Lựa chọn kênh đầu tư: Làm gì để tránh rủi ro?

Thúy Hằng 17/01/2022 07:39

Gửi tiết kiệm ngân hàng, giữ ngoại tệ, hay đầu tư vàng, chứng khoán, bất động sản... Nhiều nhà đầu tư băn khoăn chưa biết lựa chọn kênh đầu tư nào trong năm 2022, chọn cách “bỏ trứng vào một giỏ” hay phân tán nhiều kênh?

Bất động sản được coi là kênh đầu tư quan trọng năm 2022.

Năm 2022, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng có thể phục hồi ấn tượng, đạt mức tăng trưởng khoảng 6 - 6,5% và lạm phát tăng so với năm 2021 nhưng được kiểm soát ở mức 3,4- 3,7%. Trong bối cảnh đó, lãi suất tiết kiệm tiền gửi ngân hàng được dự báo sẽ tăng nhẹ để hỗ trợ người gửi tiền tiết kiệm.

Lãi suất tiết kiệm sẽ ở mức nào?

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo, khả năng lãi suất tiết kiệm sẽ tăng vào khoảng 0,25 - 0,5%, nhất là trong nửa cuối của năm. Tương tự, Công ty Chứng khoán SSI cũng dự báo, nếu không có áp lực lạm phát bất ngờ, lãi suất huy động sẽ tăng khoảng 20 - 25 điểm phần trăm trong năm 2022 tại các ngân hàng lớn. Mức độ tăng lãi suất sẽ cao hơn tại các ngân hàng cấp 3 vốn có bảng cân đối kế toán kém lành mạnh hơn và khách hàng gửi tiền yếu hơn. Kỳ vọng lãi suất huy động duy trì mặt bằng thấp cũng được phản ánh trong kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của Ngân hàng Nhà nước đối với các tổ chức tín dụng mới công bố gần đây.

Ghi nhận tại biểu lãi suất mới nhất trong tháng 1/2022 tại nhiều ngân hàng cho thấy lãi suất nhiều kỳ hạn đã tăng nhẹ từ 0,1-0,3% so với hồi đầu tháng trước. Đáng chú ý, có ngân hàng đã chào lãi suất tiền gửi online với kỳ hạn 36 tháng lên tới gần 6,8%/năm.

Tại Sacombank, VPBank, SHB với biểu lãi suất mới áp dụng từ 4/1 đối với hình thức gửi tại quầy, lãi suất cao nhất của các ngân hàng này là 6,3%/năm cho kỳ hạn 36 tháng, tăng 0,2%/năm so với trước đó. Tương tự, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tăng từ 5,5%/năm lên 5,8%/năm, kỳ hạn 6 tháng tăng từ 4,3%/năm lên 4,6%/năm. Các ngân hàng cũng tăng lãi suất đối với hình thức gửi tiết kiệm online.

Giới chuyên gia cho rằng thị trường đánh giá, lãi suất huy động có xu hướng tăng trở lại sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, một phần để thu hút dòng tiền nhàn rỗi trở lại ngân hàng thay vì đổ vào các kênh đầu tư khác.

Theo phân tích của chuyên gia tài chính - ngân hàng Cấn Văn Lực thì động thái tăng lãi suất huy động những ngày qua chỉ diễn ra ở một số ngân hàng và chủ yếu do tính thời vụ cuối năm, không phải xu hướng chung.

Chứng khoán là kênh đầu tư “vua”?

Cũng trong câu chuyện chọn kênh đầu tư năm 2022, anh Trần Hoàng Tùng (khu đô thị Ciputra, Hà Nội) cho biết, anh vẫn để 1 tỷ đồng để “đánh” chứng khoán. Bên cạnh đó, anh đặt mục tiêu, phải mua được một mảnh đất ở vùng ven Hà Nội tầm 5 – 7 tỷ để phân lô, xây nhà. Theo lập luận của anh Tùng, chứng khoán dễ mất nhưng nếu chơi cẩn thận cũng có lãi hơn gửi tiết kiệm ngân hàng.

