Đoạn trường nhà ở xã hội

Nguyên Khánh 18/10/2020 09:19

Nhu cầu có một căn nhà của người thu nhập thấp luôn ở mức cao. Nguồn cung về nhà ở xã hội cũng không nhỏ. Thế nhưng có một nghịch lý đã và đang xảy ra đó là nhà giá rẻ là để dành cho người thu nhập thấp nhưng chưa chắc đúng đối tượng. Hơn nữa có thực trạng giá nhà vẫn ở mức cao vì vậy, ước mơ của người thu nhập thấp về một nơi an cư không hề dễ.

Nhà ở xã hội Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội. Ảnh: Quang Vinh.

Vẫn giao nhà nhầm đối tượng

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến tháng 1/2020 cả nước đã hoàn thành 207 dự án nhà ở xã hội (NOXH), quy mô xây dựng khoảng hơn 85.810 căn, với tổng diện tích hơn 4.290.500 m2. Chúng ta cũng đang tiếp tục triển khai 220 dự án với quy mô xây dựng khoảng 179.640 căn nhà cho người thu nhập thấp. Riêng trong năm 2019, đã hoàn thành 9 dự án NOXH, quy mô khoảng 4.110 căn hộ. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng đánh giá, kết quả trên chưa đạt yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Vậy thì vì lẽ gì mà chủ trương tốt đẹp đó là làm nhà cho người có thu nhập thấp lại khó khăn chật vật để hoàn thành mục tiêu của mình đến vậy? Có rất nhiều lý do được đưa ra: Thứ nhất, dù là nhà dành để ưu tiên cho những người có thu nhập thấp nhưng thực tế thì rất nhiều chủ nhà của những căn nhà này không thuộc diện được ưu tiên.

Cụ thể, chuyện những khu NOXH chật cứng các loại ô-tô, trong đó có cả những chiếc xe tiền tỷ đã được dư luận biết đến từ lâu, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng. Đầu năm 2020, khi Thanh tra TP Ðà Nẵng công bố kết quả thanh tra dự án NOXH An Trung 2, thì phát hiện ra trong một dự án có 324 căn hộ, có đến 80 căn hộ (chiếm gần 25% tổng số căn) được bàn giao... “nhầm” chủ. Trong đó, có tới 40 căn hộ có chủ sở hữu thuộc diện phải đóng thuế thu nhập - vốn là đối tượng không được phép mua NOXH.

Lý do thứ 2 cũng rất quan trọng khiến người nghèo không tiếp cận được NOXH chính là giá loại nhà này vẫn neo ở mức khá cao. Gần đây nhất, Sở Xây dựng Hà Nội vừa thông báo tiếp nhận hồ sơ mua nhà tại nhiều loạt dự án NOXH trên địa bàn. Đây là tin vui với nhiều người thu nhập thấp có nhu cầu về nhà ở, nhưng khi nhìn vào mức giá dự kiến, nhiều người không khỏi giật mình.

Cụ thể, tại dự án nhà ở xã hội Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), mức giá dự kiến đưa ra lên tới 19,5 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm phí bảo trì). Đây là mức giá cao nhất với các dự án NOXH trên địa bàn Thủ đô, thậm chí còn cao hơn giá nhà ở thương mại ở nhiều khu vực tương đương.

Còn tại dự án nhà ở xã hội IEC Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì, Hà Nội) do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Cơ điện IEC làm chủ đầu tư, dù có mức giá thấp hơn, nhưng cũng lên tới 16 triệu đồng/m2 (đã bao gồm VAT và phí bảo trì)… Giá NOXH mà ở mức cao như vậy rất không phù hợp với người có thu nhập thấp.

Lý giải tình trạng giá NOXH tăng cao, ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng, sở dĩ có chuyện giá NOXH có những nơi cao hơn nhà ở thương mại là do thị trường bất động sản cạnh tranh khốc liệt, nhiều dự án thương mại giảm giá, chấp nhận không có lãi, thậm chí lỗ. Trong khi đó, nhiều dự án NOXH vẫn cứng nhắc tính toán mức lợi nhuận ở mức 10%, chưa thích nghi với biến động của thị trường. Một điểm nữa là do nguồn cung NOXH không có, dẫn đến các dự án bị đẩy giá. Trong khi đó, “số lượng người có nhu cầu mua NOXH rất lớn, mà nguồn cung nhà xã hội, nhà giá thấp lại rất hạn chế, khiến giá bị đẩy lên” - theo ông Cường.

Vì đâu nên nỗi?

Thực tế để có được một suất nhà thu nhập thấp, người có nhu cầu thật sự phải vượt qua những “nỗi đoạn trường”. Trước hết, để tiếp cận được nhà thu nhập thấp rất khó, thủ tục xác nhận hầu như không ai xác nhận cho. Chị Nguyễn Kim Hoàn, quận Tây Hồ, một người dân thuộc đối tượng được mua nhà giá rẻ cho biết, đầu tiên phải được xác nhận để ngân hàng cho vay.

“Theo Nghị định 100/2015, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp khi mua NOXH phải có giấy xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi đang làm việc về đối tượng và thực trạng nhà ở. Người sử dụng lao động dĩ nhiên không sẵn sàng xác nhận một thứ mà không rõ, để rồi nhận lấy rủi ro. Chính điều đó làm cho người đi xin xác nhận gặp khó” - chị Hoàn nói.

