Covid-19, mỗi nơi một khác

Hà Anh 10/07/2021 06:30

Đại dịch Covid-19 bước sang giai đoạn mới với nhiều diễn biến phức tạp. Nhiều nước châu Á từng thành công trong việc chống dịch đang phải đối mặt với số ca mắc mới tăng vọt thì tại châu Âu, điển hình là Anh, lại có kế hoạch nới lỏng toàn bộ các biện pháp hạn chế phòng dịch.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h sáng 9/7, thế giới đã ghi nhận 186.303.312 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong khi số ca tử vong đã lên tới 4.023.670 ca. Châu Á hiện có nhiều ca nhiễm nhất, hơn 57 triệu ca, tiếp đến là châu Âu với hơn 48,6 ca. Khu vực Bắc Mỹ đứng thứ ba với hơn 40,8 triệu ca và Nam Mỹ đã ghi nhận hơn 33 triệu ca nhiễm.

Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo sau một thời gian nới lỏng các biện pháp phòng dịch. Ảnh: AFP.

Châu Á vẫn lao đao

Indonesia, nước đang phải đối mặt với đợt bùng phát dịch Covid-19 tồi tệ nhất ở châu Á, ghi nhận 38.391 ca mới và 852 ca tử vong do Covid-19 trong ngày 8/7.

Quan chức phụ trách chiến dịch đối phó Covid-19 của Indonesia, ông Luhut Pandjaitan, cho biết số ca mắc Covid-19 có thể lên tới 70.000 ca/ngày. Chính phủ đang phải tìm mua nguồn ôxy từ nước láng giềng Singapore để khắc phục tình trạng cạn kiệt nguồn cung trong nước.

Theo truyền thông Indonesia, các bệnh viện trên đảo Java hiện đã tới điểm khủng hoảng. Một số bệnh viện đã phải tạm thời đóng cửa phòng cấp cứu do hết nguồn oxy y tế hoặc do có nhiều nhân viên mắc Covid-19.

Theo dữ liệu do PERSI phối hợp với IDI, Hiệp hội Y tá Indonesia (PPNI) và các hiệp hội y tế khác công bố, ít nhất 1.031 nhân viên y tế đã tử vong tại Indonesia kể từ khi đại dịch bùng phát. Các bác sĩ ghi nhận nhiều ca tử vong nhất với 405 người, tiếp theo là y tá với 328 người và hộ sinh với 160 người.

Chủ tịch IDI Slamet Budiarto cảnh báo các bệnh nhân đang tử vong vì không được điều trị Covid-19, trong bối cảnh các bệnh viện thiếu kinh phí để vận hành.

Thái Lan từng là một hình mẫu chống dịch hồi năm ngoái với sự quyết liệt của quân đội trong việc kiểm soát biên giới và các khu cách ly. Tuy nhiên, điều này cũng gây sức ép lên nền kinh tế của Thái Lan. GDP của Thái Lan giảm 6,1% trong năm 2020.

Việc vội vã mở cửa kinh tế trở lại trong bối cảnh biến chủng nguy hiểm lây lan khiến số ca mắc mới và tử vong vì Covid-19 ở Thái Lan liên tiếp lập kỷ lục thời gian gần đây.

Thái Lan ngày 9/7 ghi nhận 9.276 ca mắc mới Covid-19 trong 24 giờ qua - cao nhất kể từ khi dịch bùng phát và tăng mạnh so với 7.058 ca ghi nhận một ngày trước đó. Trong số ca mắc mới ghi nhận ngày 9/7 có 8.998 ca ghi nhận trong cộng đồng và 278 ca là các tù nhân.

Cũng trong ngày 9/7, Thái Lan thông báo có thêm 72 trường hợp tử vong vì Covid-19. Như vậy, kể từ đầu dịch tới nay, Thái Lan đã có tổng cộng 317.506 ca mắc, trong đó có 2.534 người tử vong.

Trước tình trạng số ca mắc mới Covid-19 hằng ngày tăng nhanh, Chính phủ Thái Lan dự kiến sẽ áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt hơn để làm chậm tốc độ lây nhiễm, bao gồm hạn chế di chuyển của người dân.

