Dự án nâng cấp đường Việt Bắc giai đoạn 2 chậm tiến độ: Người dân gặp khó

Hoàng Sa 22/09/2021 06:35

Với tổng kinh phí trên 300 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA do Ngân hàng Thế giới tài trợ, Dự án nâng cấp đường Việt Bắc giai đoạn 2 (gọi tắt là Dự án) là một trong những hạng mục thuộc Chương trình đô thị miền núi phía Bắc (TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) đang gặp nhiều vướng mắc.

Dự án có quy mô công trình thiết kế đồng bộ với đường Việt Bắc giai đoạn 1 có chiều dài toàn tuyến là 6 km; điểm đầu giao với đường Thống Nhất, điểm cuối giao với Quốc lộ 3 (khu Phố Hương, phường Trung Thành); nền đường là 22 m, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng đạt tiêu chuẩn đường phố chính đô thị.

Theo kế hoạch, các dự án thuộc Chương trình đô thị miền núi phía Bắc của TP Thái Nguyên sẽ cơ bản hoàn thành trong năm 2020. Tuy nhiên, đến đầu năm 2020, các gói thầu xây lắp Dự án mới chỉ hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu xây lắp và tiến hành ký kết hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh với thời gian thực hiện là 18 tháng. Đầu năm 2021 Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của TP Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) kéo dài thời gian thực hiện đến tháng 6/2022.

Theo báo cáo của UBND TP Thái Nguyên về các dự án thuộc Chương trình đô thị miền núi phía Bắc của TP Thái Nguyên thì còn 1 hạng mục công trình nâng cấp đường Việt Bắc giai đoạn 2 hiện đang triển khai thực hiện với 3 gói thầu xây lắp (trong đó có 2 gói thầu dự kiến hoàn thành trong tháng 4/2022). Các gói thầu gồm: Gói thầu XL-03A1 (đoạn từ km0+0.00 đến Km1+659.84 thuộc phường Tân Lập) đã hoàn thiện xong 1,3km/1,65km giá trị khối lượng hoàn thành ước đạt 75% hợp đồng (khoảng 36 tỷ đồng). Dự kiến hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trong tháng 9/2021; Gói thầu XL-03A2 (đoạn từ Km1+659.84 đến Km4+200 thuộc phường Tân Lập và phường Phú Xá) khối lượng hoàn thành đạt khoảng 14% giá trị hợp đồng (khoảng 10,5 tỷ đồng) dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 4/2022; Gói thầu XL-03B (đoạn từ Km4+200 đến Km6+447 thuộc phường Trung thành, Phú Xá) khối lượng hoàn thành ước đạt 90% giá trị hợp đồng (khoảng 86 tỷ đồng) dự kiến hoàn thành trong tháng 4/2022.

Trên thực tế, công tác giải phóng mặt bằng khu tái định cư gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, gia đình bà Dương Thị Bột (trú tại tổ 9 phường Trung Thành, TP Thái Nguyên) nhận được quyết định thu hồi hơn 300m2 đất để phục vụ Dự án nhưng việc xác định diện tích đất ở, diện tích đất thiếu so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Hộ gia đình anh Dương Văn Thành (tổ dân phố số 2, phường Phú Xá) thì phản ánh về việc đã bàn giao mặt bằng và nhận tiền đền bù hàng tháng nay, nhưng do chưa được bố trí quỹ đất nên vẫn phải đi thuê trọ. Hộ gia đình ông Ngô Công Viên (tổ dân phố số 2, phường Phú Xá) cũng đang phải làm lán ở tạm, vì dự án đi qua phần lớn diện tích căn nhà của ông, gia đình đang mong đất tái định cư.

Dự án này trên địa bàn TP Thái Nguyên có 345 hộ dân tại các phường: Tân Lập, Phú Xá và Trung Thành với tổng diện tích đất phải thu hồi là 11,7ha. Về cơ bản, hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng cũng đã đồng tình ủng hộ, bàn giao đất cho nhà thầu thi công, nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn còn 192 hộ phải bố trí tái định cư, nhưng chưa được bố trí đất tái định cư khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Theo tìm hiểu, hiện tại hạ tầng 2 khu tái định cư phục vụ Dự án mới chỉ đạt khoảng 15% khối lượng, chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra, làm ảnh hưởng đến việc bàn giao đất tái định cư cho các hộ dân trong vùng dự án.

Trao đổi với PV, đại diện lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Thái Nguyên cho rằng, việc bồi thường giải phóng mặt bằng không vướng, mặt bằng tái định cư không vướng. Tuy nhiên, chủ đầu tư cần hoàn thiện hạ tầng tái định cư để dân có thể ra ở được. Vấn đề là chưa giao được thực địa cho dân vì hạ tầng cùng những điều kiện thiết yếu chưa thực hiện và đáp ứng được. Một số kiến nghị của người dân về phương án bồi thường đã được tổng hợp và báo cáo, có phương án giải quyết.

Tuy nhiên, về những vướng mắc trên, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND TP Thái Nguyên khẳng định: “Việc đó đang nằm trong kế hoạch của thành phố”.

Hoàng Sa