Giải pháp đột phá làm cao tốc

Vân Hằng 03/10/2021 13:30

Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa trình Chính phủ dự thảo tờ trình về việc đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025.

Theo dự thảo tờ trình của Bộ GTVT, trong 5 năm tới (2021-2025) sẽ phải hoàn thành trên 2.000 km đường bộ cao tốc, tổng vốn cần huy động khoảng 393.000 tỉ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước bố trí khoảng 239,5 nghìn tỉ đồng, còn lại 153,5 nghìn tỉ đồng cần huy động vốn ngoài ngân sách.

Để thực hiện mục tiêu trên, việc xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù mang tính đột phá để thực hiện thí điểm trong 5 năm (2021-2025) khác với quy định của pháp luật hiện hành trình Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết, làm cơ sở để triển khai thực hiện; sau đó tổng kết, rút kinh nghiệm đề xuất triển khai cho giai đoạn 2026-2030 là rất cần thiết.

Trong dự thảo, Bộ GTVT cũng đề xuất 4 cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025...

Có thể thấy, trong 20 năm qua, chúng ta mới làm được khoảng 1.200 km đường cao tốc, mục tiêu là cả nước có 5.000 km đường cao tốc vào năm 2030. Để hoàn thành mục tiêu này, trong 10 năm tới chúng ta sẽ phải đầu tư xây dựng mới 3.800 km.

Nhấn mạnh việc phải có giải pháp đột phá, cơ chế đặc thù trong làm đường cao tốc, theo PGS TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam: Đây là nhiệm vụ rất nặng nề. Để thực hiện được bắt buộc phải có các chính sách đặc thù, giải pháp đột phá trong huy động nguồn lực đầu tư đường cao tốc.

Ví dụ, giao các tỉnh làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại các dự án đường cao tốc đi qua địa bàn, các chính sách đột phá về tài chính chứ không thể cứ trông chờ mãi vào vốn tín dụng từ ngân hàng như thời gian qua.

Về nguyên nhân một số dự án cao tốc triển khai trước đây không đáp ứng được tiến độ, nhiều ý kiến cho rằng, yếu tố cốt lõi là thiếu nguồn kinh phí đầu tư và khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, một số dự án cao tốc được đề xuất triển khai theo hình thức PPP nhưng việc cam kết nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và địa phương chưa rõ ràng dẫn tới không tìm được nhà đầu tư.

Giới chuyên gia kinh tế nhìn nhận, nguồn vốn là nhân tố quyết định đến việc hoàn thành mục tiêu đầu tư xây dựng cao tốc. Để khơi thông nguồn vốn, ngoài phần vốn của ngân sách trung ương, vốn huy động của nhà đầu tư, các tỉnh cũng cần có trách nhiệm góp ngân sách địa phương để tham gia đầu tư dự án cao tốc qua địa bàn.

Bởi, việc sử dụng ngân sách địa phương cùng tham gia đầu tư sẽ giảm gánh nặng lên ngân sách trung ương, tạo quyền chủ động và gắn trách nhiệm của địa phương trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.

Vân Hằng