Hành trình vaccine phòng Covid-19 Việt

Toàn Nghĩa 01/08/2021 09:52

Ngay từ năm 2020, khi số ca mắc Covid-19 tại nước ta chỉ dừng lại ở những con số cực kỳ khiêm tốn, các cơ quan quản lý và các nhà khoa học Việt Nam đã xác định: Muốn Covid-19 kết thúc thì phải bằng vaccine chứ không phải vì cái gì khác.

Nghiên cứu vaccine để chủ động trong tương lai

Ở thời điểm đó, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công tác cũng thừa nhận: “Việc sản xuất vaccine vừa khó và việc đầu tư lớn, không hề đơn giản. Có những vaccine đòi hỏi quá trình phát triển vài chục năm mới thành công nhưng cũng có thứ mấy chục năm vẫn chưa thành công”.

Đồng thời, với hoàn cảnh của Việt Nam là nước đang phát triển, hệ thống cơ sở y tế, khả năng điều trị cũng như sản xuất dược phẩm, vaccine… còn rất khiêm tốn cũng là vấn đề khiến các chuyên gia rất băn khoăn.

Mặc dù vậy, các nhà khoa học xác định: “nếu sản xuất được vaccine, chúng ta sẽ có được một nền tảng công nghệ để sẵn sàng cho những đại dịch tiếp theo có thể xảy ra trong tương lai”.

Ông Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc Công ty TNHH MTV và sinh phẩm số 1 (Vabiotech) cho rằng: “đại dịch không chỉ có một, đại dịch sẽ có nhiều, vì thế, càng chủ động về công nghệ, chúng ta càng chủ động trong kiểm soát dịch hơn”.

Để hiện thực hoá giấc mơ vaccine phòng Covid-19 “made in Việt Nam”, 4 nhà sản xuất vaccine đã tuyên bố tham gia “cuộc chạy đua” này, bao gồm Vabiotech, Công ty Nanogen, Viện vaccine và sinh phẩm y tế Nha Trang (Ivac) và Trung tâm nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (Polyvac). Mỗi nhà sản xuất đi theo một hướng khác nhau.

Tuy vậy, ít ai ngờ được, vaccine phòng Covid-19 nội sẽ được nghiên cứu thành công trong thời gian ngắn.

Nghiên cứu vaccine Covid-19 tại Vabiotech. Ảnh: Quang Vinh

Những niềm hy vọng đầu tiên

Vào tháng 5/2020, các nhà khoa học của Vabiotech bất ngờ công bố, 2 đợt thử nghiệm trên chuột của vaccine phòng Covid-19 do đơn vị này nghiên cứu đã có kết quả khả quan với công nghệ vetor virus thay vì các công nghệ vaccine bất hoạt hoặc sống giảm độc lực như truyền thống.

Điều này được khẳng định bởi các chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, các chuyên gia xác định, mẫu huyết thanh trên chuột đã cho đáp ứng kháng thể, trong đó có những mẫu đáp ứng khá cao.

Những kết quả này đã làm bàn đạp cho kế hoạch thực hiện thử nghiệm lâm sàng trên người để có thể đánh giá được hiệu quả của vaccine.

Không chậm trễ hơn quá nhiều, với công nghệ tái tổ hợp protein – một công nghệ khá mới so với mặt bằng sản xuất vaccine tại Việt Nam, Công ty Nanogen cũng công bố, sản phẩm của đơn vị này cho kết quả khả quan trên chuột và khỉ.

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã khẳng định kết quả test thử thách sản phẩm nghiên cứu vaccine phòng Covid-19 của Nanogen trên chuột hamster. Chuột được tiêm vaccine rồi tiếp xúc với SARS-CoV-2 trong 14 ngày mà không nhiễm virus.

Mơ ước về vaccine phòng Covid-19 nội bắt đầu xuất hiện.

Tiêm thử nghiệm Nano Covax tại Hưng Yên. Ảnh: Quang Vinh.

Tăng tốc

Sau hơn 6 tháng nỗ lực đẩy nhanh tốc độ hoàn thành dự án nghiên cứu vaccine phòng Covid-19 với hơn 300 chuyên viên, tháng 12/2020, Bộ Y tế đã cho phép vaccine phòng Covid-19 Nano Covax do công ty Nanogen nghiên cứu sản xuất được triển khai thử nghiệm trên người - giai đoạn 3 của quá trình thử nghiệm vaccine.

Ở thời điểm đó, Việt Nam là một trong 4 quốc gia đầu tiên trên thế giới phân lập, nuôi cấy virus mở đường và cũng là quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á tiến hành thử nghiệm vaccine giai đoạn 3.

3 tình nguyện viên được chọn để tiêm thử nghiệm những mũi vaccine đầu tiên. Sau đó là hàng trăm, rồi đến hàng nghìn những mũi tiêm thử nghiệm được tiêm cho các tình nguyện viên.

Đến nay, hơn 13.000 người đã được tiêm thử nghiệm Nano Covax, PGS.TS Chử Văn Mến, Giám đốc Trung tâm thử nghiệm lâm sàng và tương đương sinh học, Học viện Quân y - đơn vị tổ chức thử nghiệm lâm sàng Nano Covax thông tin, căn cứ trên dữ liệu nghiên cứu, vaccine Nano Covax có tính an toàn, sinh miễn dịch tốt. Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ ghi nhận tình trạng hơi đau chỗ tiêm, đau mỏi cơ, sốt nhẹ trên bộ phận tình nguyện viên.

Song song cùng Nano Covax, một ứng viên khác là vaccine Covivac của Viện vaccine và sinh phẩm y tế (IVAC) cũng hoàn thành giai đoạn 1 của thử nghiệm lâm sàng trên cơ thể người với tính an toàn được đánh giá rất cao, đánh giá sơ bộ ban đầu về tính sinh miễn dịch cũng rất cao.

Với công nghệ virus vector tương tự như vaccine Sputnik-V của Nga, dự kiến tháng 9/2021, Covivac cũng sẽ bước vào giai đoạn 3 của thử nghiệm trên người.

Tiêm thử nghiệm Covivac tại Đại học Y Hà Nội.

Kỳ vọng tự chủ vaccine phòng Covid-19

Những bước thử nghiệm cuối cùng của Nano Covax đang được triển khai. Theo dự kiến, vaccine Nano Covax sẽ hoàn thiện hồ sơ đăng ký đệ trình các Hội đồng xem xét, thẩm định khẩn cấp trong tháng 8/2021.

Bộ Y tế cũng đã cử nhóm chuyên gia trong nước kết hợp cùng chuyên gia WHO để hỗ trợ nhà sản xuất và nhóm nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng hoàn thiện hồ sơ nghiên cứu.

Cùng với đó là sự ủng hộ mạnh mẽ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cho các nhà sản xuất vaccine nội trong khi nguồn cung ứng từ bên ngoài còn khan hiếm.

Gần đây nhất, tại chuyến thăm trụ sở Nanogen, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Y tế và các cơ quan tạo mọi điều kiện thuận lợi, cải cách thủ tục hành chính, khẩn trương tiến hành và thúc đẩy nhanh các quy trình, đặc biẹt là quy trình chuyên môn để sớm phê chuẩn vaccine đưa vào sử dụng và phải đảm bảo an toàn tính mạng người dân.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn bién phức tạp, đe doạ đến tính mạng người dân, việc nghiên cứu để sớm có vaccine trong nước là rất cấp bách, được đặt trong tình trạng khẩn cấp quốc gia”.

Toàn Nghĩa