Để không bị bất ngờ

Tinh Anh 06/12/2021 10:00

UBND TP Hà Nội đã ban hành hướng dẫn thực hiện phương án cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị tại nhà đối với người mắc Covid-19 trên địa bàn. Các cấp chính quyền và cơ quan y tế địa phương được lệnh nhanh chóng thành lập các trạm y tế lưu động, Tổ y tế cộng đồng để sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ cho các F0 trong mọi tình huống.

Trước đó, UBND TP Hà Nội đã lập phương án dự phòng khi số ca mắc Covid-19 mới trên địa bàn tăng cao. Theo đó, khi số ca mắc Covid-19 mới đạt mốc 30.000 người trở lên thì sẽ kích hoạt kịch bản điều trị cho các F0 ở 4 cấp độ. Cấp độ 1 là bệnh viện cấp thành phố, cấp độ 2 quận huyện, cấp độ 3 phường, xã, thị trấn, cấp độ 4 là điều trị tại nhà.

Hiện, dù số người mắc Covid-19 chưa đến mức dự phòng 30.000 ca, nhưng số mắc mới hàng ngày vẫn tiếp tục tăng ở mức 3 con số rất đáng lo ngại. Đó chính là lý do lãnh đạo Hà Nội quyết định sớm đưa ra hướng dẫn đối với việc cách ly, điều trị F0 tại nhà. Đây là bước chuẩn bị khá chủ động của Hà Nội.

Các F0 cách ly tại nhà sẽ được phát 3 túi thuốc để tự điều trị. Túi thuốc A bao gồm paracetamol, vitamin C; túi B gồm methylprednisolone, rivaroxaban hoặc dexamethason; túi C có thuốc kháng SARS-CoV-2 molnupiravir. Ngoài ra, các F0 cũng phải chuẩn bị thêm các thuốc cân bằng điện giải, hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng, sát khuẩn hầu họng, máy đo SpO2, nhiệt kế, máy đo huyết áp, găng tay, cồn, kính chống giọt bắn...

Khi cách ly và điều trị tại nhà, các F0 cần thực hiện tự theo dõi sức khỏe và điền thông tin vào phiếu theo dõi sức khỏe 2 lần/ngày (vào buổi sáng và buổi chiều). Các chỉ số quan trọng như nhịp thở, mạch, nhiệt độ, SpO2 và huyết áp phải luôn đảm bảo ở trong ngưỡng cho phép, nếu có các dấu hiệu, triệu chứng khác lạ cần được chuyển viện cấp cứu.

Các F0 được yêu cầu khi có những dấu hiệu trở nặng cần liên hệ ngay với lực lượng y tế để được kịp thời hỗ trợ. Cụ thể: Khó thở, hụt hơi, thở bất thường, rút lõm lồng ngực, khò khè, thở rít. Nhịp thở tăng, ở người lớn >21 lần/phút; trẻ 1-5 tuổi >40 lần/phút; trẻ 5-12 tuổi >30 lần/phút. Chỉ số SpO2 <95%, mạch nhanh >120 nhịp/phút hoặc <50 lần/phút...

Ngoài các chỉ số trên (nếu có thể tự đo được), bệnh nhân Covid-19 và người nhà có thể căn cứ trên các triệu chứng lâm sàng khác như: Đau thắt ngực, khó thở khi vận động; không thể nói đủ câu; lẫn lộn về thời gian, địa điểm; da xanh môi nhợt; không tự đi, cầm nắm, ăn uống được; lạnh đầu ngón tay, ngón chân... cần liên hệ ngay với nhân viên y tế.

Song, dù cho các F0 có chuẩn bị tinh thần và vật chất để điều trị tại nhà tốt đến đâu, nhưng nếu thiếu đi sự hỗ trợ cần thiết từ các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng y tế khi họ cần đến thì cũng sẽ rất khó khăn. Khi đó, không chỉ khó khống chế được con số tử vong, mà còn không thể kiểm soát được nguồn lây nhiễm trong cộng đồng bởi sự di chuyển tự phát.

Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra, bởi khi các F0 cách ly và điều trị tại nhà nhưng lại không được lực lượng chức năng “để mắt” tới, không được ứng cứu kịp thời trong trường hợp trở nặng, nguy cơ tử vong là rất cao. Hơn nữa, khi mà không nhận được sự hỗ trợ từ các trạm tế lưu động, các tổ y tế cộng đồng, đương nhiên bệnh nhân và người nhà sẽ tìm cách di chuyển ra khỏi nơi lưu trú để tìm kiếm sự hỗ trợ và “cầu cứu” ở những nơi khác.

Lường trước được những vấn đề đó, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu tối thiểu mỗi phường, xã, thị trấn phải có các trạm y tế lưu động, các tổ dân phố, thôn, bản cần có các Tổ y tế cộng đồng để sẵn sàng hỗ trợ, ứng cứu khi người bệnh cần tới. Hy vọng với sự chuẩn bị tốt, Hà Nội sẽ hạn chế thấp nhất tác hại của đợt dịch này.

Tinh Anh