Bài tập về nhà thế nào và bao nhiêu là đủ?

Nguyen Anh Dungz 03/09/2021 08:30

Một năm học mới sắp bắt đầu với nhiều khó khăn, vất vả trong bối cảnh đại dịch Covid 19 vẫn còn có diễn biến rất nghiêm trọng. Bên cạnh những nỗi lo mới, có một vấn đề vẫn luôn là đề tài tranh cãi nhiều năm qua, và còn nặng nề hơn trong bối cảnh đại dịch Covid 19 - Bài tập về nhà.

Bài tập về nhà là một chủ đề được rất nhiều người quan tâm. Một số tin rằng đó là cách tốt nhất để học trong khi những người khác lại thấy không có lý do gì học sinh không học tất cả những gì chúng cần ở trường và dành thời gian ở nhà cho những việc khác ngoài làm bài tập. Quan điểm về bài tập về nhà cũng rất khác nhau giữa các nước, các trường và thậm chí giữa các lớp. Ở một số nơi, trẻ em không có bài tập về nhà trong khi ở nơi khác khác, trẻ em có thể làm bài tập về nhà đến 15 giờ mỗi tuần.

Ở góc độ tích cực, bài tập về nhà dạy cho học sinh một loạt các kỹ năng mà các em sẽ mang theo trong suốt cuộc đời học tập và làm việc. Từ việc quản lý và tổ chức thời gian đến tự tạo động lực và học tập độc lập. Học tập tại nhà thúc đẩy học sinh phải chịu trách nhiệm về khối lượng công việc cần hoàn thành, đồng thời khuyến khích phát triển các phương pháp học tập hiệu quả, tích cực.

Bài tập về nhà đạt hiệu quả cao nhất khi nó cho phép học sinh ôn tập lại những gì chúng đã học trong lớp. Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra bài tập về nhà có hiệu quả nhiều nhất ở cấp tiểu học và trung học cơ sở khi học sinh được yêu cầu học lại những kiến thức đã dạy trên lớp. Khi đó, bài tập về nhà giúp củng cố kiến thức đã học và tăng khả năng học sinh ghi nhớ thông tin chính. Bài tập về nhà cũng có thể giúp học sinh áp dụng những kỹ năng này vào các môn học khác và các tình huống thực tế trong cuộc sống hàng ngày.

Tuy nhiên, mặt trái của bài tập về nhà cũng không ít. Làm đi làm lại một dạng bài là cách thức dễ dàng nhất để được điểm cao trong các kỳ thi, nhưng hóa ra lại mang lại nhiều hậu quả tiêu cực trong dài hạn.

Áp lực dành cho trẻ em ngày nay là rất lớn, càng ở những gia đình có điều kiện ở châu Á thì áp lực càng cao. Trẻ em được yêu cầu phải thành công, chiến thắng, trở thành người giỏi nhất và vào được các trường đại học hàng đầu. Nhiều nghiên cứu xã hội học đã chỉ ra, giới trẻ ngày nay đang phải chịu nhiều áp lực hơn các thế hệ trước. Chúng phải hấp thụ một lượng kiến thức khổng lồ do sự bùng nổ thông tin của mạng internet. Ngay từ tiểu học, trẻ em đã phải học ngoại ngữ và tin học, những môn học mà trước đây không được đưa vào. Nhìn vào lịch học của các con, chính người lớn cũng phải hoảng hốt. Có nhiều em học bán trú từ sáng tới chiều, ăn qua loa rồi còn đi học thêm và tối lại làm bài tập về nhà. Nếu bài chưa xong thì chưa được đi ngủ.

Khổ luyện có thành tài?

Và rất nhiều cha mẹ và các giáo viên đã viện dẫn lý do kinh điển - Khổ luyện thành tài - để lý giải cho điều đó. Điều đó đúng nhưng có điều kiện kèm theo. Khổ luyện chỉ có thể thành tài được khi trẻ em có thời gian để hồi phục thể lực và trí não. Nếu không, quá trình khổ luyện đó sẽ vắt kiệt sinh khí của trẻ, hủy hoại nghiêm trọng sinh lực và trí lực. Có một nghịch lý lớn là hầu hết người lớn, kể cả cha mẹ lẫn giáo viên sẽ không thể làm việc cả ngày ở văn phòng và sau đó về nhà làm thêm ba giờ nữa mà không cảm thấy bị kiệt sức, nhưng họ lại nghĩ rằng trẻ em hoàn toàn có đủ năng lượng để đáp ứng được việc làm bài tập ba giờ mỗi ngày vào buổi tối, sau những giờ học dài trên lớp.

Một trong những vấn đề nguy hiểm nhất đối với trẻ em đến từ áp lực phải làm bài tập ở nhà là thiếu ngủ. Theo nhiều nghiên cứu y học, thanh thiếu niên cần ngủ từ 8 đến 10 tiếng mỗi đêm, nhưng không nhiều học sinh Việt Nam có thể đạt đến con số đó. Thiếu ngủ sẽ gây tác hại nghiêm trọng đến phát triển não bộ của trẻ, khi não không có đủ thời gian phục hồi cần thiết trong giấc ngủ. Hay nói một cách đơn giản hơn, thiếu ngủ sẽ dẫn đến tình trạng càng học nhiều càng kém.

