Dự Luật Dầu khí (sửa đổi): Cần tính đến đặc thù của ngành dầu khí

M.Loan 09/11/2021 13:17

Sáng 9/11, tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) phối hợp cùng báo Lao động tổ chức tọa đàm trực tuyến: Luật Dầu khí cần mang đặc thù dầu khí. Đây là một hoạt động nhân kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Ngọc Sơn, Phó Tổng giám đốc PVN cho biết, những năm qua đặc biệt là năm 2020, khủng hoảng kép do dịch bệnh Covid-19 và giá dầu suy giảm đã tác động rất tiêu cực đến nền kinh tế thế giới cũng như trong nước, trong đó dầu khí là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong bối cảnh hàng loạt các công ty dầu khí lớn trên thế giới đã thua lỗ, phá sản, sa thải công nhân… thì PVN tăng trưởng dương. Tin vui được vị lãnh đạo PVN cho biết là 10 tháng đầu năm 2021 Petrovietnam hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch được giao, đó là sự nỗ lực rất lớn của tập thể cán bộ, người lao động dầu khí.

Nói về việc sửa Luật Dầu khí ông Sơn cho biết, trước tình hình mới, thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23 tháng 7 năm 2015 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1748/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2015 về Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035, nêu rõ việc cần thiết phải: “Hoàn thiện thể chế phát triển ngành dầu khí”.

Trên cơ sở các Nghị quyết, Quyết định của Bộ Chính trị, Chính phủ, thời gian qua, Bộ Công thương đã chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá thực trạng quy định pháp luật và tổng kết thi hành Luật Dầu khí ban hành năm 1993, được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2000 và năm 2008 với 6 nhóm chính sách lớn.

Tuy nhiên, có lẽ chỉ có người dầu khí mới hiểu hết, nhận diện rõ các bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật Dầu khí hiện hành. Vì thế, ngày 19/10 vừa qua, PVN đã gửi ý kiến cho Bộ Công thương về Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi với các mục tiêu: đề xuất các sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện khung pháp lý phù hợp cho hoạt động dầu khí; khôi phục tính hấp dẫn cho môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí để thu hút được nguồn vốn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài; đảm bảo tính logic, đồng bộ, thống nhất giữa các nội dung của Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi. Nguyên tắc đặt ra là: Các nội dung luật pháp về dầu khí giúp cho hoạt động dầu khí trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam nói chung và hoạt động của PVN nói riêng mang đầy đủ đặc trưng, đặc thù của ngành dầu khí theo thông lệ quốc tế.

Ông Đoàn Văn Thuần, trưởng bộ phận nghiên cứu của Viện Dầu khí Việt Nam (PVI) nói về các đặc thù của hoạt động dầu khí theo thông lệ dầu khí quốc tế. từ tìm kiếm thăm dò đến phát triển, khai thác. Ông Thuần cho biết, hiện dự thảo đã cơ bản đảm bảo quyền trách nhiệm của nước chủ nhà, tiệm cận với thông lệ quốc tế; mở rộng quyền của PVN và Bộ Công thương về thuế thu nhập doanh nghiệp, tiếp nhận mỏ từ nhà thầu.

Tuy nhiên, nên có quy định chi tiết hơn cho PVN. Chỉ đơn cử, một trong những đơn vị thành viên của PVN- Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP)- một trong những đơn vị chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ khung chính sách, pháp luật mà Luật Dầu khí hiện hành và Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) quy định đã nêu thực tế: Các quy định liên quan đến thẩm quyền, trình tự thủ tục đầu tư dự án dầu khí áp dụng cho doanh nghiệp nhà nước/doanh nghiệp thành viên do doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ; các quy định liên quan đến hợp đồng dầu khí nhằm cải thiện môi trường đầu tư và khuyến khích, thúc đẩy việc triển khai hoạt động dầu khí là một trong những vướng mắc khi bị quy định luật chồng luật «bó giò». Với PVN/PVEP đó là Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước; Luật Đầu tư 2020…

Hay như, đối với quy định việc thực hiện dự án dầu khí theo chuỗi từ tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, xử lý. Thực tiễn thực hiện các dự án theo chuỗi như dự án Cá Voi Xanh và các dự án tương tự gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc do thiếu hành lang pháp lý phù hợp với đặc thù của loại hình dự án này. Do vậy, việc bổ sung các quy định pháp lý đặc thù tại Luật Dầu khí sửa đổi là đặc biệt cần thiết, đại diện từ PVEP nêu thực trạng mà không phải ai cũng rõ.

Vì vậy, đại diện từ PVEP cho rằng một trong những vấn đề cấp thiết mà Luật Dầu khí sửa đổi cần xử lý là bổ sung quy định để áp dụng thống nhất cơ chế trình duyệt các vấn đề phát sinh trong đầu tư và triển khai dự án dầu khí từ khâu hình thành đến kết thúc dự án, để có thể áp ứng đồng thời tất cả các quy định của pháp luật có liên quan nhằm tạo hành lang pháp lý rõ ràng và môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp như PVN và PVEP. Đồng thời, Luật Dầu khí sửa đổi cần có quy định rõ ràng cho phép PVN/PVEP thực hiện các hoạt động đầu tư và triển khai dự án dầu khí theo trình tự, thủ tục đầu tư và quản lý vốn được quy định tại Luật Dầu khí.

Người lao động dầu khí hăng say lao động trên các công trường

Bởi, Luật Đầu tư 2020 ra đời xử lý 2 vấn đề quan trọng đối với dự án dầu khí: bỏ quy định về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ đối với quyết định chủ trương đầu tư và quy định rõ ràng hơn so với Luật Đầu tư 2014 ở vấn đề áp dụng luật. Theo đó, Luật Đầu tư không điều chỉnh về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, điều kiện đầu tư kinh doanh đối với dự án dầu khí mà thực hiện theo quy định của Luật Dầu khí. Như vậy, nếu Luật Dầu khí sửa đổi không quy định về trình tự, thủ tục đầu tư sẽ tạo nên khoảng trống rất lớn về vấn đề này đối với dự án dầu khí. Do vậy, trong tất cả các kiến nghị của mình, PVEP đều coi đây là vấn đề trọng tâm và cấp thiết mà Luật Dầu khí sửa đổi cần xử lý.

Ông Nguyễn Quốc Thập, Phó Chủ tịch hội Dầu khí Việt Nam, người cả đời gắn bó với ngành dầu khí thì nhận xét: Dự thảo lần này mới chỉ đáp ứng điều kiện cần cho hoạt động dầu khí. Và, ông đề nghị, để có điều kiện đủ thì thì Nghị định, hướng dẫn phải rất sẵn sàng song hành với dự luật khi được thông qua để luật sớm đi vào cuộc sống.

M.Loan