Tự hào tờ báo của Mặt trận

Dạ Yến 20/12/2021 06:10

Trải qua lịch sử 80 năm hết sức vẻ vang, Báo Cứu Quốc - Giải Phóng - Đại Đoàn Kết ở thời kỳ nào cũng đứng ở vị trí tiên phong, không ngừng phát triển, trở thành tờ nhật báo lớn, xứng đáng là tiếng nói của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong niềm tự hào, kể từ số báo này, Đại Đoàn Kết trân trọng giới thiệu bài viết của các tác giả- những người đã gắn bó với tờ báo trên mỗi chặng đường, để thấy bên cạnh sự đóng góp to lớn của tờ báo đối với đất nước, với dân tộc là sự cống hiến, hy sinh thầm lặng của biết bao thế hệ cán bộ, phóng viên Báo Cứu Quốc - Giải Phóng - Đại Đoàn Kết.

Qua mỗi thời kỳ phát triển, Báo Đại Đoàn Kết luôn để lại dấu ấn tốt đẹp, đáp ứng sự tin cậy của bạn đọc trong và ngoài nước. Ảnh: Quang Vinh.

Ngày này cách đây 61 năm, 20/12/1960, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, do luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch, nhằm tập hợp, đoàn kết đồng bào đấu tranh hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và đây cũng là tiền đề để Báo Giải Phóng ra đời. Chọn dấu mốc lịch sử này để kể lại câu chuyện 80 năm Báo Cứu Quốc- Giải Phóng- Đại Đoàn Kết chính là một niềm tự hào thiêng liêng của những người làm báo Mặt trận.

Lịch sử Báo Cứu Quốc - Giải Phóng - Đại Đoàn Kết gắn liền với lịch sử cách mạng và lịch sử của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Bác Hồ trò chuyện thân mật với nhà văn, nhà báo Thái Duy và nhà văn Phan Tứ.

Ngày 25/1/1942, Báo Cứu Quốc - cơ quan cổ động của Tổng bộ Việt Minh đã ra đời tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Kể từ đó cho tới tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, trong điều kiện hoạt động bí mật, thiếu thốn mọi bề, Báo Cứu Quốc chỉ ra được 30 số, nhưng đã có đóng góp rất lớn đối với sự nghiệp cách mạng trong những ngày chuẩn bị khởi nghĩa. Cứu Quốc cũng là tờ báo đầu tiên có vinh dự được đăng những bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công.

Là cơ quan cổ động của Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh), song Báo Cứu Quốc lại do Tổng Bí thư Trường Chinh thay mặt Đảng trực tiếp phụ trách từ năm 1942 đến năm 1944 và từ năm 1944 do đồng chí Xuân Thủy làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút. Điều đó cho thấy vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận và công tác báo chí nói chung, Báo Cứu Quốc nói riêng.

Sau ngày lễ Độc lập, với trách nhiệm và cũng là niềm tự hào, Báo Cứu Quốc số ra ngày 5/9/1945 đã đăng toàn văn bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Báo cũng đăng lời tuyên thệ của Chính phủ lâm thời và lời thề của quốc dân quyết tâm bảo vệ nền độc lập của dân tộc.

Trước yêu cầu xây dựng một tờ báo của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, đầu năm 1964, Báo Cứu Quốc cử Tổng Biên tập Trần Phong (tức Kỳ Phương) cùng các đồng chí Tống Đức Thắng, Thái Duy (Trần Đình Vân) vào miền Nam để xây dựng Báo Giải Phóng. Ở miền Bắc, đồng chí Nguyễn Tiêu thay đồng chí Trần Phong phụ trách Báo Cứu Quốc. Tháng 9/1964, tên Báo Giải Phóng được xác định và xuất bản số báo đầu tiên vào ngày 20/12/1964.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, đầu năm 1977, Báo Cứu Quốc và Báo Giải Phóng sáp nhập thành Báo Đại Đoàn Kết - cơ quan Trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, với tư cách là tờ báo của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, báo luôn phấn đấu, nỗ lực phản ánh đầy đủ, chân thực đời sống xã hội qua từng giai đoạn lịch sử; kêu gọi, tập hợp quần chúng, góp phần phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc nhằm thực hiện những nhiệm vụ mà cách mạng đặt ra, đáp ứng sự tin cậy của bạn đọc trong và ngoài nước, sự tin yêu của những người làm công tác Mặt trận.

Chỉ còn hơn một tháng nữa, Lễ kỷ niệm 80 năm Báo Cứu Quốc - Giải Phóng - Đại Đoàn Kết sẽ diễn ra, tuỳ theo bối cảnh diễn biến tình hình thực tế của đại dịch, Báo Đại Đoàn Kết sẽ tổ chức lễ kỷ niệm trang trọng, đầm ấm. Nhưng có lẽ, trong mỗi chúng tôi - thế hệ Báo Đại Đoàn Kết hôm nay đã chuẩn bị tâm thế hướng về ngày lễ kỷ niệm từ rất lâu rồi.

