Bất an với ‘cảm giác an tâm giả’

Hà Anh 27/11/2021 06:15

Một số quốc gia đang bị cuốn vào một niềm tin giả rằng đại dịch đã trôi qua và những người đã tiêm vaccine được bảo vệ hoàn toàn trước dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, thực tế là các biến thể SARS-CoV-2 mới có khả năng “né” vaccine vẫn được phát hiện…

Thêm biến thể mới chứa nhiều đột biến

Trang The Guardian của Anh cho biết, một biến thể mới xuất hiện mang tên B.1.1.529 có tới 32 đột biến trong protein gai, bộ phận giúp virus SARS-CoV-2 xâm nhập tế bào con người và chính là mục tiêu mà hầu hết các loại vaccine nhắm đến để tạo ra hệ miễn dịch chống lại Covid-19. Các đột biến ở protein gai có thể ảnh hưởng đến khả năng truyền bệnh và lây lan của virus, nhưng cũng khiến các tế bào miễn dịch khó tấn công lại mầm bệnh hơn.

Biến thể này lần đầu tiên được phát hiện ở Botswana. Đến nay, mới có 10 ca bệnh được phát hiện nhiễm biến chủng B.1.1.529 sau khi giải trình tự gien. Trong đó, có 3 trường hợp ở Botswana, 6 trường hợp ở Nam Phi và 1 ở Hong Kong (Trung Quốc) là du khách trở về từ Nam Phi. Tuy nhiên, biến thể này đã khiến một số nhà nghiên cứu vô cùng lo ngại vì một số đột biến của nó có thể khiến virus “né” được hệ miễn dịch.

Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla cho biết, biến chủng này là “mối lo ngại nghiêm trọng” và là nguyên nhân khiến ca Covid-19 hàng ngày tại Nam Phi tăng “theo cấp số nhân”, trở thành “mối đe dọa lớn”.

Tiến sĩ Tom Peacock, một nhà virus học tại Đại học Hoàng gia London lưu ý rằng, “lượng đột biến vô cùng cao của B.1.1.529 cho thấy nó thực sự đáng lo ngại”. Ông Peacock cũng nhấn mạnh rằng cần phải theo dõi sát sao biến thể này vì số lượng đột biến khủng khiếp của nó.

Tiến sĩ Meera Chand (Cơ quan An ninh Y tế Anh), cũng cho biết, sẽ giám sát chặt chẽ biến thể này cùng các cơ quan khoa học trên toàn cầu. Bà cho rằng, bản chất của virus là đột biến liên tục và ngẫu nhiên. Không có gì lạ khi xuất hiện một số nhỏ các trường hợp phát sinh và xuất hiện một tập hợp đột biến mới. Bất kỳ biến thể nào có dấu hiệu lây lan cũng đều được theo dõi ngay lập tức”.

Ông Ravi Gupta, Giáo sư vi sinh lâm sàng tại Đại học Cambridge, cho biết, ông đã phát hiện ra 2 trong số các đột biến trên B.1.1.529 làm tăng khả năng lây nhiễm và giảm khả năng nhận biết kháng thể.

“Nó chắc chắn là một mối lo ngại lớn dựa trên các đột biến hiện tại. Tuy nhiên, một đặc tính phổ biến của virus mà chúng ta chưa biết về B.1.1.529 là khả năng lây nhiễm của nó. Đặc tính né hệ miễn dịch chỉ là một trong những đặc tính của biến thể này”, ông nói.

Biến thể Covid-19 mới ở Nam Phi rất đáng lo ngại.

Cảnh báo từ nhiều nước

Đến giữa tháng 2, quá nửa dân số Israel đã được tiêm hai mũi vaccine, người dân nước này bắt đầu bỏ đeo khẩu trang và cuộc sống như thời trước đại dịch bắt đầu quay trở lại. Kể từ đó, các ca lây nhiễm ghi nhận hàng ngày do biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn đã tăng nhanh. Các lệnh hạn chế bắt đầu được áp dụng trở lại, trong đó có việc buộc phải đeo khẩu trang ở các địa điểm trong nhà, và cách ly kiểm dịch đối với toàn bộ những người nhập cảnh vào Israel.

Cùng với đó, ngày 26/11, Chính phủ Israel thông báo cấm công dân nước này tới các quốc gia miền Nam châu Phi và cũng cấm người từ khu vực này nhập cảnh, do lo ngại về biến chủng B.1.1.529 mới được phát hiện tại đây. Israel liệt Nam Phi, Lesotho, Botswana, Zimbabwe, Mozambique, Namibia và Eswatini vào danh sách đỏ. Người Israel bị cấm đến các nước trong danh sách đỏ, trừ khi được Bộ Y tế chấp thuận.

Sau khi đạt được thành công trong việc xử lý Covid-19, Hàn Quốc ngay lập tức công bố các kế hoạch cho phép những người đã tiêm vaccine được ra ngoài mà không cần đeo khẩu trang, cho phép việc tụ tập thành từng nhóm nhỏ riêng tư.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo Hàn Quốc đã dỡ bỏ tâm lý cảnh giác trước virus SARS-CoV-2 quá sớm, khi mà đa số người dân vẫn chưa được tiêm vaccine. Việc số ca lây nhiễm hàng ngày tăng cao kỷ lục đã buộc chính phủ phải thắt chặt các quy định về giãn cách xã hội trên hầu như toàn quốc.

Ngày 26/11, Australia cho hay, nước này đang theo dõi biến thể B.1.1.529 và có thể hạn chế nhập cảnh đối với du khách đến từ Nam Phi trong trường hợp biến thể mới gây ra nguy cơ cao. Trả lời báo giới, Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt nêu rõ, nước này sẽ có biện pháp ứng phó nhanh chóng nếu WHO xếp loại đây là biến thể lớn. Ông nhấn mạnh Australia sẽ linh hoạt điều chỉnh các quy định phòng dịch nếu giới chức y tế đưa ra khuyến nghị.

Trong bối cảnh liên tục phát hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và nhiều biện pháp phòng dịch đang bị bỏ qua ở nhiều nước, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định một số quốc gia và cộng đồng đang bị cuốn vào “cảm giác an tâm giả” rằng đại dịch đã trôi qua và những người đã tiêm vaccine được bảo vệ hoàn toàn trước dịch bệnh Covid-19.

Ông Tedros cũng lưu ý rằng, các loại vaccine Covid-19 đã cứu sống nhiều người và làm giảm nguy cơ mắc bệnh nặng cũng như tử vong, song những người đã tiêm vaccine vẫn có thể mắc bệnh và lây lan virus giữa bối cảnh các sinh hoạt xã hội đang quay lại tình trạng như trước đại dịch.

Bên cạnh đó, ngày 26/11, WHO tiến hành cuộc họp đặc biệt để thảo luận về biến chủng Covid-19 mới đang có nguy cơ lan rộng. Tiến sĩ Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật về Covid-19 của WHO, cho biết, nhóm làm việc của WHO về quá trình đột biến của virus sẽ xem xét để quyết định liệu B.1.1.529 được xếp vào nhóm biến chủng đáng quan tâm hay đáng lo ngại, sau đó WHO sẽ đặt cho biến chủng này tên Hy Lạp.

Giáo sư Balloux, Giám đốc Viện Di truyền tại Đại học UCL nhấn mạnh: “Rất khó để dự đoán B.1.1.529 có thể lây truyền thế nào trong giai đoạn này. Hiện tại, nó cần được theo dõi và phân tích chặt chẽ, nhưng không có lý do gì để lo ngại quá mức, trừ khi nó bắt đầu tăng tần suất trong tương lai gần”.

Hà Anh