Báo động tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần

Lê Bảo 14/12/2021 06:40

Ảnh hưởng của dịch bệnh đã khiến tình trạng rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần ngày càng gia tăng. Đây sẽ là áp lực, thách thức rất lớn để tiến tới mục tiêu 60% lao động trong độ tuổi tham gia BHXH vào năm 2030 theo tinh thần Nghị quyết 28 về cải cách chính sách BHXH.

Khó khăn bủa vây

Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, nếu như năm 2006 chỉ có 240.191 người nhận BHXH một lần (chiếm 3,82% số người tham gia BHXH), thì đến năm 2016 tăng lên 665.306 người (chiếm 4,7%) và năm 2020 là 897.000 người (chiếm 5,57%). So với số người tham gia mới và quay trở lại tiếp tục tham gia BHXH, thì trước năm 2016, bình quân cứ 2 người tham gia, có 1 người ra khỏi hệ thống BHXH bằng việc nhận BHXH một lần; còn những năm gần đây số người nhận BHXH một lần gần bằng số tham gia mới.

Đặc biệt, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, năm 2020 số người nhận BHXH một lần tăng gần 51% so với năm trước đó. Đáng chú ý, bước sang năm 2021 số người “rút một cục” vẫn tiếp tục gia tăng đáng báo động. Cụ thể tính đến hết tháng 10/2021, cả nước có hơn 700.000 người hưởng BHXH một lần, tăng 1,5 lần so với 6 tháng đầu năm 2021 và tăng 5,45% so với cùng kỳ năm 2020.

Hậu quả người lao động (NLĐ) dời khỏi hệ thống an sinh xã hội đều nhìn thấy rõ, không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi mà còn tạo gánh nặng an sinh xã hội rất lớn cho ngân sách nhà nước. Đơn cử như năm 2014, ngân sách Nhà nước chi hơn 3.000 tỷ đồng cho khoảng 1,5 triệu người 80 tuổi trở lên không có lương hưu. Nhưng hiện, cả nước đã có khoảng 9,2 triệu người chưa được hưởng bất kỳ một tầng an sinh nào, điều này cho thấy gánh nặng trợ giúp xã hội đối với ngân sách nhà nước rất lớn.

Theo đánh giá của các chuyên gia, bên cạnh những nguyên nhân về cơ chế, chính sách thì mức lương đóng BHXH thấp kéo theo đó là mức lương hưu thấp mới là nguyên nhân gốc rễ khiến NLĐ dễ dàng chọn “rút một cục” khi gặp biến cố. Theo quy định từ năm 2018, tiền lương tháng đóng BHXH gồm mức lương và các khoản bổ sung khác, song khi thực hiện lại không quyết liệt. Lao động nhận lương thực tế 10-20 triệu đồng mỗi tháng, nhưng chỉ đóng BHXH trên mức lương tối thiểu vùng.

Thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, năm 2020 theo mức lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc chỉ khoảng 5,6 triệu đồng mỗi tháng. Trong đó, lao động khu vực nhà nước khoảng 6,5 triệu đồng và lao động khu vực doanh nghiệp (DN) ngoài quốc doanh đóng thấp nhất, chỉ khoảng 5 triệu đồng.

Trên thực tế phần lớn DN đăng ký đóng BHXH cho người lao động chỉ trên mức lương tối thiểu vùng và không có “khoản bổ sung khác”. “Qua kiểm tra, nhiều DN chỉ xây dựng thang, bảng lương để đóng BHXH ở mức thấp nhất, bằng lương tối thiểu vùng cộng 7% với lao động đã qua đào tạo nghề, 5-7% với lao động làm công việc nặng nhọc, độc lại” – ngành BHXH Việt Nam cho biết.

Tăng mức đóng, đảm bảo quyền lợi cho người lao động

Theo BHXH Việt Nam, luật hiện hành chưa quy định cụ thể các khoản bổ sung tính đóng BHXH gồm những loại nào. Nhiều công ty đưa ra các khoản thu nhập khác như hỗ trợ tiền nhà, điện thoại, xăng xe, khoán sản phẩm... cố tình lách luật để giảm bớt chi phí đóng vào Quỹ BHXH. Do đó, để hạn chế tình trạng “rút một cục”, cần sửa quy định về tiền lương đóng BHXH theo hướng thấp nhất bằng 70% bình quân tổng thu nhập của NLĐ. Điều này nhằm hạn chế đến mức thấp nhất khả năng trốn tránh các khoản phải đóng của DN. “Chỉ khi quyền lợi của NLĐ được đảm bảo, có mức lương hưu đáp ứng mức sống tối thiểu, khi đó NLĐ sẽ không lựa chọn rút bảo hiểm xã hội một lần” – đại diện BHXH Việt Nam khẳng định.

Đồng quan điểm, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cũng cho rằng, cần điều chỉnh cách tính lương hưu theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững; sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng BHXH để đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH. Đồng thời cần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, cải thiện điều kiện lao động cho NLĐ. Về tổng thể, việc này được coi là giải pháp căn cơ và mang tính bền vững nhất đúng theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và NLĐ trong DN.

Vấn đề gia tăng NLĐ nhận BHXH một lần đã làm “nóng” nghị trường tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) cho rằng, tình trạng gia tăng nhận BHXH một lần là một thực tế đáng quan ngại. NLĐ rời bỏ hệ thống BHXH là tự tước quyền được tham gia, thụ hưởng các chế độ BHXH, đặc biệt là các chế độ dài hạn như hưu trí, tử tuất... dẫn đến rủi ro đối với chính NLĐ trong tương lai; đồng thời tạo ra những thách thức lớn trong việc thực hiện mục tiêu mở rộng BHXH và đảm bảo an sinh xã hội đất nước. Do đó, khi sửa đổi Luật BHXH, cần phải xem xét quy định về hưởng BHXH một lần thật thấu đáo.

Lê Bảo