Hãy biết quý trọng cuộc sống

Tinh Anh 11/12/2020 13:30

Liên tiếp xảy ra những vụ học sinh phổ thông tự tử khiến không chỉ các bậc phụ huynh mà cả xã hội lo lắng. Gặp chút khó khăn, trắc trở trong cuộc sống, các em dễ dàng tìm đến cái chết, không biết đến sự đau đớn tột cùng của gia đình và người thân.

Hãy để mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Ảnh: Quỳnh Trần.

Chỉ cách đây vài ngày, một nữ sinh lớp 8, Trường THCS Nguyễn Thái Bình (phường 10, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã nhảy từ trên tầng hai xuống dưới đất tự tử. Ngay sau khi sự việc xảy ra, nữ sinh được mọi người đưa đến bệnh viện cấp cứu và hiện đã qua cơn nguy kịch. Song, nữ sinh bị gãy xương chậu và dập gan nên cần phải nằm viện điều trị thêm một thời gian mới có thể bình phục.

Trước đó không lâu, cũng đã liên tiếp xảy ra hai vụ nữ sinh lớp 10 tự tử, một em sống trên địa bàn tỉnh An Giang và một em ở tỉnh Kiên Giang. Cùng cảm thấy bế tắc và tìm đến cái chết để giải thoát, nhưng mỗi em có một vấn đề riêng của mình. Nếu như em Y ở An Giang bị cô giáo chủ nhiệm và nhà trường bêu tên trước toàn trường, thì em T ở Kiên Giang lại nghĩ thầy giáo phụ tình nên tìm đến cái chết.

Trong cả ba trường hợp nêu trên, thầy cô và nhà trường đều có trách nhiệm rất lớn, khi để các em nghĩ quẩn tìm đến cái chết. Trách nhiệm của thầy cô và nhà trường không chỉ là nhồi nhét kiến thức vào đầu học sinh, mà còn phải giáo dục về thể chất, tư duy lành mạnh cho học trò. Khi mà có học sinh nghĩ không thông, muốn tìm đến cái chết có nghĩa là việc giáo dục học sinh của thầy cô và nhà trường đã hỏng.

Đơn cử, trong vụ nữ sinh Y ở An Giang tự tử, lỗi chính thuộc về BGH nhà trường và cô giáo chủ nhiệm. Còn trong vụ việc nữ sinh T tìm đến cái chết thì trách nhiệm thuộc về người thầy đồi bại Nguyễn Thanh Quân. Nếu Ban Giám hiệu THPT Vĩnh Xương không bêu tên em Y trước toàn trường, sẽ không có việc em Y xấu hổ tìm đến cái chết. Nếu không bị thầy giáo dụ dỗ lạm dụng tình dục, lẽ nào nữ sinh T lại tự tử?

Song, nói gì thì nói, ngoài trách nhiệm của thầy cô giáo và nhà trường, thì trách nhiệm của gia đình và người thân các em cũng không hề nhỏ. Nếu bố mẹ thường xuyên gần gũi tâm sự, chia sẻ với con cái, họ sẽ nắm bắt được tâm tư của chúng để kịp thời uốn nắn sự lệch lạc, ngăn chặn kịp thời những suy nghĩ dại dột. Song, nếu chỉ lo kiếm tiền, bỏ mặc con cái thì dù có vấn đề nan giải, chúng cũng không dám nói với cha mẹ.

Tất nhiên, cũng có gia đình ở vào hoàn cảnh khó khăn, các bậc phụ huynh phải đầu tắt mặt tối lo kiếm từng bữa ăn thì cũng khó có thời gian trò chuyện, khuyên bảo con cái. Song, ngay cả như vậy thì cũng không phải lý do để bỏ mặc con cái phát triển một cách tự nhiên, thiếu định hướng. Chẳng phải các cụ xưa có câu: Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học thì bất tri lý đó sao?

Tuy nhiên, dù cho cha mẹ, người thân, hay thầy cô giáo, nhà trường có lỗi, thiếu quan tâm săn sóc thì các em học sinh, nhất là các nữ sinh không vì thế mà có quyền tìm đến cái chết. Mạng sống của các em không chỉ là do Thượng đế ban tặng, mà máu thịt của các em còn là của cha mẹ ban cho. Việc các em không biết trân trọng bản thân đã làm đau lòng bố mẹ, tìm đến cái chết lại càng là sự bất hiếu lớn nhất, có biết không?

Cứ cho là các em có những nỗi khổ tâm, sự dằn vặt chỉ muốn chết đi để giải thoát. Song, khi đó chỉ có các em không còn phải lo nghĩ, bận tâm đến điều gì, còn cha mẹ, người thân đau lòng như đứt từng khúc ruột, không thiết sống nữa. Công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ sẽ được các em đền đáp như vậy sao? Khi các em tìm đến cái chết, chính là đã lạnh lùng đâm một dao chí mạng vào tim bố mẹ và người thân, biết chưa?

Trong cuộc sống hàng ngày, không chỉ khi các em ngồi trên ghế phổ thông, mà sau này lên đại học, ra đời... sẽ còn vô vàn khó khăn trắc trở khác. Lẽ nào mỗi lúc như vậy các em lại tìm đến cái chết? Các em phải biết rằng, không có khó khăn nào là không thể giải quyết, không có chông gai nào không thể vượt qua, chỉ cần có ý chí, nghị lực và sự tự tin vào sức mạnh của bản thân mà thôi.

Vậy nên hãy mạnh mẽ, vững vàng lên, đừng cứ mỗi chốc lại lấy cái chết ra như một thứ vũ khí tối thượng để mặc cả với bố mẹ, người thân, thậm chí là thầy cô giáo, nhà trường và bạn bè. Nói cho đến cùng, nếu các em thực sự gặp bất chắc, chỉ khiến bố mẹ và người thân của các em đau khổ, chứ không mang lại bất cứ điều gì tốt đẹp cả.

Còn nếu muốn môi trường của lớp học, của xã hội tốt hơn, các em phải cố gắng phấn đấu học hành để trưởng thành, có vậy mới có thể đóng góp một phần sức lực của bản thân nhằm cải tạo nó, chứ không phải lấy cái chết ra để mặc cả. Hãy biết trân trọng cuộc sống, vì nó rất đáng quý. Vài lời nhắn nhủ như vậy, hy vọng các em hiểu và tự biết phải làm gì. Thân!

Tinh Anh