Mạng người trong vùng đất nhiều ẩn họa

Nam Việt 30/10/2020 07:30

Chỉ trong tháng 10 này, miền Trung đã xảy ra 4 vụ sạt lở đất. Đều là những vụ sạt lở kinh hoàng, thảm khốc.

Thảm họa sạt lở đất ở Quảng Nam tiếp tục gây đau thương.

Vụ thứ nhất xảy ra vào tối 13/10, tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế, vụ thủy điện Rào Trăng 3 làm 17 người chết, mất tích. Đến nay vẫn phải tiếp tục tìm kiếm thi thể nạn nhân. Vụ thứ hai xảy ra vào rạng sáng ngày 18/10, vụ Hướng Phùng (Hướng Hóa, Quảng Trị), 22 cán bộ, chiến sĩ bị vùi lấp. Trước đó, tối ngày 17/10 cũng tại tại Quảng Trị, vụ sạt lở thứ 3, xảy ra ở thôn Tà Rùng, xã Húc. Đất đá vùi lấp 6 người trong một gia đình. Và mới đây, vụ thứ 4, chiều 28/10, tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Do hoàn lưu bão số 9, mưa lũ lớn đã làm sạt đất tại xã Trà Leng và xã Trà Vân làm vùi lấp, mất tích 53 người dân địa phương. Trong đó có 45 người ở thôn 1, xã Trà Leng và 8 người ở thôn 1 xã Trà Vân.

Cũng như những vụ sạt lở trước đó, công tác cứu hộ cứu nạn, tìm kiếm thi thể nạn nhân gặp rất nhiều khó khăn do địa hình phức tạp, thời tiết bất lợi.

Đau thương dồn đau thương. Những cơn mưa bão, lũ lụt liên tiếp giáng xuống miền Trung, suốt từ Nghệ An vào tới Phú Yên chỉ trong vòng 1 tháng. Tây Nguyên cũng phải chịu đựng nhiều mất mát trong đợt mưa lũ kéo dài này.

Người ta nói rằng, đó là sự cuồng nộ của thiên nhiên, và chỉ ra nhiều nguyên nhân. Đặc biệt, với những vụ sạt lở đất ở miền núi thì ngoài nguyên nhân do thiên tai thì còn là việc phá rừng quá dữ dội thời gian qua cũng như dày đặc các công trình thủy điện nhỏ.

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 5 năm gần đây, cả nước đã xảy ra 250 đợt lũ quét, sạt lở đất ảnh hưởng tới các vùng dân cư, làm chết và mất tích 779 người, bị thương 426 người, thiệt hại kinh tế ước tính hàng nghìn tỷ đồng (chưa tính những vụ sạt lở trong tháng 10 năm nay). Bên cạnh các yếu tố tự nhiên, thì yếu tố con người cũng có phần tác động đến tiến trình làm mất cân bằng tự nhiên, dẫn đến sạt lở đất đá; gây ra lũ quét, lũ ống.

Đáng chú ý, khi diện tích rừng nguyên sinh bị thu hẹp thì khả năng giữ nước bị thay đổi, trong khi đó taluy vách đồi, núi được xẻ cao làm mất thế cân bằng ổn định của mái dốc được tạo ra qua hàng triệu năm… Điều đó tác động trực tiếp đến việc chuyển dịch các khối đất, đá dẫn đến hiện tượng sạt lở đất.

Theo Bộ NNPTNT, để thực hiện 1 dự án thủy điện thì phải đốn hạ 125 hec-ta rừng. Tính riêng 4 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên là Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, Kon Tum và Đắk Nông mà có gần 150 dự án thủy điện lớn, nhỏ thì mới thấy đất rừng sẽ bị yếu đến mức nào.

Từ những vụ sạt lở tại miền Trung, lại nhớ đến ý kiến của PGS.TS Đào Trọng Tứ (Trung tâm Bảo tồn Tài nguyên nước và Thích nghi với biến đổi Khí hậu, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam) khi ông cho rằng cần khẩn cấp điều tra khảo sát địa chất tại các tỉnh miền Trung phối hợp với các địa phương này tổ chức công bố bản đồ hoặc đưa ra các địa điểm cảnh báo nguy cơ sạt lở.

Trên thực tế, vùng núi miền Trung, Tây Nguyên đã trở thành khu vực hiểm họa về sạt lở đất, lũ lụt. Người dân luôn sống trong âu lo. Liên tiếp 4 vụ sạt lở thảm khốc tại khu vực này phải được xem là lời cảnh báo nghiêm khắc, buộc phải có những phương án khẩn cấp.

Không thể mãi ngồi đợi khi tai họa xảy ra mới tìm cách khắc phục, mà phải chủ động lo cho dân. Đây là vùng nghèo, người dân chịu nhiều thiệt thòi vì thế lại càng cần phải được chú ý hơn, ưu tiên hơn. Chỉ có như vậy mới hạn chế được những vụ tai nạn đau lòng trong mùa mưa lũ. Nhưng, ưu tiên gì? Tất nhiên là trên nhiều mặt, nhưng trước hết là ưu tiên cấp đất cho bà con dựng nhà tránh xa nơi nguy hiểm có thể sạt lở. Đó là điều bà con mong mỏi nhất và cũng thiết thực nhất.

Với bão số 9, trước đó được dự báo là siêu bão với gió giật có thể tới cấp 17. Công tác ứng phó được đẩy mạnh, trong đó có việc di dân. Nhưng di dân chủ yếu là ở vùng ven biển, vùng trũng có thể bị ngập lụt. Cho đến chiều tối ngày 28/10, sau khi vào đất liền bão đã chuyển thành áp thấp đã xuất hiện sự chủ quan khi xuất hiện một số nhận định cho rằng thiệt hại ít do công tác phòng chống làm tốt. Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, thảm họa sạt lở đất khủng khiếp ở huyện miền núi Nam Trà My của tỉnh Quảng Nam đã ập đến. Không thể nào chủ quan, càng không thể yên tâm khi bão tan vì kéo theo sau đó lại là biết bao tai họa khác.

Miền Trung phải gánh chịu quá nhiều mất mát đau thương chỉ trong vòng một tháng. Đó là việc rất đau lòng. Những người còn sống đang tha thiết mong mỏi được an toàn, để sống.

Nam Việt