Kiểm soát bội chi, nợ công hậu Covid-19

H.Vũ (thực hiện) 28/09/2020 08:20

Chính phủ đã chính thức gửi báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, kế hoạch năm 2021 sang Ủy ban Kinh tế của Quốc hội để thẩm tra trước khi được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10. Qua báo cáo cho thấy có tới 43/63 địa phương thu nội địa không hoàn thành dự toán.

Ông Trần Văn Lâm.

Ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã trao đổi với Đại Đoàn Kết về vấn đề này.

Theo ông Trần Văn Lâm, dưới tác động của dịch Covid-19, thu ngân sách năm 2020 sẽ gặp khó khăn trong điều kiện chúng ta đã quyết định miễn, hoãn, giãn thuế để hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN). Thu từ sản xuất kinh doanh không đủ nên việc hụt thu là đương nhiên. Dù hụt thu nhưng lại không được giảm chi vì đang phải chi để thực hiện chống dịch; hỗ trợ DN; hỗ trợ người lao động; rồi những đối tượng bị ảnh hưởng của dịch.

PV: Vậy theo ông, làm gì để kéo giảm bội chi, nợ công?

Ông Trần Văn Lâm: Theo tôi, trong ngắn hạn chúng ta phải chấp nhận một tỷ lệ bội chi và nợ công tăng lên. Vì phải chi để thực hiện chế độ chính sách, chi để hỗ trợ đẩy mạnh đầu tư công, kích cầu tạo việc làm, thúc đẩy phát triển. Chúng ta phải chấp nhận tăng bội chi, tăng nợ công nhưng cần đặt trong một tỷ lệ nhất định, nằm trong giới hạn cho phép.

Tôi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay phải tiết kiệm các khoản chi không cần thiết như chi thường xuyên; chi hoạt động hội nghị, khánh tiết; đi công tác nước ngoài.

Hiện nay kể cả dù có tiết kiệm song vẫn bị mất cân đối thu chi, có lẽ bài toán đặt ra là cho phép tỷ lệ bội chi, nợ công tăng lên ở mức nào để chấp nhận được là bài toán cần phải giải. Nó phụ thuộc vào tình hình của dịch bệnh tác động với thế giới và Việt Nam. Tỷ lệ tăng bội chi, nợ công cũng phải kéo chậm lại theo nhịp độ của dịch bệnh.

Bội chi sẽ khiến nợ công tăng cao, vậy cần kịch bản gì để nợ công không vượt trần, thưa ông?

- Quan điểm của tôi là dù bội chi, tăng nợ công song vẫn phải bảo đảm được ổn định kinh tế vĩ mô, đó là cái tối thượng. Không thể để mất ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là vĩ mô về tài chính, tiền tệ. Không để lạm phát gia tăng, nợ công vượt “vô tội vạ”.

Đẩy mạnh chi tiêu có thể đẩy tiền qua kênh tín dụng ngân hàng, hoặc kênh đầu tư. Đây là 2 kênh chính để đưa tiền ra lưu thông. Nhưng 2 kênh này nếu nới lỏng quá sẽ tiềm ẩn nợ xấu của ngân hàng và các dự án kém hiệu quả. Các dự án như Vinashin, Vinaline trong giai đoạn trước do chúng ta nới lỏng tiền tệ, thúc đẩy đầu tư công.

Các dự án làm ồ ạt để tăng đầu tư, tăng tốc độ tăng trưởng nhưng khi nới lỏng quá dẫn đến không quản lý được, hệ quả sẽ nảy sinh và như vậy gây bất ổn vĩ mô. Một loạt hệ lụy trầm trọng kéo dài khiến chúng ta phải giải quyết rất vất vả trong thời gian vừa rồi. Nhờ tích cực giải quyết nên trong 2-3 năm qua, kinh tế vĩ mô dần dần đi vào thế ổn định. Bây giờ trước tác động của tình hình dịch bệnh, chúng ta cần nới nhưng nới ra sao để vẫn giữ ổn định kinh tế vĩ mô chứ không thể nợ xấu gia tăng, các dự án kém hiệu quả nở rộ, đầu tư công tràn lan như giai đoạn trước đây.