Theo các chuyên gia tài chính, thị trường chứng khoán năm 2022 dường như không thể nói trước điều gì. Thị trường đang tăng nóng, chỉ số VNindex vượt 1500 điểm, nhiều mã chứng khoán tăng nóng nhưng lập tức giảm sâu sau cú bán ồ ạt cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch FLC.

VN-Index đã có mức tăng tới 33,7% - thuộc top thị trường có mức sinh lời tốt nhất thế giới, HNX-Index thậm chí còn tăng 130%. Không ít nhà đầu tư đã nhân đôi, nhân ba tài khoản nếu lựa chọn đúng “sóng” cổ phiếu. Sở dĩ chứng khoán có sức hút đến vậy vì nó có khả năng sinh lời tốt, lại phù hợp với nhu cầu đầu tư của rất nhiều người với số vốn vừa phải, tính thanh khoản cao, nhà đầu tư có thể giao dịch ở bất kỳ đâu chỉ cần có điện thoại thông minh/ máy tính và Internet. Trong năm 2022, các chuyên gia cho rằng thị trường chứng khoán vẫn sẽ tích cực mức tăng vào khoảng 20% khi kinh tế vĩ mô ổn định, sản xuất kinh doanh phục hồi và gói hỗ trợ kinh tế sẽ mở ra dư địa tăng trưởng của rất nhiều nhóm cổ phiếu. Do đó, các chuyên gia nhận định hết sức khách quan về kênh đầu tư này.

Hiện nay quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 7,77 triệu tỷ đồng, tăng 46,8%, đạt 123% so với GDP 2020 chưa điều chỉnh, 92,6% so với GDP đã điều chỉnh. Số lượng nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch chứng khoán đạt mức kỷ lục (trên 1,5 triệu tài khoản), bằng 4 năm trước đó cộng lại. Giá trị huy động vốn qua thị trường chứng khoán tăng 25% so với năm 2020, trong đó phát hành cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp đạt 155.588 tỷ đồng, tăng 2,3 lần so với năm trước. Huy động vốn cho ngân sách Nhà nước đạt 318 nghìn tỷ đồng với kỳ hạn huy động bình quân dài nhất 13,92 năm và lãi suất huy động bình quân thấp nhất đạt 2,3% năm, góp phần quan trọng vào tái cơ cấu nợ công của Chính phủ.

Bất động sản vẫn nóng

Vậy còn kênh đầu tư bất động sản (BĐS) thì sao? Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cho rằng, các dòng vốn đang chảy vào BĐS hiện tại chủ yếu vẫn mang tính chất đầu tư tài chính ngắn hạn lấy lãi, đầu tư “lướt sóng”.

Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt- Giám đốc Bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam, khi quyết định chọn mua BĐS, người mua cần chọn dự án, sản phẩm phù hợp nhu cầu, chọn dự án của chủ đầu tư có năng lực và được ngân hàng cam kết bảo lãnh tiến độ để giảm thiểu rủi ro liên quan pháp lý, chất lượng. Bất chấp dich Covid -19, thị trường BĐS vẫn nóng xình xịch, giá tăng. Tại nhiều địa phương giá đất nền đã tăng 30 - 50%, tạo thành những cơn sốt cục bộ, trong khi đó phân khúc nhà ở căn hộ cũng không kém cạnh.

Bà Dương Thùy Dung - Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho hay, dù trải qua 2 năm dịch bệnh phức tạp, kéo lùi nền kinh tế nhưng giá BĐS của nhiều phân khúc vẫn tiếp tục tăng. Trong đó, giá bán căn hộ sơ cấp tại Hà Nội tăng 16%; giá bán căn hộ sơ cấp tại TP Hồ Chí Minh tăng 17%. Đối với sản phẩm nhà phố và biệt thự, tại Hà Nội giá bán biệt thự đã tăng 13%; nhà phố tăng 4%; nhà phố thương mại tăng 3%. Tại TPHCM, giá biệt thự tăng 3%; nhà phố tăng 17%; nhà phố thương mại tăng 6%. Nhiều nhà đầu tư trong năm 2021 đã rút tiền gửi ngân hàng, đổ vào BĐS.

