Người Mỹ gốc Á những ngày ‘khó thở’

Hà Anh 01/04/2021 06:30

Người Mỹ gốc Á đang chứng kiến những ngày “khó thở” nhất khi làn sóng kỳ thị ngày một dâng cao, với các vụ bạo lực, hành hung diễn ra ngày một tăng, thậm chí ngay trên đường phố trung tâm quận Manhattan - “cửa ngõ” thương mại lớn nhất thế giới - thành phố New York. Chính quyền Tổng thống Biden cũng đã ngay lập tức đưa ra những giải pháp để chống lại vấn nạn này.

Biểu tình phản đối phân biệt đối xử với người gốc Á tại Mỹ. Nguồn: BBC.

Bạo lực gia tăng

Lực lượng đặc nhiệm chống tội phạm thù ghét thuộc Sở cảnh sát New York hôm 30/3 cho biết, một phụ nữ gốc Á 65 tuổi vô cớ bị tấn công vào khoảng 11h40 hôm 29/3 ngay trên đường phố Manhattan, New York.

Cảnh sát New York sau đó công bố video ghi lại cảnh một gã đàn ông da màu cao to đột nhiên đạp vào bụng người phụ nữ gốc Á, khiến bà ngã gục xuống đất. Tên này còn tiếp tục đá mạnh vào đầu và liên tục nói những điều xúc phạm người châu Á.

Khi người phụ nữ gốc Á bị tấn công, có ít nhất ba người chứng kiến cảnh tượng này nhưng không ai giúp đỡ bà. Thậm chí có người còn vội vàng đóng cửa khi kẻ tấn công rời đi, bỏ mặc người phụ nữ gốc Á nằm đau đớn trên mặt đất.

“Nạn nhân bị thương nặng, được đưa đến bệnh viện NYU Langone và đã ổn định”- Sở Cảnh sát New York cho biết và thêm rằng, họ đang gấp rút truy tìm hung thủ tấn công người phụ nữ gốc Á.

Sự việc ngày 29/3 đánh dấu vụ tấn công bạo lực mới nhất nhằm vào người gốc Á tại Mỹ. Một phân tích về số liệu thống kê của Sở Cảnh sát New York cho biết tội phạm hận thù chống người gốc Á đã tăng đáng kể ở khắp 16 thành phố Mỹ trong năm qua.

Trung tâm Nghiên cứu về chủ nghĩa thù hận và cực đoan tại Đại học bang California cũng công bố dữ liệu cho thấy tội ác chống người gốc Á ở Mỹ đã tăng 150% năm qua.

Tội phạm bạo lực nhằm vào người gốc Á đã gia tăng ở Mỹ kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Đầu tháng này, 6 phụ nữ gốc Á đã thiệt mạng trong một xả súng nhằm vào 3 spa của người gốc Á ở thành phố Atlanta. Hôm 17/3, một người phụ nữ gốc Á 75 tuổi cũng bị tấn công phân biệt chủng tộc ở San Francisco, Mỹ hôm 17/3. Người phụ nữ này sau đó quyết định dành gần 1 triệu USD từ chiến dịch gây quỹ để chống lại các hoạt động phân biệt chủng tộc.

Hồi dầu tuần này, mạng xã hội ở Mỹ cũng đã lan truyền một video khác cho thấy một thanh niên châu Á trên tàu điện ngầm ở New York bị một người tấn công, kẹp cổ đến bất tỉnh. Nhiều hành khách trên tàu chỉ đứng nhìn mà không can thiệp.

Dư luận sôi sục

Những vụ tấn công mới nhất tiếp tục gióng lên hồi chuông đáng báo động về các tội ác nhằm vào người gốc Á tại Mỹ. Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát đầu năm 2020, số lượng tội ác hận thù chống người gốc Á ở 16 thành phố lớn nhất Mỹ đã tăng tới 150%. Chỉ tính riêng ở New York, từ đầu năm đến nay đã có 26 vụ kỳ thị, bạo lực nhằm vào người gốc Á.

Trên khắp nước Mỹ, nhiều cuộc tuần hành, hội thảo, sự kiện trực tuyến... phản đối hành động bạo lực nhằm vào người gốc Á đã và đang tiếp tục diễn ra. Nhiều tiếng nói yêu cầu chính quyền Tổng thống Joe Biden phải có hành động phản ứng ngay lập tức và mạnh mẽ hơn.

