Cuộc chiến chống Covid-19: Vaccine, sốc phản vệ và niềm tin

Hà Anh 18/12/2020 07:30

Thông tin về những trường hợp sốc phản vệ sau khi tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Anh và Mỹ đã không làm chậm lại quá trình phê duyệt và sử dụng vaccine tại nhiều nước trên thế giới. Vaccine vẫn được tin tưởng trong cuộc chiến chống Covid-19 bởi lợi ích mà nó mang lại lớn hơn nhiều so với những rủi ro.

Một nữ nhân viên y tế được tiêm vaccine Covid-19 ở Westwood, California, Mỹ. Ảnh: AFP.

Sốc phản vệ

Ngày 17/12 (giờ Việt Nam), New York Times đưa tin, hai nhân viên y tế ở bang Alaska của Mỹ đã gặp phản ứng dị ứng nghiêm trọng sau khi tiêm vaccine ngừa Covid-19 Pfizer’s hôm 15/12.

Người thứ nhất là một nữ nhân viên y tế, tuổi trung niên, không có tiền sử dị ứng đã bị sốc phản vệ 10 phút sau khi được tiêm chủng tại Bệnh viện Khu vực Bartlett ở thành phố Juneau hôm 15/12. Các triệu chứng của cô bao gồm phát ban trên mặt và người, nhịp tim tăng và khó thở. Hiện, nhân viên y tế này vẫn đang được theo dõi trong bệnh viện.

Người thứ hai cũng tại Bệnh viện Khu vực Bartlett, sưng mắt, chóng mặt và ngứa cổ họng sau 10 phút được tiêm vaccine ngừa Covid-19 hôm 16/12. Tuy nhiên, nhân viên y tế này đã hồi phục ngay trong vòng một giờ và đã được xuất viện.

Theo Bệnh viện Khu vực Bartlett, cả hai nhân viên y tế này đều không muốn tình huống của họ ảnh hưởng đến những người sắp tiêm chủng.

Các quan chức Mỹ tin rằng, phản ứng của hai nhân viên y tế với vaccine tương tự như phản ứng sốc phản vệ mà hai nhân viên y tế ở Anh đã trải qua sau khi nhận cùng một loại vaccine vào tuần trước.

Sốc phản vệ là một tình trạng phản ứng cơ thể đe dọa đến tính mạng với các triệu chứng khó thở và tụt huyết áp trong vài giây hoặc vài phút sau khi tiếp xúc với chất gây dị ứng.

Còn tại Anh, hai nhân viên y tế cũng có tiền sử dị ứng. Theo đó, một phụ nữ 49 tuổi có tiền sử dị ứng với trứng và một phụ nữ 40 tuổi bị dị ứng với một số loại thuốc khác nhau. Sau khi hai nhân viên y tế này gặp phản ứng với vaccine, tiến sĩ June Raine - Giám đốc điều hành Cơ quan quản lý thuốc và sản phẩm chăm sóc sức khỏe (MHRA) nước Anh đã đưa ra hướng dẫn mới liên quan đến vaccine Pfizer.

“Sốc phản vệ là một tác dụng phụ đã được biết đến, mặc dù rất hiếm gặp với bất kỳ loại vaccine nào. Hầu hết mọi người sẽ không bị sốc phản và và những lợi ích trong việc bảo vệ mọi người chống lại đại dịch Covid-19 lớn hơn những rủi ro mà nó mang lại” - trích hướng dẫn của MHRA.

Cùng với đó, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cũng đã cảnh báo, những người có tiền sử dị ứng nên hỏi ý kiến ​​bác sĩ để đảm bảo họ không bị phản ứng với bất kỳ thành phần nào của vaccine trước khi tiêm.

Không nao núng trước những phản ứng bất thường đã xảy ra với số ít người đã tiêm vaccine Covid-19, chính quyền Tổng thống Trump hiện đang đàm phán với Pfizer để đảm bảo nguồn cung cấp vaccine ngừa Covid-19 cho Mỹ trong mùa xuân, ngoài 100 triệu liều mà Công ty đã cam kết cung cấp.

Thông tin này đã được xác nhận bởi các quan chức y tế liên bang hôm 16/12. Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh Alex Azar cho biết, ông rất lạc quan về các cuộc đàm phán nói trên. “Chúng tôi đang làm việc với Pfizer để cung cấp cho họ bất kỳ sự hỗ trợ nào khi những thách thức về tiến trình sản xuất đã được xác định”-ông Azar nói.