Năm 2022 BĐS được kỳ vọng sẽ tiếp tục diễn biến tích cực dựa trên 3 yếu tố: Nguồn cầu được thúc đẩy mạnh mẽ bởi thị trường phục hồi trong năm 2022; lãi suất vay mua nhà thấp củng cố quyết định mua nhà; và nguồn cung mới hồi phục nhờ nới lỏng pháp lý. Ngoài ra, việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, phát triển hạ tầng sẽ có tác động tích cực và trở thành động lực tăng trưởng chính của BĐS trong các năm tới.

Giới quan sát nhìn nhận, hiện nay các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các thông tin về sự phát triển thị trường BĐS sản rất yếu. Nhà đầu tư không có cơ sở để kiểm chứng thông tin đó là chính thống hay không chính thống. Đúng hay không đúng, sự phát triển dự án là phù hợp hay không phù hợp. Do đó, khi đầu tư vào BĐS cần phải thận trọng quan sát thị trường để không dễ bị lôi kéo theo đám đông, theo tin đồn.

CHUYÊN GIA KINH TẾ CẤN VĂN LỰC:

Nhà đầu tư là nên biết mình, biết người

Trong hoạt động kinh doanh, đã đầu tư là có rủi ro. Không có hoạt động đầu tư nào không có rủi ro cả. Chính vì vậy, chúng ta phải tìm hiểu và kiểm soát, chứ không phải vì rủi ro mà không đầu tư.

Tôi vẫn khuyên các nhà đầu tư là nên biết mình, biết người. Biết mình là phải xác định mình thuộc nhóm nhà đầu tư nào: e ngại rủi ro, trung dung hay thích mạo hiểm. Đối với tiêu chí đầu tư bất động sản nói chung và đất nền nói riêng, nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ pháp lý có ổn không, quy hoạch, hạ tầng - an ninh - cảnh quan như thế nào, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh thì môi trường sống và cảnh quan cũng rất quan trọng.

Với chứng khoán, mỗi nhà đầu tư chứng khoán đều phải có chiến lược rõ ràng để gắn chặt với nó. Một vài người thành công với chiến lược bỏ trứng vào nhiều giỏ, đa dạng hóa danh mục. Vì họ nghĩ rằng đầu tư luôn đi kèm với rủi ro nên nếu đa dạng kênh mua sẽ phần nào kiểm soát và san sẻ được khoản lỗ mà không sợ mất trắng.

CHUYÊN GIA KINH TẾ ĐINH TRỌNG THỊNH:

Ngân hàng phải cân đối lãi suất huy động để thu hút dòng vốn nhàn rỗi

Lãi suất huy động neo ở mức thấp trong thời gian dài sẽ khiến dòng vốn có nguy cơ đổ vào các kênh khác như chứng khoán, bất động sản... Do đó, các ngân hàng cũng sẽ phải cân đối biểu lãi suất huy động để thu hút dòng vốn nhàn rỗi. Thực tế, trong tháng đầu năm mới 2022, lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đã có sự điều chỉnh theo hướng đi lên để thu hút tiền nhàn rỗi của người dân nhằm đáp ứng nhu cầu cho vay cuối năm, trong bối cảnh dòng tiền đang chảy nhiều vào thị trường chứng khoán và bất động sản.

Chọn kênh đầu tư nào cũng phải hợp lý nhưng điểm quan trọng nhất là phải hạn chế tối đa dùng đòn bẩy tài chính để đầu tư, đi vay tiền để đầu tư. Thương trường là chiến trường, nếu không cẩn trọng sẽ mất cả vốn lẫn lãi, mà còn rơi vào nợ nần.

H.Hương (ghi)

Thúy Hằng