Nhìn ra thế giới, các quốc gia khác đã đánh giá rất nghiêm túc vấn đề này. Phần Lan là một quốc gia có nền giáo dục ở trình độ cao, và họ cũng đứng đầu danh sách về việc ít bài tập về nhà. Ở Phần Lan, học sinh trung bình chỉ dành 2,8 giờ làm bài tập về nhà mỗi tuần. Các trường học ở Nhật Bản cũng chỉ giao bài tập về nhà khoảng 3,8 giờ mỗi tuần và khuyến khích trẻ em tự tìm kiếm thông tin từ mạng internet để giải quyết các bài tập. Ở Hàn quốc, đã có những cảnh báo nghiêm trọng đến chính phủ khi theo đánh giá, học sinh Hàn quốc ngủ trung bình ít hơn 1 giờ so với các nước OECD, dẫn đến những thay đổi căn bản về chính sách thi cử và giao bài tập về nhà gần đây.

Có một nguyên tắc tương đối phổ biến ở các nước phát triển là quy tắc 10 phút: Trẻ em không nên làm bài tập về nhà quá 10 phút mỗi ngày cho mỗi khối lớp đạt được. Ở lớp 1, trẻ nên có 10 phút làm bài tập hàng ngày; ở lớp 2, 20 phút; và tiếp tục như vậy đối với lớp 12, khi trung bình các em cần có 120 phút làm bài tập mỗi ngày, tức là khoảng 10 giờ một tuần. Không giao bài tập cuối tuần cho học sinh tiểu học và với học sinh trung học, bài tập cuối tuần cũng chỉ nên giới hạn trong tối thứ 6. Có nhiều người sẽ cười khi nghe về việc học sinh lớp 1 học 10 phút mỗi ngày vì thực tế trẻ em Việt Nam đang học nhiều hơn thế nhiều ở lớp 1. Nhưng việc bắt trẻ con học quá nhiều lúc đầu có thế khiến chúng không có hứng thú học tập và dẫn đến thời gian học của trẻ giảm xuống nhanh chóng khi không còn yêu cầu từ bên ngoài. Hậu quả này sẽ thể hiện rõ ở bậc đại học và cao hơn khi so sánh giữa các quốc gia.

Bên cạnh đó, quá nhiều bài tập về nhà sẽ làm giảm thời gian cho những việc khác của trẻ. Xã hội hiện đại yêu cầu nhiều kỹ năng để thành công và sống hạnh phúc hơn là điểm số. Trong số đó, có bốn kỹ năng cơ bản nhất cần trang bị cho con trẻ trước khi chúng trưởng thành trong thời hiện đại đó là: Kỹ năng sinh tồn - từ cách bơi sinh tồn, thoát thân khỏi đám cháy cho đến việc cảnh giác trước kẻ xấu và tìm cách tự bảo vệ khi ở một mình; Kỹ năng quản lý thời gian - từ việc lập kế hoạch làm việc trong ngày, trong tuần đến việc xác lập những mục tiêu dài hơi cho 5, 10 năm; Kỹ năng quản lý tài chính cá nhân - từ việc chi tiêu hợp lý cho đến việc quản lý danh mục đầu tư trong tương lai; và Kỹ năng dinh dưỡng - là kỹ năng tối quan trọng khi mọi người cần có kiến thức để tự thiết lập chế độ dinh dưỡng lành mạnh cho bản thân, phòng tránh những bệnh tật làm suy giảm sức khỏe cũng như tâm lý.

Tất cả những kỹ năng này đều cần được trang bị và thường đến từ gia đình nhiều hơn là từ nhà trường. Vậy khi trẻ em dành quá nhiều thời gian cho việc làm bài tập, những thời gian cần thiết để bố mẹ trang bị những kỹ năng tốt cho tương lai của con sẽ bị giảm đi tương ứng, thậm chí là không còn. Rất hiếm khi một người có điểm số cao trong trường học lại thành công trong cuộc sống nếu thiếu đi những kỹ năng cơ bản này.

Từ quan điểm học thuật, việc đúng đắn cần làm là khuyến khích trẻ đọc sách ở nhà trong những thời gian phù hợp. Cha mẹ và giáo viên nên cố gắng khuyến khích việc đọc sách bằng cách cho trẻ em nhiều lựa chọn và, bất cứ khi nào có thể, lồng ghép việc đọc sách vào các bài tập thay vì tập trung vào giải bài tập để có điểm số cao trong các kỳ thi.

Vì vậy, nếu như trẻ em không được ngủ đủ tối thiểu 8 giờ mỗi ngày, nếu như trẻ em, nhất là học sinh tiểu học, dành quá 50% thời gian sau bữa tối của chúng để làm bài tập về nhà thì chúng ta, các giáo viên và các bậc cha mẹ cần nghiêm túc xem xét lại việc giao bài tập về nhà và mục tiêu học tập của trẻ. Một cách đúng đắn, các giáo viên nên tách bạch giữa những bài tập ngắn giúp ghi nhớ lại những bài học trên lớp cho toàn bộ học sinh và các bài tập nâng cao ở dưới dạng khuyến khích dành cho những học sinh giỏi muốn làm thêm. Cha mẹ sẽ phải có trách nhiệm cân đối thời gian học của con mình phù hợp với sức khỏe, năng lực học tập của trẻ và điều kiện sinh hoạt của gia đình.

Cuối cùng, mục đích cuối cùng của học tập là thúc đẩy khả năng học tập cả đời của mỗi con người chứ không phải chỉ là đạt điểm cao trong các kỳ thi. Vì vậy, nhà trường, giáo viên và cha mẹ học sinh cần phải trao đổi để tìm ra cách thức hiệu quả nhất để giúp trẻ em giảm bớt căng thẳng, có được cân bằng phù hợp giữa trường học - gia đình - cá nhân của trẻ, và nhất là tìm thấy niềm vui trong học tập thay vì miễn cưỡng làm theo yêu cầu của người lớn.

Nguyen Anh Dungz