Cơ chế đặc thù: Tránh xin cho, quyết định cảm tính

Mai Loan 27/10/2021 13:48

Phải có tiêu chí thì mới có thể giải thích với nhân dân về cơ chế đặc thù, tránh cơ chế xin cho, quyết định cảm tính.

Ngày 27/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về: Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng; Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa; Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Đại biểu Cầm Hà Chung, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Thọ cho rằng: Đất nước ta là một đất nước thống nhất, hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách phải được thực hiện thống nhất mặc dù mỗi địa phương có điều kiện kinh tế xã hội, tiềm năng lợi thế khác, nhau, vai trò vị trí khác nhau nhưng có mối quan hệ tương hỗ tác động tới nhau trong quá trình phát triển.

Ông Chung phân tích: “Địa phương biên giới hải đảo giữ đất, đảm bảo an ninh, an toàn cho tổ quốc. Địa phương vùng núi giữ rừng, đảm bảo sinh quyển tự nhiên, địa phương có nhiều di sản bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử, đất nước, qua đó tạo điều kiện cho các địa phương có điều kiện, tiềm năng đẩy mạnh phát triển kinh tế”.

Theo ông Chung, trong thực tiễn thực hiện các chính sách pháp luật để phát triển kinh tế xã hội sẽ nảy sinh vướng mắc, cản trở sự phát triển cho nên việc thực hiện thí điểm là cần thiết. Việc thí điểm này, ngoài các mục tiêu liên quan tới địa phương còn có mục tiêu hoàn thành hệ thống pháp luật, các thể chế chính sách để thống nhất trên cả nước.

Ông Chung cũng cho rằng, thực tế hiện nay nhiều địa phương muốn có cơ chế đặc thù để tháo gỡ điểm nghẽn, huy động nguồn lực, thu hút đầu tư phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, xã hội. Nhiều địa phương có nghị quyết của Trung ương, có địa phương nằm trong vùng trọng điểm kinh tế, an ninh quốc phòng như: Tây Nguyên: Tây Bắc; Tây Nam Bộ.

Việc giải quyết mong muốn của các địa phương, nếu không ổn thỏa, nếu không có tiêu chí cụ thể sẽ tạo áp lực lên đoàn ĐBQH và lãnh đạo các địa phương chưa được, hoặc không được hưởng cơ chế đặc thù.

“Cử tri và nhân dân nhận thức chưa đầy đủ và cho rằng đoàn ĐBQH, lãnh đạo địa phương có yếu kém không khi không xin được cơ chế cho địa phương?, dễ gây hiểu lầm trong cử tri và nhân dân vì sao địa phương kia có nhiều có chế đặc thù?, cơ chế này được thí điểm?, các địa phương có chính sách riêng trong khi nhu cầu cuộc sống của người dân và cán bộ như nhau. Có đặc quyền đặc lợi ở đây không? Có phân biệt con đẻ, con nuôi không?, có không công bằng không?” - ông Chung nêu vấn đề và đề nghị Chính phủ, các địa phương có liên quan cần nghiên cứu giải trình hoặc triển khai thực hiện rõ ràng, tạo sự minh bạch, thống nhất đồng thuận trong nhân dân.

Để giải quyết vấn đề này, vị ĐBQH là Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Thọ đề nghị: Chính phủ, Quốc hội cần xác định những vấn đề chưa có trong luật điều chỉnh, nội dung khác với quy định hiện hành, đang là yếu tố cản trở, điểm nghẽn hoặc nội dung có tác dụng thúc đẩy với kinh tế xã hội của đất nước, của các địa phương, vùng miền trên đất nước ta.

Phải có tiêu chí thì mới có thể giải thích với nhân dân, tránh cơ chế xin cho, quyết định cảm tính. Xác định mục tiêu, thứ tự ưu tiên để Quốc hội xem xét, lựa chọn thực hiện thí điểm, xem xét lựa chọn một số địa phương đại diện các vùng miền, đáp ứng tiêu chí, thứ tự ưu tiên, kết hợp các địa phương được Quốc hội xem xét lần này để thực hiện thí điểm. Trên cơ sở đó, tổng kết hoàn thiện khung pháp lý để thực hiện trên toàn quốc.

Liên quan đến chính sách thí điểm thuộc thẩm quyền Quốc hội, ông Chung cho rằng: Nên chú trọng các chính sách về phân cấp, phân quyền, hạn chế chính sách phân bổ thêm nguồn lực từ ngân sách Trung ương, phân bổ thêm kinh phí chi thường xuyên. Việc này đặt ra các việc đánh giá chính sách ban hành, định mức nguyên tắc phân bổ, dự toán ngân sách.

“Bên cạnh đó, làm rõ hiệu quả của chính sách thí điểm so với không thí điểm, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của các địa phương được thí điểm có hơn, có khác không, có đóng góp chung so với sự phát triển của đất nước như thế nào”-ông Chung bày tỏ.

ĐB Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nêu quan điểm, cần cân nhắc, nghiên cứu kỹ từng lợi thế của từng tỉnh, thành để có chính sách phù hợp để đạt hiệu quả cao nhất.

Đơn cử như về vấn đề tổ chức thực hiện, ông Hạ lập luận: Nghị quyết đã quy định trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành, các tỉnh, thành, nhưng phải bổ sung thêm trách nhiệm của người đứng đầu, để cho việc thực hiện đúng, nghiêm và hiệu quả nghị quyết này.

Nghị quyết này được ban hành là cơ hội cho những người lãnh đạo, người đứng đầu có năng lực, dám nghĩ, dám làm nhưng có thể thêm quy định về trách nhiệm của người đứng đầu. Đây không phải là cơ chế xin-cho, lãnh đạo phải có bản lĩnh mới dám xin cơ chế. Do đó đề nghị, phải có quy định về tiêu chí, tiêu chí nào, điều kiện nào, tỉnh như thế nào mới được áp dụng thí điểm.

“Hiện chúng ta có 5 thành phố trực thuộc Trung ương thì Quốc hội đã ban hành thí điểm cơ chế đặc thù cho Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, giờ đến Hải Phòng và tới đây đến Cần Thơ. Vậy tiêu chí nào để mang tính đại diện thí điểm chính sách. Còn triển khai ở tất cả những khu vực có đặc thù riêng thì thành cơ chế chung Còn không tới đây mà các tỉnh khác cũng đề xuất xin cơ chế đặc thù thì tỉnh nào được và tỉnh nào không được. Nên có quy định cụ thể trong thực hiện thí điểm cơ chế chính sách” - ông Hạ nêu quan điểm.

Mai Loan