Ô nhiễm không khí: Vẫn khó kiểm soát

Thành Luân 25/11/2020 06:57

Là một trong hai đô thị chịu ảnh hưởng nhiều nhất của ô nhiễm không khí (ONKK), TP HCM đang phải đối mặt với các thách thức về chất lượng sống ở đô thị, nhất là quá trình xả thải liên tục từ các phương tiện cơ giới, nhà máy, cơ sở sản xuất ra ngoài môi trường; hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm bụi và sự gia tăng của tia UV gây hại ở mức độ cao…    

Những ngày qua, ô nhiễm không khí tại TP HCM gia tang. Ảnh: Hồng Phúc.

Thiếu cơ chế kiểm soát

Các khảo sát, nghiên cứu về chất lượng không khí trong 10 năm gần đây đã chỉ ra “thủ phạm” gây ra 50% ONKK ở TPHCM đến từ các hoạt động giao thông; 30% đến từ hoạt động nấu ăn của các hộ gia đình và 20% còn lại đến từ sản xuất công nghiệp.

Nghiên cứu của PGS.TS Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ONKK, thuộc Viện Môi trường và Tài nguyên TPHCM từng chỉ ra ba nguồn phát thải lớn làm ô nhiễm không khí tại thành phố này, trong đó nguyên nhân chính từ hoạt động quá đà của con người vào môi trường.

Theo chuyên gia này, nguồn thải từ dân sinh hiện nay, bao gồm hoạt động nấu ăn, các quán ăn, nhà hàng sử dụng năng lượng hóa thạch nấu nướng đang gây ra những tác hại đáng lo ngại. Kế đến là nguồn thải từ các phương tiện giao thông, với chỉ riêng TP HCM đã có khoảng 8 triệu xe các loại, bến cảng, đường sắt… hoạt động ngày đêm.

Việc kiểm soát ONKK vẫn là vấn đề hóc búa với chính quyền đô thị TP HCM. Theo các chuyên gia đánh giá, sản xuất công nghiệp là một trong những ngành đóng góp rất lớn vào kinh tế - xã hội của TP HCM, nhưng việc kiểm soát các khí thải ONKK từ ngành kinh tế mũi nhọn này lại chưa được chặt chẽ, từ luật định cho tới thực thi các biện pháp tạm thời.

ONKK từ sản xuất của ngành công nghiệp cũng đang gây ra các mức độ đỏ và tím về chỉ số chất lượng không khí thiếu an toàn gia tăng hơn. Có thời điểm ô nhiễm bụi mịn PM2,5 tăng trong ozon, gây suy giảm hệ hô hấp và ảnh hưởng trực tiếp đến các bệnh về tim mạch.

Kết quả khảo sát từ Trung tâm Quan trắc và phân tích môi trường (thuộc Sở TNMT TPHCM) cũng cảnh báo các lo ngại trong số liệu quan trắc khu vực trạm An Sương vượt mức quy chuẩn cho phép (100 μg/m3) và cao hơn từ 5-9 lần ở nhiều thời điểm...

Ô nhiễm tiếng ồn cũng được quan trắc ở mức độ cao thuộc những khu vực như Hàng Xanh, Đinh Tiên Hoàng - Điện Biên Phủ, Gò Vấp,…Các lo ngại về tỷ lệ bụi lơ lửng ở khu vực Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh (Q.7) cũng đạt ngưỡng 847 µg/m3, trong khi quy chuẩn chỉ là 300 µg/m3…

Cần chung tay từ cộng đồng

PGS.TS Hồ Quốc Bằng đưa ra giải pháp bền vững trong vấn đề ONKK khi khuyến nghị cơ chế từ quan chức đến thường dân, mỗi người đều phải có trách nhiệm đối với vấn đề về chất lượng không khí đang xấu đi. Trước hết, từ phía người dân thành phố nên chuyển đổi việc di chuyển của mình bằng các phương tiện giao thông công cộng, đặc biệt là nên đi bộ và xe bus dùng nhiên liệu sạch.

Theo chuyên gia này, nếu mỗi người dân có chuyển sang đi bộ hoàn toàn thì TP HCM cũng chỉ giảm được gần 50% nguồn khí thải hiện nay. Cho nên, vấn đề ONKK tại TP HCM cần các giải pháp từ sự chung tay của chính các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền thành phố.

Trong đó, cả hai ngành giao thông và công nghiệp phải đặt ra lộ trình để cắt giảm việc xả thải, thậm chí nếu chỉ hai ngành này cũng vẫn chưa giải quyết hết được vấn đề ô nhiễm hiện nay.

Tại một hội thảo chuyên đề về ONKK gần đây, TS Hoàng Dương Tùng- nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam (VCAP) cũng đặt ra khuyến nghị về việc cần sớm đưa ra quy định về quy chuẩn giới hạn với từng loại bụi, khí.

Chẳng hạn đối với bụi PM2,5, là hạt bụi mịn, khi hít phải sẽ vào thẳng đường thở và gây ra các bệnh về hô hấp cần phải có quy chuẩn cụ thể. Theo chuyên gia này, hiện nay quy chuẩn của WHO giới hạn cho phép của bụi PM2,5 là 10 µg/m3. Tuy nhiên, quy chuẩn Việt Nam lại giới hạn cao tới 50 µg/m3 (gấp 5 lần so với quy chuẩn của WHO). Đây cũng là một trong những bất cập rất lớn hiện nay.

Nhiều chuyên gia cũng chỉ ra rằng, để đánh giá chất lượng không khí ở một thành phố thì cần phải có kết quả quan trắc ở đầy đủ ở tất cả các trạm. TP HCM và Hà Nội hiện nay vẫn chưa đủ điều kiện để có kết quả hoạt động liên tục của các trạm. Riêng TP HCM hiện chủ yếu sử dụng các trạm quan trắc thủ công, mỗi ngày chỉ đo 1 tiếng buổi sáng và 1 tiếng buổi chiều.

Vấn đề đặt ra là nếu số liệu vượt ngưỡng vào giờ không đo thì làm sao xác định? Chẳng hạn, chỉ số CO trong không khí đo được trong 8 giờ liên tục đã vượt 1,5 lần nhưng các kết quả được Trung tâm Quan trắc đo thì chưa vượt…

Đầu tháng 11/2020, Sở TNMT TP HCM đã phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức khởi động dự án hỗ trợ kỹ thuật TA9608 về “Nâng cao năng lực và hành động cải thiện chất lượng không khí”. TP HCM cũng đang triển khai việc đánh giá tình hình chất lượng không khí hiện tại và thực tiễn quản lý; Đánh giá lựa chọn chính sách và công nghệ hiệu quả để giải quyết chất lượng không khí; Xây dựng kế hoạch hành động không khí sạch (CAAP) cùng với các đầu tư cho kiểm soát ONKK.

Thành Luân