Doanh nghiệp lo giữ đơn hàng

THANH GIANG 21/08/2021 08:00

Ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh nên doanh thu bị sụt giảm, đơn hàng bị chuyển dịch sang các nước khác, thiếu lao động tay nghề cao,... Đó là khó khăn mà doanh nghiệp nước ngoài trên địa bàn TP HCM đang phải đối mặt.

Đối tác chuyển đơn hang sang nước khác

Ngày 20/8, lãnh đạo UBND TP HCM gặp gỡ đại diện các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn TP HCM. Buổi gặp gỡ với chủ đề “TP HCM đồng hành cùng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19”.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP HCM nhận định, dịch bệnh đã ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội, nhất là lĩnh vực kinh tế, xã hội. Theo dự báo của Tổng cục thống kê vào đầu tháng 8 năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của TP HCM năm nay có khả năng là âm, thay vì dương như năm 2020. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 của thành phố ước giảm 2,8% so với cùng kỳ. Trong đó, rất nhiều chỉ tiêu khác cấu thành nên GRDP cũng khó có thể đạt được theo kế hoạch đặt ra.

Tình hình dịch bệnh cũng tác động xấu lên hoạt động sản xuất, nhiều doanh nghiệp FDI. Ông Trần Tiến Phát, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Datalogic Việt Nam tại Khu công nghệ cao (thành phố Thủ Đức) chia sẻ, do dịch bệnh nên doanh số của đơn vị giảm từ 18 triệu USD trong tháng 6, đến tháng 7 còn 11 triệu USD. Vị này hy vọng rằng, chuỗi cung ứng nội địa hiện nay không bị phá vỡ để hoạt động sản xuất được duy trì.

Đại diện một doanh nghiệp FDI khác cũng than thở, thực hiện các phương án phòng chống dịch trong sản xuất rất tốn kém. Trung bình mỗi ngày, doanh nghiệp mất khoảng 4 tỷ đồng, 1 tháng 120 tỷ đồng. Tuy nhiên, năng suất sản xuất lại không cao, chỉ hoạt động dưới 30% nên doanh thu xuất khẩu mất khoảng 60 triệu USD.

“Do hoạt động ở quy mô rất hạn chế như thế nên công ty đã không thực hiện được đúng thời gian giao hàng. Hiện một số khách hàng của chúng tôi đã chuyển các đơn hàng sang các nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ,... Số lượng đơn hàng của công ty hiện nay mất khoảng 200 triệu USD. Nếu tình hình tiếp tục kéo dài thì công ty có thể phải cho thu hẹp quy mô hoạt động tại Việt Nam”, vị này lo lắng.

Thiếu trầm trọng nguồn lực lao động

Không chỉ sụt giảm về doanh số kinh doanh, Công ty TNHH Datalogic Việt Nam và nhiều doanh nghiệp khác đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động trầm trọng, đặc biệt lao động có tay nghề cao. Ông Trần Tiến Phát lo ngại, trước tháng 7 công ty có 831 nhân viên. Nhưng đến nay chỉ còn 502 lao động đã làm việc theo mô hình “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 điểm đến”. Doanh nghiệp cũng đang thiếu người lao động có tay nghề cao.

“Người có kinh nghiệm thường là có gia đình, do sợ dịch bệnh nên rất nhiều trường hợp không tham gia 3 tại chỗ. Mong mỏi lớn nhất của doanh nghiệp lúc này là người lao động được sớm tiêm đủ 2 liều vaccine để hoạt động sản xuất sớm ổn định trở lại” - ông Phát kiến nghị.

Do khó khăn về lực lượng lao động, bà Hồ Thị Thu Uyên, Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Intel Products Việt Nam cho biết, do thiếu hụt lao động hiện nay nên người lao động bắt buộc tăng giờ làm để đảm bảo đơn hàng vì không thể chậm trễ với đối tác. Intel kiến nghị năm 2021 Bộ LĐTB&XH và thành phố cho phép các doanh nghiệp sản xuất tăng thêm 100 giờ làm việc ngoài giờ.

Liên quan đến tình trạng thiếu hụt lao động, bà Hồ Thị Thu Uyên cũng mong muốn, thành phố sớm có chính sách cho phép người lao động, chuyên gia nước ngoài đã tiêm đủ 2 mũi vaccine sớm quay lại Việt Nam và rút ngắn thơi gian cách ly. Bởi vì trong giai đoạn này, thiếu các lao động cốt cán có kinh nghiệm là rất lớn.

Chia sẻ và gỡ khó cho doanh nghiệp

Chia sẻ với khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp FDI, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho rằng, các ngành kinh tế công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ và cả ngành nông nghiệp đều bị ảnh hưởng và có chiều hướng giảm mạnh khoảng 5%. Hoạt động của tất cả doanh nghiệp đều khó khăn. Doanh nghiệp FDI không ngoại lệ. Đối với doanh nghiệp trong nước, hàng chục ngàn doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động, hàng trăm ngàn lao động bị ngưng việc, mất việc làm. Nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông xuất khẩu là rất lớn.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM lý giải, biến chủng Detal lây nhanh, tác động quá mạnh lên nền kinh tế, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, sinh hoạt,... Vì muốn người lao động an toàn, doanh nghiệp an toàn nên thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội. TP HCM đang có 4 phương án để mở cửa trở lại cho hoạt động sản xuất. Cụ thể, phương án 1, các doanh nghiệp vẫn kiến nghị áp dụng 3 tại chỗ tùy theo tình hình. Phương án 2 là áp dụng “1 cung đường 2 điểm đến”, hoặc phương án “1 cung đường và 3 - 4 điểm đến (mở rộng)”. Phương thức thứ 3 là 4 xanh: “Người lao động xanh, cung đường xanh, nơi ở xanh, nhà máy xanh”. Phương án thứ 4, kết hợp các phương án nêu trên và có thể nhiều hơn nữa.

“Thành phố cho phép doanh nghiệp nước ngoài kiến nghị, sáng tạo nhiều phương án và ứng dụng linh hoạt các biện pháp để bảo vệ sức khỏe người lao động, bảo vệ doanh nghiệp, sản xuất an toàn” - ông Phong nhấn mạnh.

THANH GIANG