Ưu tiên dùng hàng Việt: Không chỉ dừng ở cuộc vận động

Tuệ Phương 17/04/2021 07:25

Để kích cầu nội địa, tăng tổng mức hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố đã tổ chức nhiều chương trình để kích cầu tiêu dùng. Từ những hoạt động này, ý thức người dân khi mua sắm hàng Việt được nâng lên một bước đáng kể.

Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, hàng năm Sở phối hợp cùng các ban, ngành trên địa bàn thành phố tổ chức các chương trình bán hàng Việt, kích cầu tiêu dùng như: Tuần hàng Việt; phiên chợ Tuần nông sản thực phẩm an toàn; hội chợ vàng xuất khẩu; hội chợ OCOP; chương trình “Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam”...

Đặc biệt, năm 2020 trong chương trình khuyến mại tập trung với chủ đề “60 ngày vàng, rộn ràng mua sắm”, Sở đã tiếp nhận 4.963 thông báo, đăng ký khuyến mại của doanh nghiệp tham gia với tổng giá trị khuyến mại đạt trên 20.000 tỷ đồng.

Đồng hành với các sở, ngành thành phố, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” các quận, huyện, thị xã cũng phối hợp với chính quyền cùng cấp hỗ trợ doanh nghiệp xác định, lựa chọn địa điểm bán hàng thuận lợi để nhân dân, người tiêu dùng mua sắm nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm các chương trình bán hàng Việt tại các khu dân cư.

Ông Phạm Quang Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai cho biết, sự vào cuộc tích cực của các địa phương đã khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc trong mỗi người Việt Nam, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, góp phần xây dựng nền kinh tế tự lực, tự cường. Nhận thức được tầm quan trọng đó, cán bộ, Đảng viên trên địa bàn huyện ngày càng hiểu sâu sắc hơn về mục đích, ý nghĩa của CVĐ, từ đó đã thay đổi nhu cầu tiêu dùng theo hướng ưu tiên dùng hàng sản xuất trong nước.

Để thực hiện tốt CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, theo Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQ thành phố, Phó Trưởng ban Chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn, trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo CVĐ đã không ngừng nâng cao chất lượng CVĐ nhằm giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với những sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao.

Bên cạnh việc chủ động xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tìm kiếm, mở rộng thị trường, phát triển sản xuất…. thành phố cũng tập trung đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư hạ tầng thương mại. Đến nay, toàn thành phố có 142 siêu thị, 28 trung tâm thương mại, khoảng 1.700 cửa hàng tiện lợi, 455 chợ đang hoạt động. Ngoài ra, 2 trung tâm logistics, 3 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng dịch vụ logistics đã được thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư và 9 dự án khác đang hoàn thiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư.

“Thời gian tới, Ban Chỉ đạo CVĐ sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động để tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền; phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội thành phố và các cơ quan thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ông Tuấn chia sẻ.

Tuệ Phương