt Trạm thu phí BOT Ninh Xuân không hợp lý. Tại sao một thị xã nhỏ như thị xã Ninh Hòa lại đặt 2 trạm thu phí cách nhau 12km. Hơn nữa việc thực hiện miễn, giảm tiền cho các phương tiện của người dân địa phương cũng chưa thực sự hợp lý từ đó dẫn đến nhiều vụ ẩu đả, kể cả việc một số đối tượng ngang nhiên xông vào nhà điều hành Trạm lăng mạ, xúc phạm, xô xát với nhân viên của Trạm.

Điển hình là vụ tối 24/8, khi Trạm đang tổ chức thu phí và ông Lê Ngọc Chánh (Ca trưởng) đang làm nhiệm vụ thì một người tên N.T.A. điều khiển xe máy tiến lại cự cãi. Sau đó, hai bên xảy ra xô xát. Thấy ông Chánh bị đánh, ông Lê Nguyên Phương (bảo vệ) đã tiến đến can ngăn. Một người là N.T.X. từ phía sau chạy tới và cùng với ông N.T.A. đánh tới tấp ông Chánh và ông Phương. Người tên N.T.A. đã dùng đá đập mạnh vào đầu ông Chánh và ông Phương, khiến cả hai trọng thương và gục tại chỗ, nhưng 2 đối tượng trên vẫn không buông tha, cả hai đã dùng chân giẫm đạp mạnh lên hai người rất nhiều lần. Sau đó, 2 nhân viên này được đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Đã đến lúc cần có một cuộc đối thoại thật sự để tìm ra tiếng nói chung giữa lãnh đạo Công ty 501, chính quyền địa phương và một số hộ dân ở đây. Không thể để một tuyến đường huyết mạch trở thành một cung đường bất an.

Giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam (đoạn Thanh Hóa): Khối lượng còn ít, nhưng rất khó khăn

Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Thanh Hóa đã đạt được hơn 90% khối lượng công việc, trở thành tỉnh đứng thứ hai trong cả nước có tốc độ GPMB nhanh nhất đối với dự án này. Tuy khối lượng công việc còn lại ít nhưng lại được xác định sẽ gặp nhiều khó khăn với những “nút thắt” cần tập trung nỗ lực tháo gỡ.

Được biết phần khối luợng GPMB còn lại được tỉnh Thanh Hóa xác định rất khó khăn, phức tạp (chủ yếu là đất ở và chờ thi công công trình hoàn trả). Trong đó, khó khăn nhất hiện nay là GPMB đoạn từ QL45 đi Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu, tập trung ở thị xã Nghi Sơn. Đây là địa phương có số lượng đơn thư khiếu nại dẫn đầu trong cả tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn Nghi Sơn đã GPMB, hỗ trợ tái định cư và chi trả tiền bồi thường được 565/848 hộ dân, đạt 66,55%.

Nói như ông Nguyễn Ngọc Bê, Chủ tịch UBND xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn thì Dự án đi qua địa bàn xã có tổng chiều dài hơn 4km, ảnh hưởng gần 500 hộ dân. Trong đó, có hơn 300 hộ dân ảnh hưởng đất ở, còn lại là đất nông nghiệp. Cái khó khăn lớn nhất trong công tác GPMB tại địa phương này là việc xác định nguồn gốc đất. Đặc biệt, đối với diện tích đất bán trái thẩm quyền (sau năm 1993, trước năm 2004) về thời điểm mua đất và giá thời điểm mua đất làm nghĩa vụ tài chính. Chính vì những lý do này khiến người dân chưa tìm được tiếng nói chung với chính quyền và làm đơn khiếu nại. Nguyễn Chung

Thùy Trang