Thận trọng trong hôn nhân

Trần Hữu Thăng 20/04/2021 14:00

Trong tất cả các vị ngọt, các vị lạc thú ở trên đời, không gì có thể sánh kịp với một cuộc hôn nhân hạnh phúc, trọn vẹn, viên mãn.

Trong tất cả các vị ngọt, các vị lạc thú ở trên đời, không gì có thể sánh kịp với một cuộc hôn nhân hạnh phúc, trọn vẹn, viên mãn. Vì hôn nhân tạo dựng ra gia đình, gia đình lại là tế bào của xã hội, thế thì thử hỏi có gì ở trên đời này có giá trị bằng hôn nhân.

Ấy thế mà trong tất cả các vị đắng mà mỗi con người phải nếm trải trong cuộc chơi “dâu bể đa đoan” này thì cũng không có gì đắng ngắt, đắng dễ sợ, đắng khủng khiếp, đắng triền miên bằng hôn nhân. Có người tự tử, có người thân bại danh liệt, có người khóc dở mếu dở cũng bởi tại hôn nhân.

Chỉ so sánh với một số vị đắng ta nếm trải hàng ngày thì thấy rõ:

- Vị đắng trái cây, vị đắng thức ăn: nếu ta thấy một quả hồng chín bên ngoài, trông mọng đỏ đẹp mắt, nhưng khi cắn vào ta mới thấy chát xít, ta sẽ vứt ngay quả hồng vào sọt rác, súc miệng thật sạch thế là xong. Ăn phải thức ăn có vị đắng, mùi ôi, ta đổ bỏ là xong. Nói chung, rất đơn giản, rất dễ giải quyết.

- Vị đắng bạn bè, đồng nghiệp, vị đắng trong công ăn việc làm, vị đắng trong nghề nghiệp: ta lặng lẽ chia tay, tìm người bạn khác, tìm công việc khác, tìm nghề khác. Vị đắng này khó giải quyết hơn, phức tạp hơn nhưng vẫn có lối thoát.

- Vị đắng tình yêu: nghĩa là lúc này chưa bị ràng buộc bởi hôn nhân, chưa đăng ký kết hôn ở Ủy ban, như thế là cực kỳ may mắn. Ta lặng lẽ chia tay, dù đó là “chia tay bình minh” hay “chia tay hoàng hôn” thì vẫn có lối thoát, vẫn có thể chia tay tình yêu.

- Vị đắng hôn nhân: Rất phức tạp, rất khó giải quyết. “Ván đã đóng thành thuyền”, nay lại phá nát ra, chỉ còn có thể dùng làm củi đun bếp mà thôi! Có người mua sẵn một tập giấy mẫu “Đơn xin ly hôn”, chỉ tưởng điền vào chỗ trống trong đơn rồi ký là xong. Ai dè lại phải theo đuổi lên đủ mọi cấp, đến cả năm trời vẫn chưa giải quyết được ly hôn. Có người buồn quá sinh bệnh mà tòa vẫn chưa xử được vì còn chưa giải quyết được ổn thỏa trong việc chia gia tài, chia nhà cửa, rồi còn phân công ai nuôi con, ai đưa trợ cấp hàng tháng, cãi nhau mãi không ai chịu ai, đến Ủy ban cũng chịu!

Vị đắng hôn nhân trong văn chương chữ nghĩa:

Người Anh cổ đã tỏ ra rất khôn ngoan và hóm hỉnh răn dạy con cháu đến tuổi kết hôn: “Hôn nhân là một đĩa thức ăn đậy nắp kín nên chẳng ai biết bên trong có gì”. Thôi thì cứ liều mở nắp ra mà ăn chứ biết làm sao. Trong cái đĩa thức ăn “tù mù” ấy, ai gặp may thì được miếng ăn ngon thì nên cảm ơn cuộc đời, cảm ơn số phận. Ai không may gặp phải miếng ăn khó nuốt thì cũng cứ đành ngậm ngùi và lịch sự cảm ơn cuộc đời chứ biết làm sao. Vì mấy ai đã đủ dũng cảm để đổ bỏ đĩa thức ăn ấy khi trong bụng vẫn đang đói, vẫn cần phải ăn. Nghĩ sâu hơn, xa hơn nữa thì lại có ý băn khoăn: nếu đã đổ cái đĩa thức ăn cũ ấy đi rồi, chọn đĩa khác, nếu chẳng may lại còn thảm hại hơn cái đĩa thức ăn cũ thì sao? Chẳng bõ làm trò cười cho thiên hạ. Chẳng thế mà một trong những nhà triết học thâm thúy bậc nhất của Hoa Kỳ là ông Benjamin Franklin (1706 – 1790) đã từng dặn dò: “Hãy mở to mắt trước khi kết hôn, sau đó thì đành mắt nhắm mắt mở”. Vì sao thế? Rất dễ hiểu. Trước khi quyết định cưới ai làm vợ, lấy ai làm chồng, người đàn ông hay người đàn bà cần mở to mắt hết cỡ, xem có điều gì băn khoăn, lưỡng lự, đắn đo, suy nghĩ chưa kỹ không. Nếu vì nóng vội hay cứ tưởng suy nghĩ đã chín rồi thì cứ quyết định tiến tới hôn nhân. Sau khi cưới, để giữ sĩ diện cho nhiều phía, nếu gặp phải hoặc phát hiện ra những việc không hay của đối phương cũng đành mắt nhắm mắt mở làm ngơ, cho êm cửa êm nhà. Đành đóng vai trò nửa tỉnh, nửa mê để giữ gìn cho đúng quy trình “trong ấm ngoài êm”, cố theo phương châm “xấu chàng hổ ai”, hoặc “đóng cửa bảo nhau”, hoặc “trong héo ngoài tươi”, hoặc “đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại”, hoặc “trong đom đóm. ngoài bó đuốc”...

Nhà thơ nổi tiếng của xứ sở sương mù Colley Cibber đã tổng kết một cách tài tình về cái vị đắng hôn nhân trong câu thơ ai oán: “Ôi đã có biết bao đau khổ nằm trong cái vòng tròn nhỏ xíu của chiếc nhẫn cưới”.

Cũng tại nước Anh đầy triết học này, còn có tác giả John Ray cũng đã dặn dò kỹ lưỡng biện pháp để tránh “vị đắng hôn nhân”. Đó là: đừng vội vàng hấp tấp mà quyết định cưới xin, mà quyết định lấy vợ, lấy chồng. Vì sao, vì “Kết hôn vội vã, hối hận lâu dài”.

Có một câu ngạn ngữ Tây Ban Nha cổ, ai đọc cũng thấy buồn cười. Ai cũng cứ cho là nội dung câu này là hơi quá đáng, là thậm xưng. Nhưng đối với những người gặp thất bại trong hôn nhân lại thấy câu này quá đúng, quá chuẩn. Câu đó là: “Chọn cuộc hôn nhân cũng như chọn quả dưa hấu. Nếu may mắn, có khi cũng tìm được quả ngon”.

Cũng theo ý tứ này, tác giả Ben Johnson (1633) cũng đã xác định rõ ràng: “Hôn nhân thực ra cũng may rủi như trò chơi xổ số mà thôi”.

Tác giả A.Bougeard (1856), nhà triết học kiêm thi sĩ Pháp đã mô tả hôn nhân khá thú vị: “Hôn nhân chẳng qua chỉ là việc dịch một bài thơ tình ái thành một đoạn văn xuôi tầm thường”. Chao ôi, rõ thảm hại thay cho hôn nhân, thảm hại thay cho văn xuôi tẻ nhạt!

Người Italia cổ thì thiết thực hơn, cụ thể hơn khi đánh giá hôn nhân: “Hôn nhân cũng như món mì ống, phải ăn nóng mới ngon”. Đọc xong câu này ai cũng rùng mình nghĩ đến “vị đắng hôn nhân”, nghĩ đến đĩa mì đã lạnh ngắt.