Một vấn đề nữa là để “chạm” được tới quyền bốc thăm nhà xã hội, người dân phải đi qua nhiều “cửa ải” xin xác nhận đủ loại giấy tờ”. Thế nên muốn được một suất này cũng mất không ít thời gian.

Không chỉ tốn thời gian mà thậm chí là tiền bạc. Chia sẻ về hành trình mua NOXH, nhiều người còn cho biết: Do lượng hồ sơ đăng ký mua lớn, nên việc bốc thăm để được quyền mua căn hộ đã khó, nhưng khi bốc trúng căn có thể lại không đúng nguyện vọng. Bởi vậy, họ chấp nhận mua qua các sàn giao dịch bất động sản với giá chênh cả trăm triệu đồng để đảm bảo được “combo” chọn căn, chọn tầng, chọn hướng và biết chính xác căn hộ mình được mua.

Khi phóng viên liên hệ với một số sàn bất động sản với vai trò khách mua nhà tại dự án nhà ở xã hội IEC tại phân khu đô thị S5, xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, ngay lập tức chúng tôi được nhân viên tại đây tiếp cận, mời chào mua căn hộ và sẵn sàng đưa ra bảng hàng, với đủ loại diện tích và tư vấn tận tình.

Theo đó, nếu khách hàng đăng ký mua theo kênh của họ sẽ được hướng dẫn và trợ giúp hoàn thiện hồ sơ, thủ tục với chủ đầu tư thông qua một bản “hợp đồng tư vấn nhà đất”.

“Chị nên mua nhà qua chúng em, chị mất chút tiền để xử lý hồ sơ, tư vấn hồ sơ chuẩn… thì có quyền được mua luôn và quyền chọn căn còn lại trong bảng hàng, không phải bốc thăm. Tiền vênh rơi vào tầm từ 80 đến hơn 100 triệu đồng”, một môi giới bất động sản mời gọi như vậy. Như vậy, ngoài trùng trùng điệp điệp những khó khăn, muốn có suất NOXH người thu nhập thấp phải bỏ một khoản chi phí không chính thức này cho “cò”.

Tránh tình trạng người giàu “tranh” chỗ người nghèo

Khó khăn chồng chất khó khăn để có một nơi an cư, vậy làm sao để NOXH đến với người thu nhập thấp, trước hết nguồn cung phải dồi dào, điều đó rất cần những chính sách cụ thể kéo những doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội đầu tư vào đây. Muốn kéo nhà đầu tư vào đây thì phải có chính sách cụ thể.

Theo ông Nguyễn Thế Điệp, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Reenco Sông Hồng, hiện doanh nghiệp không mặn mà đầu tư cho NOXH vì mắc ở vốn. Cho nên, nhà nước cần các chính sách ưu đãi để kéo doanh nghiệp vào khu vực này tiếp tục xây nhà cho người thu nhập thấp.

Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho hay, việc phát triển NOXH gặp khó không chỉ do thiếu vốn, thiếu các chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, mà nguyên nhân quan trọng là do thiếu quỹ đất. Theo quy định, các dự án nhà ở thương mại có diện tích trên 10ha phải dành 20% tổng diện tích đất để xây dựng loại nhà này. Vậy nhưng một số địa phương không phê duyệt quy hoạch hoặc các doanh nghiệp “né” nghĩa vụ này khiến nguồn cung NOXH khan hiếm. Thế nên, phải gỡ về chính sách để nguồn cung này nhiều hơn thì người nghèo mới có cơ hội có nhà.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần giám sát chặt chẽ để loại nhà này đến đúng đối tượng, tránh tình trạng người giàu “tranh” chỗ ở của người nghèo. Bên cạnh đó, cần có cái nhìn mới về xây dựng, quản lý NOXH. Thực tế, nhiều nước không bán đứt, mà xây dựng một quỹ NOXH cho người thu nhập thấp thuê. Ðến khi họ không còn là người thu nhập thấp, thì phải trả lại “suất” thuê nhà cho người nghèo hơn. Cách làm này bảo đảm sự công bằng và góp phần giúp nhiều người có thể tiếp cận NOXH một cách hiệu quả hơn.

Bộ Xây dựng đang xây dựng cơ chế phát triển nhà ở thương mại giá thấp. Nếu được Chính phủ chấp thuận, cơ chế chính sách này sẽ giúp mở rộng cơ hội tiếp cận nhà ở cho người nghèo, thu nhập thấp tại đô thị. Cụ thể, dự thảo đưa ra cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở thương mại giá thấp: Căn hộ dưới 70 m2, giá bán trên dưới 20 triệu đồng/m2… Như vậy, mỗi căn hội 50 – 60 m2 chỉ khoảng trên dưới 1 tỉ đồng/căn; hoặc căn 70 m2 chỉ tối đa khoảng 1,4 tỉ đồng/căn... Nếu được Chính phủ ban hành cơ chế này thì sẽ mở ra cơ hội tiếp cận nhà cho người nghèo, thu nhập thấp ở đô thị.

Nguyên Khánh