Thủ đoạn dùng tài khoản mạo danh từ thiện trên mạng xã hội

Đoàn Xá 13/05/2021 07:01

Tình trạng mạo danh, lập các tài khoản trên mạng xã hội (chủ yếu là Facebook) rồi đăng hình ảnh, clip về người nghèo, người khuyết tật để xin tiền, hiện vật, trục lợi từ cộng đồng đang ngày một nhiều. Trong đó, nhiều tài khoản có dấu hiệu lừa đảo.

Cách đây vài ngày, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an đã bắt giữ đối tượng Trần Văn Lâm (ngụ Hà Nam). Chỉ bằng cách lập các tài khoản, Fanpace trên Facebook mà đối tượng này đã lừa được tới gần 7 tỷ đồng trong thời gian ngắn.

Là một chủ tài khoản kênh YouTube khá nổi tiếng với gần 800 ngàn người theo dõi, anh P.B chia sẻ anh từng nhiều lần bị các đối tượng trên mạng xã hội giả danh với mục đích kêu gọi ủng hộ tiền từ thiện. “Trên kênh YouTube cá nhân của mình, tôi có chia sẻ và giúp đỡ nhiều hoàn cảnh nghèo khổ, khó khăn, bất hạnh ở các tỉnh, thành phía Nam.

Những nhân vật này đều nhận được sự giúp đỡ chân thành từ cộng đồng, chủ yếu là tiền bạc để giúp đỡ họ vượt qua giai đoạn khó khăn của cuộc đời. Có người nhận được hàng trăm triệu đồng, chủ yếu bằng hình thức chuyển qua chủ kênh. Và toàn bộ các số tiền này cũng đều được tôi chuyển tới các hoàn cảnh ấy.

Tuy nhiên, có một số kẻ vì lòng tham đã lấy các hình ảnh, clip về những người bất hạnh ấy rồi mạo danh tôi, hoặc mạo danh một vài diễn viên, ca sỹ, nhóm cộng đồng... để kêu gọi cộng đồng giúp đỡ. Họ cũng khéo léo chèn tài khoản ngân hàng cá nhân vào đó để cộng đồng gửi tiền. Sau khi nhận tiền thì họ xóa hết các thông tin, và lại tiếp tục chờ đợi các hoàn cảnh khác, với thủ đoạn tương tự”- anh P.B bức xúc chia sẻ.

Cũng tương tự, anh T.SG, chủ một kênh YouTube với gần 500 ngàn người theo dõi trên mạng cũng nhiều lần bị kẻ khác mạo danh để kêu gọi tiền từ thiện. Anh cho biết: Chỉ bằng vài thao tác đơn giản như chụp màn hình, tải clip rồi đăng lại trên các hội, nhóm (fanpage) trên mạng rồi gắn tài khoản ngân hàng vào, kêu gọi cộng đồng chung tay giúp sức là có cả chục, thậm chí cả trăm triệu đồng tiền từ khắp nơi gửi về. Sau khi nhận xong rồi xóa hết thông tin khiến cho việc tìm kiếm vô cùng khó khăn. Nếu không có công an mở các cuộc điều tra thì rất khó để đưa những người này ra ánh sáng vì họ lại tiếp tục đi kêu gọi, trục lợi như vậy.

Không chỉ mạo danh, nhiều kẻ còn táo tợn gặp gỡ những người bất hạnh, người nghèo để xin quay phim clip rồi đăng lên mạng xã hội kêu gọi ủng hộ tiền. Sau khi nhận được tiền thì không trao lại cho những nhân vật cần giúp đỡ. Với người gửi tiền gần như chỉ còn cách kêu gào “tẩy chay” trên mạng xã hội chứ rất khó có sự trợ giúp nào khác.

Việc giúp đỡ, chia sẻ cho nhau khi khó khăn, bệnh tật, bất hạnh là truyền thống quý báu của người dân Việt Nam, thậm chí nhiều người Việt ở nước ngoài cũng gửi tiền về giúp đỡ nếu họ coi được những thông tin, hình ảnh về những người bất hạnh trong nước.

Chính vì vậy, việc lập các tài khoản trên mạng, chia sẻ các hình ảnh thương tâm để nhận tiền diễn ra ngày một nhiều, phức tạp và rất khó kiểm soát. Một cán bộ công an chia sẻ, hiện nay có nhiều tổ chức cá nhân đứng ra làm từ thiện, giúp đỡ những người khó khăn.

Tuy nhiên cũng có nhiều cá nhân mạo danh, nhận tiền nhưng không chuyển, hoặc chuyển không đầy đủ. Với cơ quan chức năng, nếu như người gửi tiền không có đơn thư tố giác, tố cáo thì gần như sự việc sẽ chìm vào quên lãng.

Về vấn đề này, LS Tri Đức (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết, các hành vi kêu gọi từ thiện, giả mạo cá nhân, tổ chức kêu gọi từ thiện là hành vi có dấu hiệu phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự hiện hành.

Theo đó, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây (đã vi phạm trước đó, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội, có tổ chức...), thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm...

Đoàn Xá