Có vaccine, Covid-19 vẫn lây lan

Hà Anh 27/01/2021 00:38

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 6h30 ngày 26/1 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 100.229.003 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19. Như vậy là sau 13 tháng kể từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên tại Vũ Hán (Trung Quốc) đến nay, diễn biến dịch bệnh được cho là “không thể ngờ”.

Châu Âu vẫn căng thẳng vì Covid-19.

Dù các chiến dịch tiêm chủng vaccine đã được triển khai tại nhiều quốc gia và dự kiến được mở rộng quy mô, song Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn đưa ra cảnh báo về sự lây lan nhanh, nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 trong thời gian tới.

1. Trong bối cảnh vẫn được đánh giá là vùng dịch lớn nhất thế giới, để đối phó với tình hình, ngày 26/1 (giờ Việt Nam), tại Washington D.C, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một sắc lệnh duy trì các hạn chế đi lại do đại dịch Covid-19 đối với hầu hết các nước châu Âu và Brazil để hạn chế sự lây lan của biến thể mới, bất chấp tính hiệu quả của vaccine, sau khi cựu Tổng thống Donald Trump lùi quyết định này lại chỉ vài ngày trước khi rời nhiệm sở.

Chính quyền ông Biden cũng đang mở rộng các hạn chế đi lại đối với Nam Phi, nơi một biến thể virus corona mới đã xuất hiện.

Ngoài ra, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đang hướng tới mục tiêu tiêm chủng cao hơn mức đề ra trước đó, cố gắng tiêm được cho 1,5 triệu người mỗi ngày, tức 150 triệu người trong 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ.

Phát biểu trước các phóng viên hôm 26/1, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết: “Với việc đại dịch đang ngày càng trầm trọng và nhiều biến thể dễ lây lan hơn, đây không phải là lúc để dỡ bỏ các hạn chế đối với việc đi lại quốc tế. Khu vực Schengen bao gồm 26 quốc gia ở châu Âu”.

Bà Psaki cũng nhắc lại các yêu cầu kiểm tra mới của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đối với du khách quốc tế, khẳng định Chính phủ Mỹ sẽ bắt đầu các cuộc họp giao ban sức khỏe thường xuyên từ ngày 27/1.

Trong khi đó, ngày 26/1 (giờ Việt Nam), Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã ký lệnh dỡ bỏ các hạn chế nhập cảnh đối với công dân 4 nước, trong đó có Việt Nam, Phần Lan, Ấn Độ và Qatar kể từ ngày 27/1.

Cụ thể, Văn phòng báo chí của Chính phủ Nga ra thông báo cho biết: “Đối với công dân của bốn quốc gia nữa - Phần Lan, Việt Nam, Ấn Độ và Qatar - các hạn chế nhập cảnh vào Nga, được áp đặt do sự lây lan của SARS-CoV-2, sẽ được dỡ bỏ”. Chính phủ Nga cho biết, người dân các nước trên chỉ được phép nhập cảnh qua các cửa khẩu hàng không. Đổi lại, công dân Nga có thể tự do bay đến các quốc gia này.

Nga đã ngừng các chuyến bay thường lệ và thuê chuyến với Việt Nam và 3 nước trên từ ngày 27/3/2020. Các chuyến bay bắt đầu hoạt động trở lại vào tháng 9/2020.

2. Tại châu Âu, số ca mắc trong ngày tại nhiều nước liên tiếp xô đổ các kỷ lục trước đó. Tây Ban Nha trong 24 giờ qua ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất châu lục, với hơn 38.000 ca, tiếp sau là Anh và Nga.

Trong 14 ngày qua, tỷ lệ có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 tại Tây Ban Nha lên tới 884,7 ca/100.000 người. Tuy nhiên, Bộ Y tế nước này dự báo số ca nhiễm mới ghi nhận trong ngày sẽ bắt đầu giảm trong vài ngày tới và đỉnh điểm làn sóng dịch thứ 3 ở nước này rơi vào cuối tuần này hoặc cuối tuần sau.

Trong khi đó, Chính phủ Anh tuyên bố nước này sẽ hỗ trợ các quốc gia thiếu nguồn lực trong việc xác định các biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Anh hy vọng sẽ sử dụng vị trí Chủ tịch Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) trong năm 2021 để thúc đẩy một “hệ thống y tế toàn cầu hợp tác và hiệu quả hơn” nhằm chuẩn bị tốt hơn trong việc ứng phó với các mối đe dọa trong tương lai.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 26/1, EU đã công kích Hãng AstraZeneca với cáo buộc công ty dược phẩm này không cung cấp các liều vacine ngừa Covid-19 theo đúng cam kết dù đã nhận được tài trợ của EU để tăng cường sản xuất vaccine.

Bà Kyriakides cho biết, thông báo của AstraZeneca về việc họ sẽ giao ít vaccine hơn cho EU chỉ làm tăng áp lực lên liên minh 27 quốc gia, đặc biệt là kể từ khi Pfizer/BioNTech đã không hoàn tất việc giao vaccine như đã cam kết với EU.

3. Đánh giá tình hình, ngày 26/1, Tiến sĩ Michael Ryan - Giám đốc điều hành của Chương trình Khẩn cấp y tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo về nguy cơ virus SARS-CoV-2 tiếp tục lây lan ngay cả sau khi tiêm chủng quy mô lớn trong tương lai gần. Theo ông Ryan, mức độ bao phủ của vaccine sẽ không đạt đến mức ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Vì vậy cũng không nên trông chờ việc loại bỏ được virus SARS-CoV-2 trong năm 2021.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng cảnh báo, vaccine phòng bệnh hiện nay đang được phân bổ một cách không đồng đều: “Thế giới đang đứng trên bờ vực của một sự thất bại thảm hại về đạo đức, nếu khả năng tiếp cận vaccine của con người không công bằng. Hai nghiên cứu mới của Tổ chức Lao động thế giới (ILO) và Phòng Thương mại quốc tế (ICC) còn cho thấy, việc phân bổ vaccine không đồng đều không chỉ là một thất bại về đạo đức, mà còn gây ra thất bại về kinh tế”.

Trong cuộc họp trực tuyến của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 26/1 (giờ Việt nam), các báo cáo viên cho biết, đại dịch Covid-19 tiếp tục tác động sâu sắc đến tất cả các nước, làm gia tăng bất bình đẳng, phân biệt đối xử, trong đó phụ nữ và thanh niên bị ảnh hưởng sâu sắc nhất làm cản trở các tiến trình hòa bình, bầu cử.

Các nước nhấn mạnh, vaccine ngừa Covid-19 phải là hàng hóa công cộng và khẳng định cần giải quyết các tác động của đại dịch lên kinh tế, không để trở thành hệ lụy chính trị, đe dọa hòa bình, an ninh quốc tế.

Ngày 26/1, Thứ trưởng Bộ Y tế Philippines Maria Rosario Vergeire cho biết, nước này đã ghi nhận sự lây nhiễm trong cộng đồng biến thể mới của virus SARS-CoV-2, được phát hiện lầu đầu tại Anh, buộc Tổng thống Rodrigo Duterte phải hủy bỏ kế hoạch dỡ bỏ hạn chế ra khỏi nhà đối với trẻ vị thành niên. Bộ Y tế Philippines lưu ý thêm rằng, 12 người ở Bontoc (một tỉnh miền núi phía Bắc) đã bị lây nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 (hay còn được biết đến với tên gọi B.1.1.7) trên tổng số 17 ca bệnh nhiễm B.1.1.7 trong cả nước.

Hà Anh