Lên án các vụ tấn công, Thị trưởng New York Bill de Blasio nói: “Tôi không quan tâm bạn là ai và đang làm gì. Nhưng khi thấy ai đó bị tấn công, hãy làm bất cứ điều gì có thể để giúp đỡ họ. Chúng ta cần là một phần của giải pháp chống kỳ thị. Chúngta không thể ngoảnh mặt và nhìn hành động tàn ác diễn ra”.

Dù chính trường Mỹ còn chia rẽ trong một số vấn đề nhưng một nhóm gồm 26 thống đốc bang, thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, đã cùng ký một tuyên bố chung lên án tình trạng bạo lực gia tăng nhằm người gốc Á, cam kết hành động mạnh mẽ hơn để bảo vệ, hỗ trợ các cộng đồng người Mỹ gốc Á.

Các biện pháp chống kỳ thị người gốc Á

Ngày 30/3, trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định, các vụ tấn công nhằm vào người gốc Á là sai trái, cần chấm dứt và nước Mỹ không thể im lặng trước tình trạng này. Chính vì vậy, chính quyền của ông quyết định đưa ra một loạt biện pháp mới để ngăn chặn vấn đề nhức nhối tái diễn

“Chúng tôi không thể im lặng trước tình trạng bạo lực gia tăng nhằm vào người Mỹ gốc Á. Những cuộc tấn công này là sai trái, đi ngược lại giá trị của nước Mỹ và phải dừng lại” - ông Biden viết trên Twitter.

Đặc biệt trong số các biện pháp bổ sung có việc huy động 49,5 triệu USD từ Kế hoạch Giải cứu nước Mỹ để chi cho một chương trình tài trợ mới cho người Mỹ gốc Á và người Mỹ gốc quân đảo Thái Bình Dương - những người sống sót sau các vụ tấn công tình dục và bạo lực trong nước. Các cơ quan chức năng Mỹ cũng sẽ minh bạch dữ liệu về các vụ bạo lực nhằm vào người Mỹ gốc Á; xóa bỏ rào cản ngôn ngữ bằng cách đưa thông tin lên các website bằng 5 ngôn ngữ phổ biến, trong đó có tiếng Việt.

Quỹ Tài trợ quốc gia nhân văn sẽ ra mắt một thư viện ảo gồm các dự án do liên bang tài trợ nhằm tìm hiểu và tôn vinh những đóng góp của người Mỹ gốc Á cho Mỹ. Gói này cũng bao gồm việc tài trợ cho các nghiên cứu quan trọng nhằm ngăn chặn và giải quyết tình trạng thiên vị và bài ngoại đối với các cộng đồng người Mỹ gốc Á.

Theo tuyên bố của Nhà Trắng, Bộ Tư pháp cũng đang lên kế hoạch cho những nỗ lực mới nhằm thực thi Luật Chống tội phạm thù hận và báo cáo dữ liệu về tội phạm phân biệt chủng tộc.

Trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực phân biệt chủng tộc, cảnh sát New York cũng đã tăng cường hiện diện ở các khu vực có nhiều người gốc Á sinh sống, trong khi đó các nhóm tình nguyện lập ra các đội tuần tra an toàn để bảo vệ người gốc Á. Một số cuộc tuần hành nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với cộng đồng người Mỹ gốc Á đã diễn ra với sự tham gia của một số chính trị gia và các nhà hoạt động.

Người dân gốc Á đã sinh sống ở Mỹ hơn 160 năm qua và từ lâu trở thành mục tiêu của sự kỳ thị. Máu và nước mắt của người gốc Á cũng đã từng đổ trên nước Mỹ vì sự phân biệt đối xử. Có lẽ tới nay, khi “giọt nước đang tràn ly”, người dân và chính quyền Mỹ không muốn lịch sử lặp lại.

Rạng sáng ngày 31/3, Cảnh sát New York bắt được Brandon Elliot, kẻ hành hung người phụ nữ gốc Á ngay trên đường phố New York. Elliot, 38 tuổi, bị cáo buộc một số tội danh, trong đó có hành hung vì tội thù ghét - cảnh sát New York cho biết.

Hà Anh