Đá lát hè ‘thọ yểu’

Tinh Anh 19/11/2020 13:30

Đang yên đang lành, vỉa hè nhiều tuyến phố đang rất tốt thì TP Hà Nội nổi hứng đào xới tung lên để lát đá cho đẹp, cho bền. Theo quảng cáo, vật liệu lát vỉa hè là “đá tự nhiên” có độ bền tới 70 năm, nhưng chỉ sau hai năm nhiều viên vỡ vụn.

Người Hà Nội không khỏi đau lòng, xót ruột trước thực trạng nhiều tuyến phố lát “đá tự nhiên” với độ bền 70 năm, chỉ sau một đến hai năm đã bị hư hỏng. Nhiều đoạn phố bị bong tróc, đá lát vỉa hè vỡ ra như chiếc bánh đa nướng giòn bị ai đó đập mạnh một cái.

Tất nhiên rồi, bởi của đau con xót. Vẫn biết đây là tiền ngân sách chứ không phải là tiền túi của một ai đó cụ thể cả, nhưng làm sao có thể không buốt ruột khi “ném tiền qua cửa sổ”?

Trước thực trạng trên, người ta bắt đầu “nghĩ” ra đủ thứ lý do để giải thích. Chẳng hạn như chất lượng đá đúng là có thể thọ ngang với một người tuổi thất thập cổ lai hy, chỉ là do kết cấu nền không chắc chắn, thiếu ổn định nên mới dẫn đến việc bị bong tróc và vỡ vụn như vậy.

Song, dù có giải thích thế nào thì cũng chỉ là lời của một phía, lấy gì để đảm bảo vật liệu lát vỉa hè đúng là “đá tự nhiên” có độ bền tới 70 năm?

Cũng chẳng ai có thể khẳng định nguyên nhân vỡ nát vỉa hè đá vừa lát ở một số tuyến phố là do kết cấu nền thiếu ổn định và không chắc chắn. Ngay cả khi vỉa hè lát đá vừa thi công xong được 1-2 năm bị bong tróc, vỡ nát do kết cấu nền yếu, thì đó cũng là trách nhiệm của các đơn vị khảo sát, thi công.

Vì thế, các cơ quan từ quản lý nhà nước, chủ đầu tư, khảo sát, đến thi công, giám sát công trình... đều không thể chối bỏ trách nhiệm.

Trước đó, vào năm 2017, các cơ quan truyền thông cũng đã tốn khá nhiều giấy mực để phản ánh hiện trạng nhiều tuyến phố thi công lát “đá tự nhiên” chỉ sau 1-2 năm đã bong tróc, vỡ nát. Song, đó lại không phải là “bài học đắt giá” cho các cơ quan chức năng của TP Hà Nội.

Không ai bị làm sao cả nên chẳng có lý do gì để người ta phải “rút kinh nghiệm sâu sắc”. Đó là lý do khi tiếp tục triển khai lát đá vỉa hè, nhiều tuyến phố lại bị hư hỏng.

Việc vỉa hè lát đá của Thủ đô chỉ sau 1-2 năm đưa vào sử dụng đã vỡ nát, không được “trường tồn với thời gian” tới 70 năm như quảng cáo đã là sự lãng phí ngân sách lớn.

Song, lãng phí là gấp đôi, thậm chí gấp ba, khi mà vỉa hè nhiều tuyến phố đang rất tốt, phẳng lì, bỗng bị đào lên vứt hết gạch lát cũ còn tốt nguyên, để thay bằng vật liệu “đá tự nhiên”. Đẹp hơn, bền hơn chưa thấy đâu, chỉ sau một thời gian vỉa hè trở nên “ghẻ lở” rất khó coi.

Công tâm mà nói, việc vỉa hè bong tróc và vỡ nát cũng không hẳn chỉ do hàng loạt nguyên nhân chủ quan của con người từ các cơ quan quản lý nhà nước, nhà thầu xây dựng, tư vấn giám sát...

Cũng có thể một phần nguyên nhân khách quan từ tự nhiên, như việc rễ cây cổ thụ làm đội vỉa hè lên dẫn đến bong tróc và vỡ nát đá. Song, 1-2 không phải là khoảng thời gian đủ lâu để rễ cây cổ thụ có thể phát triển tới mức đội vỉa hè lát đá của Thủ đô.

Theo phân tích của chuyên gia về giao thông, việc vỉa hè lát đá của TP Hà Nội chỉ đưa vào sử dụng có 1-2 năm đã vỡ có rất nhiều nguyên nhân. Ngoài nguyên nhân chất lượng đá lát không được đảm bảo, còn có các nguyên nhân khác như xử lý nền không tốt, sụt lún nền do các công trình ngầm như viễn thông, điện lực... Rất nhiều “thủ phạm” làm cho những viên đá tuổi thọ 70 năm bị vỡ nát, nhưng tựu trung đều do chủ quan của con người.

Đã là lý do chủ quan của con người, tại sao sau khi một số tuyến phố bị bong tróc, vỡ nát đá lát vỉa hè cách đây 3 năm, người ta lại không thể khắc phục được những “lỗi” tương tự khi tiếp tục triển khai dự án này trong các năm 2019, 2020?

Đơn giản là thiếu sự công khai minh bạch về thông tin, quan trọng hơn là chưa có sự giám sát của người dân và cộng đồng xã hội. Thiếu giám sát, không có chế tài, làm sao có thể “tự nguyện” sửa lỗi?

Dù báo chí cũng đã phản ánh khá nhiều về chất lượng kém của những tuyến phố đang được đào xới lên để lát đá, nhưng cũng chưa có cơ quan chức năng nào vào cuộc giám sát, kiểm tra để đưa ra câu trả lời cho người dân Thủ đô.

Vì thế, dư luận có quyền nghi ngờ về việc có hay không sự nhấm nháy, tiêu cực, thông đồng để đưa các loại vật liệu đá kém chất lượng vào sử dụng lát vỉa hè, bớt xen nguyên vật liệu, các công đoạn xử lý nền...

Chưa cần biết việc đá lát vỉa hè “thọ yểu” có tiêu cực, tham ô, tham nhũng hay không. Chỉ riêng chuyện mới đưa vào sử dụng 1-2 năm đã hư hỏng, gây lãng phí rất lớn ngân sách cũng đã là lý do cần thiết và chính đáng để các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, làm rõ. Thi công thiếu kiểm tra, giám sát, hư hỏng không có chế tài, lại không cơ quan nào vào cuộc xác minh thì liệu có tránh được thất thoát, lãng phí ngân sách trong thời gian tới?

Tinh Anh