Vị đắng hôn nhân trong muôn mặt đời thường:

Câu chuyện 1: Anh Xuân là một thanh niên được trời ban cho một khuôn mặt đẹp và một cơ thể cường tráng với chiều cao 1m75. Sau khi thi trượt đại học anh quyết định thi vào một lớp người mẫu. Quả nhiên môi trường này hoàn toàn thích hợp với anh. Cuộc đời anh bay bổng như cánh diều gặp gió. Rồi anh thi đoạt giải Nam Vương. Anh hiên ngang đi giữa tiếng reo hò của các cô gái đang nhìn anh thèm muốn. Xuân nghĩ bụng: “Mình phải lợi dụng cái vốn tự có quý báu này để có cuộc sống giầu sang, sung sướng. Một quý bà doanh nhân thành đạt, sau khi chia tay hai đời chồng đã chủ động tìm đến anh để tiến hành một cuộc hôn nhân giữa phi công trẻ và máy bay bà già. Xuân nhận lời cưới bà này làm vợ và có được một đời sống vật chất thỏa mãn, còn đời sống tinh thần có nhiều dày vò cay đắng. Anh không dám về quê vì sợ bà con họ hàng, làng xóm nói là: “Trai bao”. Bị bạn bè anh xa lánh, kệ họ, ta cứ sướng cái thân đã! Nhưng sự đời không bao giờ chiều theo ý con người. Con trai lớn của nữ đại gia cũng xấp xỉ tuổi với Xuân, quyết không cam lòng để gia tài của mẹ mình rơi vào tay kẻ khác nên đã thuê xã hội đen trừng phạt Xuân. Kết quả: Khi Xuân tỉnh dậy trong bệnh viện mới biết là mình đã mất một con mắt, mất một bàn chân, trở thành người tàn tật tội nghiệp. Bệnh viện đã cứu anh thoát chết và trợ giúp cho ít tiền để về quê. Giờ đây hàng ngày tập tễnh, che kín mặt đi làm ruộng, cựu Nam Vương Xuân đau đớn nghĩ đến cuộc hôn nhân khủng khiếp mà anh vừa trải qua. Chẳng lẽ sự nghiệp của anh lại kết thúc quá sớm, cuộc đời anh lại quá đáng buồn như vậy sao?

Câu chuyện 2: Từ nhỏ Bưởi đã tỏ ra sắc sảo khôn ngoan trong mọi việc. Mồm miệng nhanh nhẩu, ứng xử khéo léo, học lực tốt, nên tuy nhan sắc trung bình nhưng cô đã đỗ vào Đại học Sư phạm không mấy khó khăn. Cô đã đổi tên là Xuân Lan và yêu một thầy giáo dạy môn Tâm lý. Sau năm học đầu tiên cô đã trở thành vợ của thầy giáo này. Suốt mấy năm học Đại học cô được thầy thương yêu, chiều chuộng và cô đã tốt nghiệp Đại học dễ dàng. Tốt nghiệp xong cô đột ngột chia tay với ông thầy tội nghiệp để về làm thư ký cho một ông lãnh đạo tỉnh. Ông lãnh đạo này đã ly dị bà vợ già để cưới Bưởi làm vợ. Lấy chồng lần thứ hai chưa được bao lâu thì Bưởi bị vợ con ông lãnh đạo đánh đập dẫn đến tàn phế, còn ông lãnh đạo thì bị cách chức, trở thành trắng tay!

Trong tất cả các lựa chọn mà con người phải làm trong cuộc đời, thì lựa chọn một hôn nhân chuẩn mực có lẽ là khó nhất, là vất vả nhất. Nhưng nếu ai thành công thì tránh được vị đắng của nó và được hạnh phúc trọn vẹn. Ta nên tuân theo lời dạy của Thi hào Nguyễn Du: “Trăm năm tính cuộc vuông tròn/ Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông”.

Trần Hữu Thăng