Lo ngại biến thể SARS-CoV-2 từ Nam Phi

Phan Quang Vũ 02/02/2021 06:30

Mặc dù Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn chưa khuyến cáo về biến thể virus SARS-CoV-2 ở Nam Phi có độc tính, tính chất như thế nào so với biến thể từ Anh, nhưng theo khuyến cáo của nước sở tại Nam Phi thì virus SARS-CoV-2 xuất xứ tại đây có độc lực mạnh hơn, lây lan nhanh hơn và còn có thể gây ra những biểu hiện bệnh nặng hơn. Và chính điều đó khiến cho thế giới lo ngại, khi mà biến thể này từ Nam Phi đã xuất hiện ở hơn 30 quốc gia.

Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 khiến Nam Phi thêm lo ngại trong khi đại dịch Covid-19 chưa giảm nhiệt.

Theo Công ty Novavax của Mỹ, mặc dù vaccine Covid-19 do công ty sản xuất có hiệu quả gần 90% trong các thử nghiệm lâm sàng được tiến hành ở Anh, con số này đã giảm xuống chỉ còn 49% ở Nam Phi. Đây là con số “đáng ngạc nhiên” cho thấy mức độ nguy hiểm của chủng virus mới này đang đến rất gần.

1. Đáng chú ý, gần như tất cả các ca nhiễm mà Công ty phân tích ở Nam Phi đều liên quan đến B 1.351 – một biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Biến thể ở Nam Phi lần đầu tiên được phát hiện ở khu vực Vịnh Nelson Mandela hồi tháng 10.2020. Nhưng lúc bấy giờ người ta cho rằng đó cũng chỉ là “việc gì đó nên tham khảo”. Có nghĩa là giới y học đã coi thường nó, cho dù lúc bấy giờ dịch Covid-19 đã hoành hành trên phạm vi toàn cầu.

Các thử nghiệm được thực hiện trong các phòng thí nghiệm cũng cho thấy, các vaccine từ Mỹ (Hãng Pfizer-BioNTech, Hãng Moderna và Viện Y tế quốc gia Mỹ) kích hoạt phản ứng miễn dịch thấp hơn đối với biến thể ở Nam Phi.

Vì sao chính giới y học lại chủ quan? Vì rằng, người ta từng cho rằng phải mất vài tháng, thậm chí vài năm, virus SARS-CoV-2 mới có khả năng kháng vaccine. Và người ta vẫn “tin tưởng tuyệt đối” vào vaccine như một tấm lá chắn vô cùng chắc chắn bảo vệ con người trước sự tấn công của virus.

Và họ cũng cho rằng mỗi đột biến (virus) xảy ra sẽ kích hoạt cơ chế phòng thủ tự nhiên của cơ thể - cơ sở tạo nên một biến thể mạnh hơn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy dường như, việc hệ thống miễn dịch được “đào tạo” từ lần lây nhiễm đầu tiên đã không thể bảo vệ được người bệnh trước những biến thể mới của virus.

Thật đáng lo ngại khi tại phòng thí nghiệm, các nhà khoa học đã lấy một số biến thể mới của virus và cho chúng tiếp xúc với mẫu máu của những người đã được tiêm chủng. Kết quả cho thấy, các kháng thể trung hòa được tạo ra để đáp ứng với vaccine của Moderna có hiệu quả ngang nhau đối với virus SARS-CoV-2 ban đầu và chủng B.1.1.7 xuất hiện ở Vương quốc Anh, nhưng lại kém hiệu quả hơn nhiều đối với chủng ở Nam Phi. Trong khi đó, so với các biến thể khác, vaccine của Hãng Pfizer chỉ kém hiệu quả hơn một chút đối với biến thể Nam Phi.

Như vậy, biến thể virus SAR-CoV-2 có nguồn gốc từ Nam Phi đã mạnh hơn rất nhiều, ít ra là so với biến thể đã phát hiện ở Anh (ngày 14/12/2020).

