Hội thảo khoa học về hoàn thiện quy định pháp luật về Đại biểu dân cử

THÀNH LUÂN 18/08/2021 19:29

Đó là chủ đề hội thảo khoa học do trường Đại học Luật TP HCM tổ chức vào ngày 18/8, được diễn ra theo hình thức trực tuyến, với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, luật gia, luật sư và các diễn giả, giảng viên luật.

Tại Hội thảo, ThS Nguyễn Văn Trí, Phó trưởng Khoa phụ trách Khoa Luật Hành chính – Nhà nước (ĐH Luật TP HCM) cho biết, thực tiễn hoạt động của đại biểu dân cử đang cần có sự đánh giá thực trạng những quy định pháp luật hiện hành về đại biểu dân cử, nhất là làm rõ các vấn đề liên quan cần được tiếp tục sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện.

Hội thảo cũng đánh giá thực tiễn tổ chức thực hiện pháp luật về đại biểu dân cử, đề xuất giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về đại biểu dân cử ở Việt Nam. Theo ThS Trần Thị Thu Hà, cơ chế đại diện trong bầu cử đại biểu Quốc hội là sự kết hợp giữa hình thức đại diện đồng dạng (đại biểu đại diện theo các cơ cấu, thành phần xã hội) và đại diện theo khu vực địa lý, trong đó chú trọng và nhấn mạnh tính chất đại diện đồng dạng.

Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng Quốc hội lấy cơ chế đại diện theo khu vực địa lý làm tiêu chí căn bản sẽ vẫn không hoàn toàn loại bỏ quan niệm về đại diện đồng dạng. Điều này vừa đảm bảo việc đại biểu dân cử chịu trách nhiệm với cử tri tại đơn vị bầu cử, vừa tiếp tục làm ổn định tính đại diện cho các nhóm yếu thế, đặc thù như đại biểu dân cử là phụ nữ, người dân tộc hoặc tôn giáo.

Liên quan đến thực trạng về tỷ lệ nữ đại biểu dân cử, ThS Huỳnh Thị Hồng Nhiên nhấn mạnh rằng, công tác vận động nữ đại biểu tham gia ứng cử đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng. Tuy vậy, ThS Hồng Nhiên cũng cho rằng việc triển khai chủ trương của Đảng, của Nhà nước về việc tăng số lượng nữ đại biểu Quốc hội còn nhiều hạn chế.

Mặc dù khoản 3 Điều 8 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015 quy định cần đảm bảo được ít nhất 35% số lượng đại biểu trong danh sách ứng cử chính thức là phụ nữ, nhưng trên thực tế nhiều tỉnh thành không đáp ứng được tỷ lệ này, và không bị ràng buộc về mặt chế tài.

Hội thảo khoa học cũng thảo luận về một số quyền cụ thể của Đại biểu Quốc hội, cụ thể là quyền chất vấn, quyền lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và quyền miễn trừ.

THÀNH LUÂN