Sách bài tập ‘di căn’ sang chương trình mới

Thu Hương 17/07/2021 08:02

Bên cạnh sách giáo khoa (SGK) thì sách bổ trợ, tham khảo, đặc biệt là sách/vở bài tập đang là câu chuyện đau đầu của nhiều gia đình. Trên thực tế, tiền mua sách này có khi gấp vài lần giá bộ SGK bắt buộc.

2021-2022 là năm thứ hai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. SGK lớp 1, 2 và 6 có sự thay đổi. Trong đó, với từng khối lớp, Bộ GDĐT quy định các đầu sách bắt buộc cùng một quyển Tiếng Anh. Đơn cử như bộ SGK lớp 1 có 8 môn học bắt buộc (chưa kể sách Tiếng Anh tự chọn) có giá khoảng 200 nghìn.

Tuy nhiên, đầu năm học trước, bộ SGK mà nhiều trường bán cho phụ huynh học sinh lên tới 700-800 nghìn. Số tiền còn lại chính là vở bài tập, vở thực hành, sách luyện đọc, bộ đồ dùng Toán và Tiếng Việt… Đa số phụ huynh đều thắc mắc trước “combo” sách vở mà nhà trường thông báo nhưng vì không có dòng ghi chú về sách bắt buộc phải mua để học, sách tham khảo… nên cuối cùng, phụ huynh đều mua đầy đủ. Thậm chí, có những trường không hề in danh mục SGK để phụ huynh được biết mà chỉ thông báo và thu tiền, phát sách rất tù mù!

Phụ huynh không đi học nên cũng không rõ ở lớp cô sẽ dạy sách gì, bỏ sách gì nên tâm lý thừa còn hơn thiếu, hầu như tất cả các phụ huynh đều đăng ký mua sách ở trường cho con, nhất là khi sách theo chương trình mới chủ yếu bán theo ngành dọc, ra nhà sách giữa nhiều đầu sách đã được phê duyệt, phụ huynh chắc chắn hoa mắt!

Với sách lớp 2 và lớp 6, hiện các trường vẫn chưa thông báo năm học tới sẽ học sách gì nên phụ huynh muốn mua trước cho con để tham khảo cũng khó. Tuy nhiên, trên nhiều diễn đàn học tập và mạng xã hội, vở bài tập các môn học đã được rao bán rầm rộ. Và không loại trừ, sau này, chính các nhà trường cũng đưa vào bộ SGK bán cho học sinh.

Năm học trước, Bộ GDĐT đã phải yêu cầu các sở GDĐT tổ chức thanh tra, kiểm tra cơ sở giáo dục phổ thông trong việc trang bị SGK và tài liệu tham khảo, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều giáo viên giao bài cho học sinh làm trên vở bài tập in sẵn, không viết trên vở trắng. Nếu phụ huynh không mua, các con sẽ học như thế nào?

Nhập nhèm giữa sách tham khảo, sách bổ trợ và SGK, lại thêm nặng gánh sách bài tập, phụ huynh không khỏi lo lắng vì dịch bệnh, nhiều gia đình mất việc làm, kinh tế khó khăn.

Đó là chưa kể, thiết kế chương trình GDPT mới, học sinh vẫn cứ “ngụp lặn” trong sách tham khảo, vở bài tập là… thất bại! Học sinh không phải là thợ giải bài tập, không thể lấy thước đo giải càng nhiều bài tập là càng tốt. Thay vào đó, cách giảng dạy của giáo viên phải chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực cho người học. Phẩm chất, năng lực cho người học được phát triển, phát hiện nhờ các hoạt động dạy học của giáo viên và tự học của học trò chứ không phải giải bài theo mẫu có sẵn. Đó không thể là mục đích của việc thay đổi từ chương trình GDPT hiện hành sang chương trình GDPT mới như kỳ vọng của cả xã hội dành cho ngành giáo dục.

Thu Hương