Trước đó, bất chấp tỷ lệ tử vong cao chưa từng có trong tháng 6, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha vẫn lạc quan tuyên bố Thái Lan sẽ mở cửa hoàn toàn vào tháng 10. Phuket được coi là phép thử cho kế hoạch mở cửa của Thái Lan khi thiên đường du lịch này chính thức mở cửa trở lại đón du khách quốc tế từ ngày 1/7.

Ban đầu, Nhật Bản cũng được xem là kiểm soát thành công đại dịch thông qua truy vết tiếp xúc, nhưng đến nửa sau năm 2020, tình hình bắt đầu diễn biến xấu đi hơn khi chính phủ tung ra các chiến dịch thúc đẩy du lịch nội địa.

Tokyo đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp từ đầu tháng 1 đến cuối tháng 3 và tiếp tục từ cuối tháng 4 đến cuối tháng 6. Giáo sư Koji Wada của Đại học Y tế và Phúc lợi Quốc tế, cho rằng chính phủ Nhật Bản đã nới lỏng các biện pháp hạn chế quá sớm khi dịch chưa thực sự được kiểm soát. Cũng theo chuyên gia này, Nhật Bản không có một chiến lược rõ ràng mà chỉ đơn thuần ứng phó với các sự kiện.

Châu Âu lên kế hoạch gỡ bỏ giãn cách

Tại châu Âu, Pháp, Nga và Anh là 3 nước ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất châu lục, hiện đều đã hơn 5 triệu ca. Trong đó, Anh là nước ghi nhận nhiều ca tử vong nhất (128.336 ca) và Italy ghi nhận 127.731 ca, đứng thứ hai.

Dù vậy, Chính phủ Anh vẫn có kế hoạch dỡ bỏ hạn chế phòng đại dịch Covid-19 vào ngày 19/7. Ngay lâp tức, kế hoạch này đã vấp phải sự chỉ trích của giới khoa học là “nguy hiểm và phi đạo đức” thông qua một lá thư có chữ ký của hơn 4.000 nhà khoa học, bác sĩ, y tá và các chuyên gia khác, gửi cho tạp chí y khoa Lancet được công bố hôm 7/7.

Các nhà khoa học cho rằng Chính phủ Anh phải xem xét lại chiến lược hiện tại và thực hiện các hành động khẩn cấp để bảo vệ công chúng, bao gồm cả trẻ em. Chúng tôi cho rằng chính phủ đang thực hiện một chiến lược nguy hiểm và phi đạo đức. Chúng tôi kêu gọi chính phủ tạm dừng kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế vào ngày 19/7.

Bức thư của giới khoa học ban đầu chỉ có vài chục chữ ký của các nhà nghiên cứu, nay đã nhận được sự ủng hộ với 4.200 chữ ký trực tuyến.

Tiến sĩ Richard Horton - Tổng biên tập tạp chí Lancet, cho biết trong một tuyên bố, nhiều nhà khoa học thực sự lo ngại rằng với số lượng người được tiêm chủng đầy đủ dưới mức tối ưu và tốc độ lây truyền nhanh của virus, chúng ta đang ở thời điểm rất nguy hiểm của đại dịch. Việc dỡ bỏ các hạn chế vào ngày 19/7 sẽ không chỉ làm tăng mức độ lây truyền của virus mà còn tạo cơ hội cho sự xuất hiện của các biến thể mới có thể làm giảm hiệu quả của vaccine.

Hiệp hội Y khoa Anh cũng phản đối kế hoạch này của Chính phủ Anh.

Ngày 9/7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã gắn cảnh báo giám sát biến thể AT.1 của virus SARS-CoV-2, được phát hiện ở Nga hồi tháng 1. Biến thể này đã được xác định “cảnh báo cần theo dõi thêm”. Danh sách 12 biến thể ở mức độ cảnh báo sẽ được đánh giá lại nếu xuất hiện bằng chứng cho thấy những thay đổi của chúng ảnh hưởng đến mức độ lây lan dễ dàng, mức độ nghiêm trọng của bệnh hoặc hiệu quả của liệu pháp điều trị và vaccine phòng Covid-19.

Hà Anh