Tiến sĩ Marc Lipsitch, chuyên gia dịch tễ học tại Đại học Havard cho rằng một số thành phần trong hệ thống miễn dịch như tế bào T có thể đóng vai trò chống lại một biến thể. Nhưng, trước biến thể mới ở Nam Phi thì nhận định đó đã không chính xác khi các nhà khoa học nhận thấy trên bề mặt của virus thuộc biến thể mới ở Nam Phi, lượng protein tăng đột biến trong khi các loại vaccine Covid-19 hiện tại mới chỉ “huấn luyện” hệ thống miễn dịch nhận ra một số protein nhất định.

Theo Tiến sĩ Michael Mina – cũng là một chuyên gia dịch tễ học tại Đại học Havard, thì thế giới cần có một kho vaccine đa dạng hơn, sử dụng nhiều cách tiếp cận khác nhau, nếu muốn “truy lùng” được biến thể virus từ Nam Phi.

2. Cũng cần nhắc lại, ngày 28/1 Hãng Novavax công bố các kết quả thử nghiệm lâm sàng bước đầu cho thấy vaccine của Hãng chỉ hiệu quả được 49% đối với các bệnh nhân ở Nam Phi, trong khi tỉ lệ ở Anh lại đạt đến 89,3%.

Cũng không “cố quên” rằng tỉ lệ thành công ở quốc gia này lại khác quốc gia khác. Chẳng hạn tỉ lệ thành công đạt đến 72% tại Mỹ nhưng chỉ 57% tại Nam Phi nơi mà biến thể (được biết với tên gọi 501Y.V2, hay còn gọi là B1.351), chiếm đến 95% số bệnh nhân tham gia thử nghiệm vaccine.

Chủng 501Y.V2 đã được phát hiện ở Nam Phi, được báo cáo lần đầu tiên vào ngày 18/12/2020 cho WHO, khi các nhà khoa học Nam Phi phát hiện ra khi truy vết gen virus. Trưởng nhóm chuyên gia nghiên cứu về Covid-19 của WHO, Tiến sĩ Maria Van Kerkhove cho rằng biến thể tại Nam Phi và các biến thể khác của SARS-CoV-2 đều gây biểu hiện bệnh lý giống nhau, với cùng mức độ nghiêm trọng theo tiêu chí về số bệnh nhân phải nhập viện điều trị và số ca tử vong. Nhưng trong trường hợp này biến thể của nó còn có khả năng lẩn tránh phản ứng miễn dịch tạo ra do vaccine.

Còn theo tiến sĩ Alex Sigel -nhà virus học thuộc Viện Nghiên cứu sức khỏe châu Phi thì biến thể mới tại Nam Phi đã cho thấy chúng có khả năng kháng cự lại những loại vaccine ngừa Covid-19 hiện đã được WHO duyệt.

“Tôi nghĩ ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy những kiểu biến thể này sẽ xuất hiện thêm trên toàn cầu - thậm chí chúng đã xuất hiện rồi - với khả năng lẩn tránh kháng thể của những lần nhiễm bệnh trước” – tiến sĩ Alex Sigel nhận xét.

Còn trong nghiên cứu do Đại học Rockefeller (Mỹ) tiến hành, cũng cho rằng những người được tiêm vaccine của Pfizer và Moderna để thử nghiệm với biến thể ở Nam Phi, thì “nó đều có khả năng lẩn tránh”. Tương tự, một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí BioRxiv - nhóm các nhà khoa học Trường đại học và Viện Các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NICD) của Nam Phi cho biết biến thể virus SARS-CoV-2 mới được phát hiện tại nước này có “nguy cơ gây tái nhiễm rõ rệt, bất chấp đã được tiêm ngừa vaccine”.

Trong khi đo, WHO trấn an rằng chưa có chứng cứ nào cho thấy biến thể virus corona ở Nam Phi lây lan nhanh hơn biến thể virus ở Anh. Thông tin được bà Maria Van Kerkhove - Trưởng nhóm kỹ thuật của bộ phận phụ trách dịch bệnh khẩn cấp thuộc WHO xác nhận. Bà Kerkhove cũng cho rằng không nên quá lo lắng trước những tin giả rằng biến thể virus corona mới ở Nam Phi “chống cự” được vaccine hiện hành.

Dẫu thế thì mối lo đến từ biến thể mới virus corona gây bệnh Covid-19 vẫn khiến người ta lo ngại, đặc biệt khi đại dịch này vẫn đang tiếp tục hoành hành.

Phan Quang Vũ