Thưa ông, điều đó có nghĩa là các chính sách điều hành, hỗ trợ cần trúng đối tượng thì mới tạo nên được sức bật trong sản xuất?

- Các chính sách đưa ra còn phụ thuộc vào các chính sách hỗ trợ có đến đúng đối tượng hay không? Có được thực hiện một cách nghiêm túc, kịp thời hay không? Việc đẩy mạnh đầu tư công, lựa chọn dự án sao cho hiệu quả như thế nào? chất lượng công trình dự án ra sao? Đẩy nhanh nhưng không được làm giảm chất lượng dự án.

Các gói tín dụng được “bơm” ra thì “bơm” như thế nào để đến đúng đối tượng doanh nghiệp, hỗ trợ đúng nguồn lực chứ không phải bơm ra để nó lại chảy vào đất đai, chứng khoán, hay thậm chí chảy vào vàng làm tăng các hoạt động đầu cơ, “bong bóng” ở một số lĩnh vực. Như vậy nó lại tạo ra hệ lụy lâu dài.

Trong điều kiện hiện nay cần nới lỏng chính sách tiền tệ. Tăng bội chi, tăng nợ công là điều hiển nhiên trong bối cảnh thu ngân sách “co lại” còn chi ngân sách lại “phình ra”.

Nhưng tôi cho rằng có “phình ra” mới tạo thế để tăng trưởng phát triển sau dịch, nghĩa là hậu Covid-19. Nếu hậu Covid-19 mà chúng ta thắt chặt quá, doanh nghiệp sẽ chết hết, đổ bể hết các dự án. Lúc đó kinh tế lại đi vào trì trệ, kéo dài sau thời hậu Covid-19 thì còn nguy hiểm hơn.

Chúng ta vẫn phải chấp nhận gia tăng nợ công, gia tăng bội chi nhưng có điều cần xác định ở mức nào là hợp lý để phù hợp với điều kiện, diễn biến của tình hình dịch bệnh, và phù hợp với năng lực chịu đựng của nền kinh tế. Muốn vậy phải giám sát thực thi các chính sách hỗ trợ thực sự chặt chẽ, đúng đối tượng và hiệu quả. Không để vì vấn đề này mà nảy sinh những phức tạp, hệ lụy về sau.

Như vậy cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính của các bộ, ngành địa phương gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, thưa ông?

- Đây đúng là vấn đề kỷ luật, kỷ cương tài chính. Để thắt chặt chi tiêu, thời gian qua đã có nhiều chính sách, nhưng các đối tượng sử dụng ngân sách bao giờ cũng có xu hướng đòi tăng chi. Những cơ quan điều hành ngân sách như: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải siết chặt trong quản lý. Chúng ta đã có những luật quy định về trần nợ công, không để chi vượt, phân bổ ngân sách hàng năm cũng đều có kế hoạch.

Cho nên vấn đề quan trọng chính là thực hiện, thực thi kỷ cương, kỷ luật tài chính ngân sách. Trong kế hoạch 5 năm có thu bao nhiêu, chi bao nhiêu, chia ra từng năm với các chương trình dự án. Vì vậy vấn đề bây giờ nằm ở kỷ luật, kỷ cương, không thể làm sai luật, sai quy định. Trước kia sai luật có thể du di, điều chỉnh, chấp nhận hậu quả, xử lý theo kiểu “việc đã rồi” nhưng bây giờ kỷ luật, kỷ cương tài chính phải nghiêm.

Không thể để cứ điều chỉnh theo ý chủ quan của một số bộ, ngành. Không thể chấp nhận một số sai phạm rồi xử kiểu “chuyện đã rồi”, mà phải kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh. Mấy năm qua kỷ luật kỷ cương tài chính được siết chặt cho nên nợ công và bội chi đang từ sát trần đã được kéo giãn ra.

Trong bối cảnh này do ảnh hưởng của dịch nó sẽ tăng lên, đó là cái chúng ta phải chấp nhận nhưng có điều kiểm soát nó để nó nằm trong kế hoạch, nằm trong dự kiến, chứ không phải bội chi, nợ công tăng một cách “vô tội vạ”, không kiểm soát.

Trân trọng cảm ơn ông!

H.Vũ (thực hiện)