Khi chúng tôi tìm gặp nhiều nhà báo lão thành-những người đã từng làm việc ở 3 tờ Báo Cứu Quốc - Giải Phóng - Đại Đoàn Kết, nhiều người đã mất và hầu hết những người còn sống đều đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng tất cả câu chuyện mà họ để lại cho chúng tôi chính là sự kiên trung của những nhà báo cách mạng và niềm tự hào khi được làm trong tờ báo của Mặt trận.

Nhà báo Thái Duy, người duy nhất làm ở cả 3 tờ báo Cứu Quốc - Giải Phóng - Đại Đoàn Kết nay đã 95 tuổi. Trong số những người làm báo Mặt trận, ông là trường hợp đặc biệt. Ông tham gia làm Báo Cứu Quốc, gây dựng Báo Giải Phóng và trở về viết Báo Đại Đoàn Kết cho đến tận bây giờ. Suốt đời chỉ làm báo Mặt trận không làm việc gì khác, chưa từng chuyển cơ quan nào, chưa từng đảm nhận một chức vụ nào, nhà báo Thái Duy trở thành một tên tuổi được kính trọng trong làng báo. Tình yêu của ông cho tờ báo tuyệt đối đến mức ai gọi điện ông cũng hỏi “có phải Báo Đại Đoàn Kết không”, nếu phỏng vấn hay viết bài thì “chỉ đăng ở trên Báo Đại Đoàn Kết”. Khi chúng tôi đề nghị ông giúp báo chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 80 năm, ông nói rất ngắn gọn nhưng chân thành như 80 năm nay không bao giờ thay đổi: “Với Báo Đại Đoàn Kết lúc nào tôi cũng sẵn sàng”.

Nhà báo Cao Kim, phóng viên Báo Giải Phóng, tác nghiệp tại sân bay Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) sau một cuộc trao trả tù binh giữa phía Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và phía chính quyền Sài Gòn, giữa năm 1973.

Chúng tôi đã nhiều lần tìm gặp nhà báo Cao Kim tức Kim Toàn - nguyên phóng viên Báo Giải Phóng, nguyên Tổng Biên tập Báo Hải Phòng. Lúc thì về Hải Phòng - quê nhà nơi ông đang sống, lúc thì trao đổi qua điện thoại.

Ông và nhà báo Thái Duy là 2 phóng viên duy nhất của Báo Giải Phóng ở ngoài Bắc vào thời điểm này. Nhưng lần nào cũng vậy, lúc ông mạnh khoẻ hay mới ốm dậy thì câu chuyện về một giai đoạn hào hùng của những tháng ngày làm báo ở chiến trường Nam Bộ và Sài Gòn - Gia Định, vẫn vẹn nguyên trong từng nhịp đập, hơi thở.

Đó là một chặng đường gian khổ nhưng đầy vinh quang. Đó là những ngày tờ báo được xuất bản phải đổi bằng máu. Nhưng không ai và không một điều gì bị lãng quên.

Cán bộ, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết tại Lễ đặt bia lưu niệm Báo Cứu Quốc - Giải Phóng - Đại Đoàn Kết tại Xuân Kỳ, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội ngày 24/3/2021. Ảnh: Quang Vinh.

Hành trình nhà báo Thái Duy, nhà báo Cao Kim và nhiều đồng nghiệp đáng kính đã đi qua, đã để lại chính là hành trang quý giá, lan toả sức mạnh và niềm tin để chúng tôi tiếp bước sứ mệnh của tờ báo Mặt trận.

Trong chuyên mục này, chúng tôi cũng chọn đăng tải bài viết của nhiều đồng nghiệp đã không còn nữa. Cùng với các thế hệ phóng viên, họ là những viên gạch hồng xây dựng nên lịch sử 80 năm Báo Cứu Quốc - Giải Phóng - Đại Đoàn Kết.

Nhà báo Lê Anh Đạt, Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết, khẳng định: “Nối tiếp truyền thống lịch sử hào hùng, Báo Đại Đoàn Kết sẽ tiếp tục phát huy tiếng nói của mình, tiếng nói của đoàn kết, tiếng nói của nhân dân, tiếng nói của sự đồng lòng để cùng đất nước chiến thắng đại dịch Covid-19, trở lại trạng thái bình thường và tiếp tục phát triển toàn diện như mong mỏi của Bác Hồ: Đất nước ta sẽ sánh vai với các cường quốc năm châu và cũng là hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra về khát vọng xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường”.

Dạ Yến