Cắt đứt nguồn lây nhiễm dịch

Miên Thảo 10/09/2021 06:12

Một trong những biện pháp quan trọng phát hiện virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng chính là nhanh chóng xét nghiệm, xét nghiệm nhanh hoặc xét nghiệm RT-PCR. Đó là kinh nghiệm thế giới có được không chỉ ở đại dịch Covid-19 mà còn đã được chứng minh từ những lần dịch trước.

Xét nghiệm nhanh, xét nghiệm càng nhiều càng tốt, xét nghiệm trên diện rộng là để phát hiện virus gây bệnh, phát hiện người nhiễm, cắt đứt nguồn lây nhiễm từ đó tăng khả năng dập dịch và có biện pháp điều trị tốt hơn cho người mắc bệnh.

Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 kể từ ngày 27/4 đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 500.000 ca dương tính với SARS-CoV-2. Số người phải điều trị tại bệnh viện cũng như số người tử vong gia tăng. Tốc độ lây lan mạnh cùng độc lực của virus Delta là một thách thức lớn đối với ngành tế nói riêng và cuộc chiến chống dịch nói chung.

Chính vì thế, khẩn trương khoanh vùng, xét nghiệm nhanh những nơi có ca F0, đồng thời mở rộng vùng xét nghiệm là rất quan trọng. Trên thực tế, virus SARS-CoV-2 đã lây nhiễm ra cộng đồng tại nhiều địa phương, nhất là 19 tỉnh, thành phía Nam. Số F0 không triệu chứng trong cộng đồng không ít, vì thế khả năng lây nhiễm vẫn rất lớn và kéo dài nếu không có biện pháp xử lý đúng. Trong tình thế đó, xét nghiệm diện rộng cũng là để sớm bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, có phương pháp điều trị phù hợp, hiệu quả.

Tại Công điện số 1099/CĐ-TTg phát đi trưa ngày 22/8, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thần tốc xét nghiệm Covid-19 diện rộng tại TP HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Ngày 1/9, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch 203/KH-UBND về xét nghiệm diện rộng bổ sung kế hoạch 199 về việc xét nghiệm sàng lọc diện rộng có trọng điểm phát hiện người nhiễm SARS-CoV-2.

TP HCM với số ca dương tính với SARS-CoV-2 nhiều thì việc xét nghiệm diện rộng có thể nói là cấp thiết. Với Hà Nội, cho dù số ca nhiễm ít so với tổng số dân nhưng không thể chủ quan, vẫn phải đẩy nhanh xét nghiệm nhằm ngăn chặn kịp thời, loại bỏ nguy cơ, không để dịch bệnh lan rộng đến mức bùng phát sẽ “trở tay không kịp”.

Việc các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16-CT/TTg cũng là điều kiện để gấp rút tiến hành xét nghiệm diện rộng. Nếu không, mọi hạn chế, mọi chịu đựng sẽ là vô ích khi mà dịch bệnh vẫn có nguy cơ bùng phát do có nhiều ca F0 trong cộng đồng không được phát hiện.

Chiến lược xét nghiệm lúc đầu bao giờ cũng tập trung vào những ổ dịch, rồi xét nghiệm rộng ra với những vùng xung quanh. Tại thời điểm này, nhiều địa phương trong cả nước đã và đang tiến hành xét nghiệm theo chiến lược đó.

Trong đó, TP HCM, Đà Nẵng, Hà Nội... đã áp dụng biện pháp xét nghiệm diện rộng. Tận dụng “thời gian vàng” giãn cách để tăng tốc xét nghiệm chính là biện pháp rất quan trọng tại thời điểm này, với quyết tâm tới ngày 15/9 có thể làm “sạch” được nguồn lây nhiễm trong cộng đồng, từ đó mới có thể đưa cuộc sống, sinh hoạt trở lại trạng thái bình thường mới.

Nếu không xét nghiệm diện rộng, xét nghiệm thật nhanh, thì không thể phát hiện được mầm bệnh, nguồn lây nhiễm, không thể ngăn chặn được nguy cơ bùng phát dịch. Mà như thế dịch bệnh còn kéo dài, xã hội còn căng thẳng.

Không thể kéo dài phong tỏa, siết giãn cách xã hội mãi vì điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân. Nhưng cũng không thể bỏ giãn cách khi mà dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp với số ca lây nhiễm cao cũng như nhiều ẩn họa còn tồn tại trong cộng đồng. Vì thế phải sớm tìm ra và chặn đứng được nguồn lây. Xin được nhắc lại, xét nghiệm diện rộng chính là để đạt được mục tiêu đó.

Cùng với sự nỗ lực của ngành y tế thì rất cần sự ủng hộ của người dân trong công việc chưa có tiền lệ này. Thời gian từ nay đến ngày 15/9 không còn nhiều, chỉ có sự đồng tâm hiệp lực của toàn xã hội thì mới có thể hoàn thành một khối lượng xét nghiệm khổng lồ. Chúng ta tin tưởng rằng dịch Covid-19 sẽ sớm chấm dứt khi có sự đồng lòng, hợp tác của tất cả mọi người trong đợt xét nghiệm lớn nhất này, kể từ khi dịch bệnh xuất hiện tại nước ta, kéo dài đã gần 2 năm.

Miên Thảo