Rủi ro bệnh viện

Tinh Anh 05/02/2021 10:30

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 quay trở lại với nhiều ổ dịch cộng đồng hết sức phức tạp, nếu các bệnh viện không có các phương án đề phòng thì sẽ vô cùng nguy hiểm, khó kiểm soát tình hình.

Trong làn sóng đại dịch Covid-19 lần thứ 2, ổ dịch tại bệnh viện Bạch Mai chính là một bài học đắt giá cần phải được rút kinh nghiệm sâu sắc.

Bệnh viện, cơ sở y tế và các y bác sĩ chính là chốt chặn cuối cùng để ngăn ngừa đại dịch Covid-19, vậy mà bệnh viện lại trở thành ổ dịch thì lấy gì chống đỡ? Khi bệnh viện trở thành ổ dịch, không chỉ là mất đi cơ sở vật chất khám chữa bệnh, mà còn bị hao hụt nghiêm trọng đội ngũ y bác sĩ do nhiễm bệnh hay bị cách ly.

Điều lo sợ trên là hoàn toàn có cơ sở, bởi mới đây thôi, một trường hợp F1 khi đến bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh đã khai báo y tế gian dối, khiến 20 nhân viên y tế tại đây đã phải đi cách ly sau đó. Điều nguy hiểm là tình trạng trên hoàn toàn có thể tái diễn ở bất cứ bệnh viện nào, trên bất cứ tỉnh thành phố nào trên toàn quốc.

Vì sao như vậy? Đơn giản là bởi, hiện nay việc khai báo y tế tại các bệnh viện hoàn toàn phụ thuộc vào sự trung thực của người dân, chưa có bất cứ cơ chế nào để kiểm soát sự trung thực trong lời khai báo của họ. Chẳng phải trường hợp F1 vừa nêu ở trên là một ví dụ điển hình hay sao? Nếu không có sự truy vết của địa phương đối tượng F1 này, có lẽ bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh cũng chưa biết để đưa các nhân viên y tế đi cách ly.

Thử hỏi, chỉ cần đối tượng F1 nêu trên dương tính với SARS-CoV-2, thì có bao nhiêu nhân viên y tế trong số 20 người đã tiếp xúc với người này bị lây nhiễm Covid-19? Thử hỏi trong số những nhân viên y tế bị Covid-19 sẽ lây nhiễm cho bao nhiêu người bệnh, người nhà bệnh nhân? Và cứ thế con số sẽ tăng theo cấp số nhân khó bề kiểm soát.

Vấn đề ở chỗ, nếu có ai trong số những người bị nhiễm Covid-19 (theo giả sử trên) có biểu hiện của bệnh mới có thể phát hiện “đường dây” lây nhiễm. Song, nếu trong vòng dăm bữa, nửa tháng không có bệnh nhân Covid-19 nào có triệu chứng bệnh thì con số lây nhiễm sẽ là bao nhiêu trong cộng đồng thì khó có thể tưởng tượng nổi.

Bài học tại Bệnh viện Bạch Mai vẫn còn nguyên tính thời sự. Vào thời điểm đó, các cơ quan chức năng đã phải đau đầu, cật lực lắm mới có thể khống chế, kiểm soát được ổ dịch nguy hiểm này. Từ bài học đắt giá đó, có lẽ đã đến lúc cần có các giải pháp đồng bộ để có thể kiểm soát được việc khai báo y tế của người dân là trung thực hay gian dối.

Hiện, người dân khi đến các bệnh viện chỉ được “người canh cửa” hỏi các thông tin cơ bản là ở đâu, đến từ nơi nào, có qua vùng dịch không, có tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 hay không... Như trường hợp F1 nêu trên, người ta hoàn toàn có thể “bịa” ra địa chỉ, giấu biệt tiền sử đến từ vùng dịch... Đó chính là lỗ hổng chết người tạo điều kiện cho đại dịch Covid-19 bùng phát trong bệnh viện, rồi lan rộng ra cộng đồng xã hội.

Thậm chí nhiều bệnh viện còn không bắt người đến khám chữa bệnh xuất trình CMND, hoặc căn cước công dân để kiểm soát xuất xứ, lai lịch. Như vậy thì lấy gì đảm bảo họ sẽ khai báo y tế trung thực, khi mà họ vừa trở về từ vùng dịch lại sợ phải đi cách ly? Tâm lý sợ cách ly có ở rất nhiều người, nhất là trong bối cảnh năm hết Tết đến.

Nhiều người có lối suy nghĩ ích kỷ, họ trốn tránh, không muốn khai báo y tế, hoặc khai báo gian dối vì sợ bị đưa đi cách ly sẽ “mất Tết” (phải đón Tết trong khu cách ly tập trung). Lối hành xử ích kỷ này không chỉ gây nguy cơ bùng phát đại dịch Covid-19 trên diện rộng, mà còn hại mình, hại người, trong đó có cả người thân và gia đình họ.

Theo quy định của pháp luật (đặc biệt là hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao), những người không khai báo y tế, hoặc khai báo gian dối để trốn tránh cách ly, không đảm bảo các biện pháp phòng dịch sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bất kể có xảy ra hậu quả làm lây lan đại dịch Covid-19 hay không.

Dư luận xã hội hoàn toàn ủng hộ quy định này bởi thực tế có vô số người vô ý thức, thiếu trách nhiệm với cộng đồng như vậy. Khi mà không có biện pháp mạnh tay, nhiều người sẽ không biết sợ, vẫn nhơn nhơn coi thường pháp luật, khiến cả cộng đồng xã hội luôn đứng trước nguy cơ đối mặt với sự bùng phát của đại dịch chết người.

Song, dù có “bắt bỏ tù” những người vô ý thức thì đại dịch Covid-19 cũng không vì thế mà kiểm soát được. Vì thế cần phải có biện pháp phòng hơn là chống, nghĩa là phải có giải pháp để xác định khai báo y tế của người dân khi tới bệnh viện là trung thực hay gian dối, nếu gian dối sẽ lập tức phát hiện để xử lý phòng dịch. Có vậy mới có thể đảm bảo an toàn trong bệnh viện, tránh đại dịch Covid-19 bùng phát ngoài xã hội.

Tinh Anh