Niềm tin vẫn được giữ

Cùng với đó tại Anh, bỏ qua những nghi ngờ về tính an toàn của vaccine ngừa Covid-19 sau khi 2 trường hợp bị phản ứng với thuốc, vaccine vẫn được tin tưởng như một biện pháp hữu hiệu để chống lại đại dịch Covid-19 bởi nó mang lại lợi ích cho số đông người dân. Trong tuần đầu tiên tiến hành tiêm chủng, đã có gần 140.000 người Anh được tiêm vaccine ngừa Covid-19 do Pfizer/BioTech phát triển và sản xuất.

Ngày 16/12, Bộ trưởng phụ trách triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 của Anh, Nadhim Zahawi đánh giá, đây là một sự khởi đầu tốt đẹp.

Ông Zahawi cho biết, chương trình đã được triển khai rộng khắp các địa phương của Anh gồm England, Wales, Bắc Ireland, Scotland và sẽ có thêm nhiều người được tiêm chủng ngừa nữa khi hệ thống mạng lưới chăm sóc sức khỏe sơ cấp được huy động tham gia triển khai tiêm chủng.

Theo sau Anh, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố sẽ triển khai chiến dịch tiêm đại trà vaccine phòng ngừa trước cuối năm nay trong bối cảnh số ca mắc mới và tử vong do đại dịch Covid-19 không ngừng tăng khiến nhiều nước phải siết chặt các biện pháp hạn chế để khống chế.

Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Layen, tất cả các nước thành viên EU có thể bắt đầu chiến dịch này vào cùng một ngày, ngay khi vaccine Pfizer/BioTech do Mỹ và Đức hợp tác bào chế được thông qua.

Tại Bồ Đào Nha, người đứng đầu cơ quan phụ trách vấn đề tiêm chủng của nước này, ông Francisco Ramos khẳng định, sẽ có đủ vaccine tiêm chủng cho toàn bộ người dân. Ông cho biết, chương trình tiêm chủng ngay lập tức sẽ được triển khai ngay khi vaccine có mặt tại nước này, hi vọng trước cuối năm nay.

Đức thông báo sẽ bắt đầu kế hoạch tiêm chủng vào ngày 27/12, thời điểm quốc gia đang đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên EU này đặt ra để triển khai chương trình tiêm chủng trên toàn EU.

Trong khi đó, Pháp tuyên bố sẽ tiếp nhận khoảng 1,16 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 vào cuối năm và thêm 2,3 triệu liều trong hai tháng đầu năm 2021. Hiện Pháp đã đặt mua tổng cộng 200 triệu liều vaccine ngừa Covid-19, đủ để có thể tiêm cho 100 triệu người, trong khi dân số nước này chưa đến 70 triệu người.

Tại Italy, sau cuộc họp giữa đại diện chính phủ Trung ương và thống đốc 20 vùng, ngày 16/12, giới chức nước này đã thông qua một kế hoạch quốc gia tiêm chủng đại trà vaccine ngừa Covid-19. Vaccine sẽ được tiêm miễn phí và không bắt buộc.

Cùng ngày, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern thông báo, nước này sẽ bắt đầu tiêm vaccine miễn phí cho người dân vào giữa năm sau. Với hai thỏa thuận ký với Công ty dược phẩm AstraZeneca (cung cấp 7,6 triệu liều vaccine) và Công ty Novavax (10,72 triệu liều), Chính phủ New Zealand khẳng định đảm bảo nguồn vaccine đủ để đáp ứng cho tất cả 5 triệu người dân nước này.

Ngày 17/12, truyền thông Mỹ đưa tin, Tổng thống đắc cử Joe Biden dự kiến tiêm liều vaccine Covid-19 đầu tiên vào đầu tuần tới một cách công khai để chứng minh độ an toàn. “Tôi không muốn tranh giành, nhưng tôi muốn chứng minh cho người dân Mỹ thấy rằng vaccine này an toàn. Tôi sẽ thực hiện điều đó một cách công khai, vì thế các bạn có thể chứng kiến tôi tiêm vaccine” - ông Biden nói với các phóng viên hôm 16/12 tại thành phố Wilmington, bang Delaware.

Hà Anh