Lực lượng nòng cốt trong tự quản ‘vùng xanh’

Lan Anh 17/09/2021 08:13

Đề cập đến vai trò của tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn trong việc vận động người dân tham gia thực hiện các quy định phòng chống dịch Covid-19, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhấn mạnh: Vai trò của Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng thôn là vô cùng quan trọng. Họ là đội ngũ cán bộ gần dân nhất và nắm rõ nhất tình hình, con người trên địa bàn.

“Dịch bệnh Covid-19 xảy ra ở trong dân. Do đó nắm chắc dân là nắm chắc được tình hình dịch bệnh. Đặc biệt tại cơ sở là nơi có nhiều lao động nhập cư, trong khi hệ thống quản lý cấp trên không thể biết hết được. Vì thế tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn biết được ai ở đâu? Ai đi ra đi vào? Như vừa qua nhiều người đi từ vùng dịch về đã được lực lượng tại cơ sở phát hiện và báo cho lực lượng chức năng để xử lý theo đúng quy định” - ông Phu chỉ rõ.

Như tại TP HCM, từ sự điều phối của tổ trưởng dân phố, nhiều tổ tự quản hoạt động rất hiệu quả. Ví như mỗi con hẻm vận động khoảng từ 10 người ở khu dân cư. Mỗi ngày sẽ chia làm 3- 4 ca trực, mỗi ca kéo dài khoảng 4-5 tiếng, bắt đầu từ 6h sáng đến 22h.

Nhiệm vụ của Tổ tự quản này là kiểm soát không để người lạ, người giao hàng tự do ra vào các con hẻm khi không có lý do và mục đích chính đáng. Đồng thời, giám sát việc giao nhận hàng hóa của các hộ dân, giám sát các hộ có F0, hộ bị cách ly, tổ chức phun khử khuẩn trong các con hẻm để phòng dịch, hỗ trợ việc giao nhận và đi mua hàng giúp các hộ khó khăn, hộ neo đơn trong hẻm…

Hay như tại Hà Nội, rất nhiều địa bàn sau khi thí điểm thiết lập “hàng rào mềm” bảo vệ vùng xanh bằng hình thức tự quản đạt hiệu quả cao. Như tại huyện Ba Vì, các “Xóm tự quản an toàn” do Tổ tự quản phòng, chống dịch tại thôn xóm, khu dân cư trực tiếp giám sát, quản lý theo mô hình “3 lớp”, “4 tại chỗ”, để không xảy ra lây nhiễm từ bên ngoài và lây nhiễm chéo trong địa bàn.

Theo thống kê của Ban Dân vận Huyện ủy Ba Vì, ngay đầu tháng 8/2021, toàn huyện đã có trên 1.800 mô hình tự quản được thành lập với trên 73.000 hộ gia đình tham gia.

Theo ông Phu, tổ trưởng dân phố, trưởng thôn là lực lượng tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: Vận động thực hiện 5k, vận động người dân đi xét nghiệm, tiêm chủng. Bên cạnh đó họ cũng là “chân rết” thống kê để cung cấp số liệu cho ngành y tế lập kế hoạch tiêm chủng và xét nghiệm cho an toàn.

Ông Phu cũng đánh giá cao vai trò của tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn trong việc vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định về giãn cách, chủ trương về phòng chống dịch Covid-19.

Thậm chí họ là người nắm bắt được tình hình an sinh xã hội của người dân, như biết gia đình nào trong lúc chống dịch giãn cách có khó khăn để hỗ trợ.

“Nhiều việc ở cơ sở sở chỉ có Tổ trưởng tổ dân phố và Trưởng thôn nắm được. Có thể nói, đây chính là lực lượng “nòng cốt” trong tự quản thực hiện “vùng xanh”. Bản thân họ tham gia chính vào việc tuyên truyền, vận động, quản lý và nhắc nhở lập danh sách thống kê người trong địa bàn để phục vụ cho thực hiện tốt công tác phòng chống dịch. Chính họ là người nói dân nghe vì họ là người gần dân nhất, hiểu được tâm tư, tình cảm cuộc sống của mỗi người dân” - ông Phu khẳng định, đồng thời nhấn mạnh: “Trong phòng chống dịch Covid-19 không chỉ có mỗi chuyên môn mà còn cả nhiều yếu tố. Có thời điểm, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng thôn còn là người tham gia trực tiếp vào lấy mẫu xét nghiệm, vận chuyển lương thực, trực chốt phòng dịch…".

Lan Anh