Vì sao ‘sốt’ đất?

Nam Việt 22/03/2021 05:35

Những ngày qua, vấn đề rất nóng là sốt đất. Giá đất tăng vùn vụt, nhất là ở những nơi được cho là có quy hoạch. Mua trước đón đầu quy hoạch là tâm lý chung của nhiều người, cũng là cách tính toán của nhiều người. Những lời thầm thì rỉ tai nhau cũng như những chiêu thức ranh mãnh của giới “cò đất” đã khiến không ít người tìm mọi cách để có tiền mua đất. Trong đó có nhiều người chủ trương “lướt sóng”, “ăn xổi”.

Một điểm giao dịch mua bán đất tại xã An Khương (huyện Hớn Quản, Bình Phước). Ảnh: Phước Tuấn.

Trước tình hình đó, ngày 20/3, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đã đưa ra một số khuyến nghị, trong đó, đề cập đến việc cần gắn trách nhiệm của lãnh đạo địa phương đối với các hiện tượng sốt đất trên địa bàn. Đó là khuyến nghị được cho là cần thiết và khá rõ ràng.

Tổng Thư ký của Hội này, ông Nguyễn Văn Đính, cho rằng chính quyền các địa phương phải vào cuộc quyết liệt để kiểm soát mọi hoạt động sử dụng đất đai, thực hiện các dự án đầu tư, giao dịch đất đai.. đảm bảo thực hiện theo đúng quy định pháp luât. Cần gắn trách nhiệm của lãnh đạo địa phương khi xảy ra hiện tượng sốt đất.

Theo đó, các địa phương cần quản lý chặt chẽ các đối tượng tham gia chuỗi rao, chào bán, tổ chức giao dịch… trên địa bàn; đồng thời, cung cấp đầy đủ thông tin về chủ trương phát triển kinh tế, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho người dân nắm được và thuận lợi khi tiếp cận thông tin. Bên cạnh đó địa phương phải nhanh chóng phát hiện và xử lý hoạt động tung tin thất thiệt, ảnh hưởng đến thị trường, tạo dựng cơn sốt đất, gây bất ổn.

Thực tế thời gian qua cho thấy có nhiều nguyên nhân gây ra nạn sốt đất. Nhưng thực tế cũng cho thấy bên cạnh những người vỡ mộng, tan cửa nát nhà vì đất thì lại cũng có người sau một đêm ngủ dậy bỗng thành tỉ phú nhờ “ôm” đất. Điều đó cho thấy trách nhiệm của chính quyền địa phương là rất lớn. Trước hết dể xảy ra nạn sốt đất là do họ đã không minh bạch thông tin về dự án tại địa phương. Việc “ém” thông tin nhằm trục lợi cho mình cùng người thân, cánh hẩu. Khi thông tin mù mờ tất dẫn đến việc hiểu sai lệch, khiến tình hình trở nên rối rắm, phức tạp.

Và, cũng rất quan trọng khi để diễn ra tình hình sốt đất một cách bất hợp lý kéo dài tại địa phương là do chính quyền buông lỏng quản lý (nếu không muốn nói là còn khuấy nước đục lên để hưởng lợi).

Trong nhiều trường hợp, xuất hiện hiện tượng rao bán đất không phù hợp với quy định pháp luật như: đất rừng, đất ruộng, vườn… cũng được công khai mua bán. Rất nhanh chóng, các “cò đất” áp sát những khu vực này, tung tin thất thiệt, tạo ra sự sôi động giả, từ đó đẩy giá lên từng giờ, từng ngày.

Việc đó, chẳng lẽ cán bộ thôn, cán bộ xã không biết? Cao hơn là cán bộ huyện, tỉnh cũng không biết?

Họ biết cả nhưng làm ngơ. Mục đích của việc “ngó lơ” ấy là gì, không nói thì ai cũng biết. Nhất là cán bộ địa chính.

Công bằng mà nói, cũng có thể do sự chậm chạp, hoặc nhận thức chưa đầy đủ của cán bộ chính quyền cấp cơ sở nên phản ứng chậm. Nhưng số đó không nhiều.

Mới đây, khi Hà Nội có dự kiến đề án quy hoạch hai bên bờ sông Hồng, thì giá đất lên vùn vụt. Thật dễ hiểu khi đề án này được thực hiện thì Hà Nội sẽ nắm trong tay cơ hội vàng để phát triển. Theo giới chuyên gia quy hoạch, chí ít thì cũng tới trên dưới 1 triệu người được hưởng lợi khi hai bên sông Hồng biến thành thành phố phường. Rồi thông tin “nâng cấp” thị xã Sơn Tây lên thành phố, huyện Đông Anh thành quận… cũng khiến cơn sốt đất bùng phát.

Trong “phong trào” xin làm sân bay, nhiều làng quê vốn yên ả thanh bình bỗng chốc như sôi. Ví như tỉnh Quảng Trị, phía Bắc đã có sân bay Vinh, Đồng Hới; phía Nam đã có sân bay Phú Bài (Huế), Đà Nẵng; nằm ngay giữa 4 sân bay cũng xin làm sân bay. Từ sau Tết Nguyên đán tới nay, ngày nào cũng có người đến từng hộ dân xã Gio Quang, xã Gio Mai (huyện Gio Linh) để hỏi mua đất rồi “thổi” giá lên từng ngày. Đất từ chỗ không ai mua do là vùng cát nội đồng khó sản xuất, trước Tết không bán nổi 150 triệu đồng/1,5ha thì nay lên tới 400 triệu đồng/1,5ha.

Nhưng, có lẽ thời gian qua cơn sốt đất dữ dội nhất lại thuộc về một địa phương… chưa bao giờ sốt đất. Đó là tỉnh Bình Phước. Cũng lại từ thông tin làm sân bay. Cụ thể là sau khi có thông tin tỉnh Bình Phước đề xuất với Thủ tướng cho sử dụng sân bay Técníc (Tech Nique) Hớn Quản để xây dựng sân bay lưỡng dụng, giới “cò đất” đã ùn ùn kéo đến lôi kéo, dụ dỗ người dân mua bán đất.

Trên tuyến đường liên xã An Khương - Tân Lợi từ ngã ba ấp Sóc Trào A, xã Tân Lợi đến ấp 5, xã An Khương cả gần 2 tháng trời chôn rộn cảnh giới thiệu mua bán đất. Cơ man biển báo “mua bán đất sân bay Técníc” mọc lên. Khiếp hơn nữa là “cò” đất lại có cả “sơ đồ tự vẽ” các dự án phân lô bán nền. Lô ngang 10m, dài 30m mặt tiền đường liên xã có giá 2,5 đến hơn 3 tỷ đồng. Gấp cả chục lần trước khi có thông tin tỉnh xin Trung ương được làm sân bay.

Đón đầu dự án, thổi giá đất lên, “bong bóng” bất động sản không còn xa. Khi bong bóng vỡ thì thật là “đại họa lâm đầu”.

Thế nên mới nói, sốt đất có nhiều nguyên nhân, nhưng trách nhiệm trước tiên và sau cùng chính là chính quyền địa phương, là cán bộ địa chính. Họ không kiểm soát, để mặc tình trạng mua bán đất sai luật pháp hiện hành. Đó là thái độ vô trách nhiệm, trục lợi, chưa nói là có tội với dân.

Nam Việt