Tạo đòn bẩy để vực dậy sản xuất

THANH GIANG (thực hiện) 21/07/2021 07:16

Bão dịch Covid-19 hoành hành khiến sản xuất trì trệ, cả nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề. Trong dư luận dấy lên những lo ngại về nguy cơ  tăng trưởng kinh tế chậm lại, lạm phát cao. Làm sao để sớmvực dậy sản xuất trong bối cảnh hiện nay, PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu.

Hỗ trợ an sinh kịp thời để “giữ chân” người lao động

TS Nguyễn Trí Hiếu.

PV:Thưa ông, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 này đã lây lan ra nhanh và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Theo ông, tác động của dịch bệnh lên nền kinh tế ra sao?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Làn sóng Covid-19 thứ 4 bùng phát mạnh chưa có dấu hiệu chững lại, đã, đang và sẽ tác động đến mọi mặt của nền kinh tế. Không có một lĩnh vực nào của nền kinh tế được “miễn trừ” trong đợt dịch này cả.

Con số 70.000 doanh nghiệp (DN) phải đóng cửa trong 6 tháng là bằng chứng rõ nét. Con số này tăng lên hàng ngày và chưa có điểm dừng. Kinh doanh nhỏ lẻ giảm doanh thu, nhiều nơi đóng cửa. Tại TP HCM hiện nay nhiều người còn buôn bán được gì.

Song, người bị ảnh hưởng nhiều nhất chính là những người lao động. Hàng trăm ngàn lao động thất nghiệp. Không biết đến khi nào người lao động mới có thể ổn định được công việc.

Tình hình dịch bệnh tác động tiêu cực đến nền kinh tế, vậy các gói hỗ trợ có đủ lực để đảm bảo an sinh xã hội?

-Chính phủ kêu gọi thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế”. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải có ngay gói hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tôi được biết, từ đầu năm đến nay Chính phủ mới đưa ra gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng để cho DN vay nhằm trả lương công nhân, giữ chân người lao động, ổn định sản xuất, hướng đến đảm bảo an sinh xã hội. Thế nhưng, gói 26.000 tỷ đồng chỉ như “muối bỏ biển”. Năm ngoái cũng có gói an sinh 62.000 tỷ đồng nhưng thực tế, thời điểm này gói 62.000 tỷ đồng chưa giải ngân được một nửa.

Các gói hỗ trợ này DN rất khó tiếp cận, mặc dù Chính phủ đã giảm đến 1/3 thủ tục. Một trong những điều kiện để DN nhận được hỗ trợ là không có nợ xấu. Trong khi phần lớn các DN khó khăn đều phải nợ nần, thậm chí “nợ chồng nợ”. Như vậy, xét về điều kiện chúng ta đã sớm bỏ DN nợ xấu ra khỏi gói hỗ trợ. Điều này đồng nghĩa, người lao động cũng không được hưởng phúc lợi.

Sản xuất kinh doanh cần được “bơm vốn”.

Thành lập tổ hợp tín dụng, hỗ trợ thuế và chính sách tài khóa

Như vậy, có nghĩa cần những gói hỗ trợ trực tiếp, hỗ trợ thẳng DN. Bởi, DN có phục hồi sản xuất, tỷ lệ người lao động thất nghiệp, mất việc mới giảm?

-Đúng như vậy! Trước đây tôi có đề xuất thành lập tổ hợp tín dụng. Hiện nay đề xuất này vẫn còn nguyên giá trị. Nghĩa là tất cả mọi ngân hàng phải tham gia vào tổ hợp đó. Tổ hợp tín dụng cho các DN vay để duy trì sản xuất kinh doanh, đặc biệt là cho DN vừa và nhỏ bị tác động từ dịch bệnh.

Nếu làm thì gói này lên đến 300.000 tỷ đồng chứ không phải mấy chục ngàn tỷ. Các ngân hàng đều tham gia và có thể cho vay với lãi suất rất thấp từ 3 – 5% thôi và không đòi hỏi tài sản đảm bảo. Nghĩa là vay tín chấp trong vòng 5 năm. Lý do,

DN vừa và nhỏ mà bắt tài sản đảm bảo thì lấy đâu ra, bởi vậy phải cho vay tín chấp. Mà vay tín chấp thì tổ hợp tín dụng này phải làm việc với quỹ bảo lãnh tín dụng của Chính phủ. Chỉ có cách đó mới có thể giúp DN vực dậy sản xuất kinh doanh.

Ngoài việc hình thành tổ hợp tín dụng, giảm lãi suất thương mại có phải là một trong những giải pháp cần được thực hiện để hỗ trợ sản xuất trong và sau dịch bệnh?

-Không thể trông chờ ngân hàng giảm lãi suất. Họ huy động vào thì họ phải có biên độ lợi nhuận khoảng 3% để cho vay ra. Muốn giảm lãi suất cho vay bắt buộc phải giảm lãi suất huy động. Muốn giảm lãi suất huy động, phải giảm sâu tỷ lệ lạm phát xuống khi đó người dân mới có lãi suất danh nghĩa trừ đi lạm phát. Ví dụ, lãi suất 6% mà lạm phát 4% thì họ phải có lãi suất thực dương là 2%. Thực ra môi trường kinh doanh của Việt Nam rất khó để giảm lãi suất. Chính vì lẽ đó giảm lãi suất khó có thể thực hiện được.

Ngoài việc thành lập tổ hợp tín dụng, giải pháp tổng thể cho nền kinh tế Việt Nam sau khi hứng chịu “cơn bão” dịch bệnh Covid-19 là gì, theo ông?

-Chúng ta cần có một giải pháp tổng thể cho nền kinh tế sau khi hứng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Ngoài việc thành lập tổ hợp tín dụng hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất cần áp dụng chính sách hỗ trợ thuế và các chính sách tài khóa khác như đầu tư. Đầu tư công sẽ tạo việc làm cho người lao động…. Đó là những gói hỗ trợ vừa kinh tế vừa an sinh xã hội.

Trân trọng cảm ơn ông!

THANH GIANG (thực hiện)