Nợ thuế, trốn thuế ngày càng phức tạp

H.Hương 31/10/2020 10:00

Nợ thuế tiếp tục gia tăng. Nhiều vụ vi phạm pháp luật bị kiểm toán chuyển cơ quan công an điều tra liên quan đến trốn thuế. Tất cả đang cho thấy vấn nạn nợ thuế, trốn thuế ngày càng phức tạp, khó lường.

Doanh nghiệp làm thủ tục nộp thuế.

Cứ thanh tra là ra lỗi thuế

9 tháng đầu năm 2020 Kiểm toán Nhà nước đã chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật đối với 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán.

Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển hồ sơ đến Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (C03) của Bộ Công an về hành vi trốn thuế thu nhập cá nhân của ông Nguyễn Tài - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ kho vận PTL và hành vi có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế của Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu tại Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Chuyển hồ sơ cho Công an thành phố Đà Nẵng vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc quản lý, sử dụng 2.375m2 đất tại phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng của doanh nghiệp Đa Phước để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Kiểm toán Nhà nước cũng gửi hồ sơ cho Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Bình Phước để điều tra hành vi, vi phạm trong quản lý và sử dụng hóa đơn của Công ty TNHH MTV Cao su Bảo Long và Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Thành Phước.

Có thể nói vấn nạn trốn thuế ngày càng phức tạp và tăng theo thời gian. Tổng hợp kết quả từ Tổng cục Thuế cũng cho thấy, qua thanh kiểm tra xác định số tiền phải nộp ngân sách nhà nước tăng mạnh mỗi năm.

Trong khi đó, số liệu từ Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế (Tổng cục Thuế) cũng cho biết tính đến cuối tháng 9/2020, tổng nợ thuế do ngành Thuế quản lý chiếm khoảng 8,5% tổng số thu nội địa.

Trong đó, số nợ thuế không còn khả năng thu hồi (của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh) chiếm 44% tổng số tiền thuế nợ (46.477 tỷ đồng), tăng 11,1% so với so với cùng kỳ năm 2019.

Nợ thuế gia tăng, với khả năng thu hồi được thấp cùng với trốn thuế, gian lận thuế cũng gia tăng đặt ra câu hỏi rằng: Điều này có phản ánh năng lực quản lý thuế chưa hiệu quả và trách nhiệm tuân thủ pháp luật về thuế của người nộp thuế còn thấp.

Doanh nghiệp sử dụng đủ chiêu trò

Thừa nhận rằng, thời gian qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều doanh nghiệp chưa cân đối được dòng tiền để đóng thuế. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn dẫn đến việc ảnh hưởng nguồn thu. Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp lợi dụng dịch bệnh và các kẽ hở của luật pháp để áp dụng thủ thuật chuyển giá, chuyển lãi thành lỗ để trốn, tránh thuế ngày càng tinh vi và nó tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Đại diện Tổng cục Thuế nhấn mạnh trong những tháng cuối năm 2020, dịch Covid-19 còn có nguy cơ quay trở lại, thiên tai lũ lụt ở các tỉnh miền Trung sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại phải giải thể, phá sản, không còn nguồn tài chính để nộp thuế cho ngân sách. Do đó công tác thu ngân sách, cũng như quản lý thu nói chung và thu nợ thuế nói riêng sẽ gặp nhiều khó khăn.

Đối với những người nộp thuế bị thiệt hại nặng nề bởi dịch bệnh, thiên tai, lũ lụt, cơ quan thuế cần hướng dẫn để người nộp thuế sắp xếp dòng tiền, phân kỳ, nộp dần tiền nợ thuế góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh. Đối với những người nộp thuế không bị thiệt hại bởi dịch bệnh, nhưng cố tình chây ỳ, nợ thuế, không thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước, cơ quan Thuế sẽ thực hiện nghiêm minh các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ; công khai thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế như: Bỏ trốn, tẩu tán tài sản nhằm chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước, cơ quan Thuế sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan công an để điều tra, xử lý nghiêm.

H.Hương